Thứ 5, 09/05/2024 13:59:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 00:00, 26/06/2011 GMT+7

Những bất cập trong dự thảo Luật Giá

Chủ nhật, 26/06/2011 | 00:00:00 452 lượt xem

LTS: Pháp lệnh Giá hiện hành đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 26-4-2002 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2002. Sau gần 9 năm thực thi, Pháp lệnh Giá đã góp phần tích cực vào việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu với kinh tế quốc tế, nhiều quy định trong Pháp lệnh Giá đã không còn phù hợp. Do đó, Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo Luật Giá để thay thế cho Pháp lệnh Giá hiện hành và hiện nay, Dự thảo Luật Giá đã được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân trong cả nước. Bài viết dưới đây xin góp ý về những điểm còn bất cập trong dự thảo luật này.

Thứ nhất là trong dự thảo luật Giá có quy định tổ chức thẩm định giá bao gồm các doanh nghiệp (có thể là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn) thẩm định giá và tổ chức thẩm định giá của Nhà nước. Đây là một điểm mới so với Pháp lệnh Giá hiện hành, nhưng trong dự thảo luật chưa làm rõ các vấn đề có liên quan, như tổ chức thẩm định giá của Nhà nước là loại hình gì? Là một bộ phận thuộc cơ quan quản lý Nhà nước do ngân sách Nhà nước bảo đảm các khoản chi hay một đơn vị sự nghiệp có thu hay một doanh nghiệp Nhà nước?

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa,
dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa
và cung ứng dịch vụ
- Ảnh: Hoàng Linh

Bất cập thứ hai là trong điều 48 của dự thảo luật quy định có hai loại thẩm định viên về giá nhưng sau: “Thẩm định viên về giá hành nghề thẩm định giá tư vấn trong các doanh nghiệp thẩm định giá, tổ chức có chức năng hoạt động thẩm định giá”. Quy định này được hiểu là có thẩm định viên về giá hành nghề (có thể là trong doanh nghiệp hoặc tổ chức về thẩm định giá không phải của Nhà nước) và thẩm định viên về giá của Nhà nước. Quy định như vậy là không ổn vì không có căn cứ khoa học và khiên cưỡng. Bởi lẽ, người đã được cấp thẻ thẩm định viên về giá là thẩm định viên về giá. Thẩm định viên về giá làm việc ở đâu thì áp dụng theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực đó. Cụ thể là nếu thẩm định viên về giá làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính, giá cả thì phải bị điều chỉnh bởi Luật Công chức, Luật Viên chức; còn thẩm định viên làm việc ở doanh nghiệp thẩm định giá thì phải tuân thủ theo theo Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Lao động.

Thứ ba là dự thảo luật này chỉ có sáu chương với 64 điều, nhưng trong đó đã có 14 lần sử dụng cụm từ: “Chính phủ quy định cụ thể” hoặc “theo quy định của Chính phủ”... Vẫn biết quy định trong văn bản luật không thể quy định chi tiết, song càng cụ thể thì luật càng dễ đi vào cuộc sống. Trong khi đó, dự luật đưa ra quá nhiều vấn đề được “chuyển” cho Chính phủ, thậm chí có những vấn đề không nên và cũng không buộc phải chuyển nhưng vẫn cứ được chuyển. Ví dụ như trong điều 26 dự thảo luật quy định: “Giao cho Chính phủ quy định cụ thể về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm soát giá độc quyền”. Theo ý kiến của cá nhân người viết bài, vấn đề này cần được quy định rõ trong luật, nếu giao cho Chính phủ thì khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi được kiểm tra, thanh tra giá, thẩm định giá (Điều 58)

1. Tổ chức, cá nhân nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra giá, thẩm định giá phải báo cáo kịp thời, chính xác, trung thực số liệu, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra giá và thẩm định giá.

2. Tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định xử lý của cơ quan quản lý Nhà nước về giá; trong trường hợp không nhất trí với quyết định đó thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật; trong thời gian khiếu nại, vẫn phải chấp hành quyết định đó.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền từ chối các yêu cầu kiểm tra, thanh tra giá, thẩm định giá không đúng quy định của pháp luật.

Bất cập thứ tư là ở khoản 6 điều 8 dự thảo luật quy định một trong những quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh như sau: “Hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ và thực hiện niêm yết công khai, rõ ràng tại cửa hàng, nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời gian hạ giá đối với các trường hợp đặc thù theo quy định của pháp luật”. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lại không có quyền tăng giá trong khi chi phí sản xuất, kinh doanh tăng lên ngoài mong muốn của họ? Hơn nữa, việc tăng giá không chỉ là quyền của Nhà nước? Và pháp luật hiện hành không có quy định nào nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không tăng giá sản phẩm, hàng hóa của mình.

Thứ năm là tại điểm a, khoản 6 điều 9 trong dự luật có quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, công khai, không gây nhầm lẫn cho khách hàng”. Theo ý kiến của cá nhân người viết thì quy định như trên là không chặt chẽ, vì người bán hàng chỉ có trách nhiệm niêm yết giá chứ không bắt buộc họ phải bán đúng giá đã niêm yết. Vậy thì việc niêm yết giá trở thành hình thức, là vô nghĩa.

Thứ sáu là tại khoản 6 điều 10 trong dự luật có quy định một hành vi bị cấm là: “Áp dụng phân biệt về giá (bao gồm phân biệt cả về giá bán buôn hoặc giá bán lẻ) khi cung cấp cùng một loại hàng hóa hoặc dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Điều cấm này rất là vô lý, vì mức giá bán của cùng một hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân khác nhau sẽ khác nhau do số lượng hàng mua khác nhau, thời hạn thanh toán khác nhau, cự ly vận chuyển khác nhau, sự tín nhiệm trong quan hệ thương mại giữa bên mua và bên bán cũng khác nhau... Và nếu coi hành vi trên là bị cấm thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp vi phạm.

T.H

  • Từ khóa
91768

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu