Thứ 5, 09/05/2024 17:26:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 30/06/2011 GMT+7

Nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam

Thứ 5, 30/06/2011 | 00:00:00 240 lượt xem

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới vấn đề về bình đẳng giới. Người luôn trăn trở làm gì để nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam. Chính vì vậy, ngày 8-3-1952, trong “Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ”, Bác đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Và Người yêu cầu: “Các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn, thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa”, (Hồ Chí Minh toàn tập, trang 432, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002).

 

Đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII ra mắt tại kỳ họp lần thứ I

Trong bài nam nữ bình quyền, bác đã viết: “Nhiều người tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng, bình quyến. Lầm to! (Sđd, Tr 433, tập 6). Trong bài nói tại hội nghị phụ nữ lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua toàn thành phố Hà Nội lần thứ II, ngày 8-3-1960, một lần nữa Người đã khẳng định về vị trí, vai trò của phụ nữ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Đồng thời, Bác cũng chỉ ra nhiệm vụ của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới: Từ trước đến nay, phụ nữ Việt Nam ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta có rất nhiều tiến bộ. Nhưng Đảng, Chính phủ và Bác còn mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa. Hiện nay trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải: Gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật. Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”. Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội…”, (Sđd, tr 87, tâp 10).

Tại đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, ngày 9-3-1961, Bác đã khẳng định rõ sự quan tâm đặc biệt của Người, của Đảng và Nhà nước ta đối với phụ nữ: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…”, (Sđd, tr 296, tập 10).

Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực chính trị, từ năm 2002 Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho đến năm 2015 với 5 chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, tổng kết chiến lược cho thấy, trong nhiệm kỳ 2006-2010, tỷ lệ phụ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng đạt 10% trong tổng số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2010-2015 của 63/63 tỉnh, thành phố bình quân tỷ lệ nữ tham gia Đảng bộ cấp tỉnh cũng chỉ đạt 11,34% trong đó 10 tỉnh đạt trên 15%; 22 tỉnh đạt dưới 10% và thấp nhất là tỉnh Long An chỉ đạt 3,77%. Tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2007-2011 cũng chỉ đạt 25,76%, giảm so với nhiệm kỳ trước và còn xa so với mục tiêu đề ra là 33%. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước cấp Trung ương và địa phương cũng tụt so với chỉ tiêu đề ra. Cụ thể là trong số 18 vị bộ trưởng của 18 bộ hiện nay, chỉ có duy nhất một bộ trưởng nữ, một tỷ lệ quá nhỏ. Đó là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể nói, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ở nước ta diễn biến thất thường như thị trường chứng khoán, lúc cao, lúc thấp. Ở nơi nào cấp ủy có sự nhìn nhận, đánh giá công bằng thì nơi đó cán bộ nữ mới được tạo điều kiện phát triển. Một trong những nguyên nhân tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ là do tỷ lệ nữ đưa vào quy hoạch cán bộ còn thấp. Vẫn còn tình trạng trọng nam hơn nữa ở một nơi, dẫn đến việc quy hoạch, đánh giá, đề bạt cán bộ nữ còn khắt khe. Bên cạnh đó, tính chủ động, sáng tạo của các cấp hội phụ nữ tại một số cơ sở còn hạn chế và ngay chính bản thân người phụ nữ cũng chưa có mục đích, ý chí phấn đấu rõ rệt.

Để bình đẳng giới trở thành hiện thực cần quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương. Bên cạnh đó, với quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữa là 55, thấp hơn nam 5 năm cũng là một trong những cản trở việc đào tạo bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ nữ vào các chức danh lãnh đạo. Hiến pháp cũng như pháp luật Việt Nam không phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Vì vậy, quy định tuổi nghỉ hưu 55 năm đối với nữ vừa không bình đẳng với nam giới, vừa gây vỡ quỹ BHXH trong thời gian tới. Đồng thời Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chế tài xử lý vi phạm về giới, có như vậy thì mới có căn cứ khen thưởng và xử phạt những nơi làm tốt, nơi làm không tốt.

ĐT

  • Từ khóa
91770

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu