Thứ 5, 09/05/2024 11:51:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:53, 17/06/2011 GMT+7

Nguồn nước hồ suối Cam bị ô nhiễm nghiêm trọng

Thứ 6, 17/06/2011 | 09:53:00 1,146 lượt xem

Hiện nay, suối Cam là hồ tích nước tự nhiên lớn nhất ở thị xã Đồng Xoài và là nơi cung cấp nguồn nước duy nhất cho nhà máy nước Đồng Xoài. Mỗi ngày đêm nhà máy nước Đồng Xoài xử lý và cung cấp trên 7.000m3 nước cho hàng ngàn hộ dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, cứ vào mùa khô khi nước cạn dần thì hồ lại trở thành bãi chăn thả trâu, bò lý tưởng.

Ông Vũ Hữu Tuy ở khu phố Phú Tân, phường Tân Phú, người trực tiếp trông coi, chăn dắt đàn trâu có thời điểm lên đến 50 con tại hồ Suối Cam cho biết: Trong khu vực lòng hồ không chỉ có đàn trâu ông chăn mà còn có hàng chục con trâu, bò của các gia đình khác cũng chăn thả tại đây. Với số lượng trâu, bò như hiện nay thì mỗi ngày hồ Suối Cam phải hứng chịu khối lượng lớn chất thải từ đàn trâu, bò. Điều đáng nói là việc chăn thả trâu, bò ở hồ Suối Cam có từ vài năm nay nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có động thái ngăn cấm nào. Không chỉ vậy, nước hồ Suối Cam còn bị ô nhiễm bởi nhiều nguồn khác. Hiện nay, trên suốt chiều dài toàn tuyến đường vòng quanh và xung quanh hồ Suối Cam còn có hàng trăm hộ dân đang sinh sống, trực tiếp chăn nuôi, canh tác. Vì vậy, hồ Suối Cam lại là nơi để các hộ dân đổ rác và vứt đủ loại chất thải, thậm chí là cả xác súc vật chết. Những hộ dân sống tại đây vừa là người gây nên tình trạng ô nhiễm nhưng chính họ cũng đã và đang là nạn nhân của sự ô nhiễm môi trường này. Chị Đinh Thị Chín ở tổ 2, khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú cho biết: “Nước ở đây rất ô nhiễm vì những hộ sống xung quanh đường ven hồ vứt tất cả các loại chất thải xuống. Mỗi khi mưa là rác, bịch ni lông trôi vào nhà. Do nước giếng rất hôi nên tôi đã làm bể lọc qua cát nhưng vẫn không nấu ăn được, chỉ tắm giặt được thôi”.

Ven hồ Suối Cam không chỉ là nơi chăn, thả mà còn là nơi tập kết mua bán trâu, bò - Ảnh lớn
Rác thải, rác sinh hoạt được người dân đổ ở nhiều nơi cạnh đường vòng quanh hồ Suối Cam - Ảnh nhỏ

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND phường Tân Phú cho biết: Năm 2004, UBND tỉnh đã có công văn về việc thực hiện giải tỏa diện tích đất từ đường vòng quanh xuống mép hồ Suối Cam để bảo đảm giữ gìn vệ sinh cho nguồn nước. Tháng 5-2007, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định phê duyệt dự án khu du lịch hồ Suối Cam. Theo đó có khoảng trên 400 hộ dân sinh sống trong khu vực hồ phải di dời. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa được thực hiện. Chính vì vậy mà việc sinh sống, chăn nuôi, canh tác của các hộ dân trong khu vực hồ Suối Cam là lẽ đương nhiên. Đặc biệt, nhiều diện tích đất trên mép hồ Suối Cam được một số hộ dân đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các dịch vụ bề thế để kinh doanh cà phê, giải khát, dịch vụ ăn uống. Không chỉ lấn chiếm lòng hồ Suối Cam mà hàng ngày các quán này còn gián tiếp hoặc trực tiếp thải ra một lượng lớn chất thải. Cho dù họ có làm hầm tự hoại hay loại nhà vệ sinh nào đi nữa thì nước thải vẫn ngấm xuống hồ Suối Cam. Đây cũng là những vấn đề mà chính quyền thị xã Đồng Xoài và phường Tân Phú rất trăn trở, nhưng để giải quyết thấu đáo lại nằm ngoài thẩm quyền của địa phương. Cũng theo ông Dương, đảm bảo giữ gìn vệ sinh nguồn nước ở hồ Suối Cam là điều cần phải làm, nhưng nếu nghiêm cấm người dân chăn nuôi, canh tác thì rất khó. Nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương là sớm thực hiện các dự án đã được phê duyệt để nguồn nước sinh hoạt lấy từ hồ Suối Cam bảo đảm vệ sinh.

Hiện nay, có rất nhiều đầu mối liên quan đến quản lý nguồn nước hồ Suối Cam. Cụ thể như, Chi cục khai thác thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ quản nguồn nước; Công ty cấp thoát nước Bình Phước trực tiếp khai thác sử dụng nguồn nước của hồ; chính quyền thị xã Đồng Xoài và phường Tân Phú quản lý về diện tích, dân cư; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh được giao chủ dự án khu du lịch hồ Suối Cam. Tuy nhiên, với nhiều đầu mối quản lý như hiện nay thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm chính và hồ Suối Cam sẽ phải chịu ô nhiễm đến bao giờ?

Kim Phụng

  • Từ khóa
91760

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu