Thứ 6, 10/05/2024 00:56:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:25, 31/05/2011 GMT+7

Để Luật An toàn thực phẩm sớm đi vào cuộc sống

Thứ 3, 31/05/2011 | 14:25:00 287 lượt xem

Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội khóa XII thông qua toàn văn tại kỳ họp thứ 7, ngày 17-6-2010. Luật này thay thế Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Để những quy định của luật nay sớm đi vào cuộc sống, Bộ Y tế đã được Chính phủ giao cho chủ trì tổ chức việc soạn thảo Dự thảo Nghị định về an toàn thực phẩm. Hiện nay, dự thảo nghị định này đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân trong cả nước. Tuy nhiên, nội dung của dự thảo này đã, đang được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp đối với những vấn đề còn bất cập.

Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi ngày hết hạn sử dụng hoặc
hạn sử dụng cuối cùng đối với thực phẩm dễ có khả năng
hư hỏng do vi sinh vật
- Ảnh: Hoàng Linh

Theo quy định tại Điều 9 của luật này, người tiêu dùng thực phẩm có 5 quyền và 3 nghĩa vụ, trong đó có quyền được “Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (điểm c, khoản 1, Điều 9). Và theo quy định của luật như vậy là đủ, nhưng để khả thi thì trong dự thảo nghị định phải quy định cụ thể hơn. Tức là phải quy định rõ tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là những tổ chức nào? Vì nhà nước cũng có tổ chức này mà tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có. Tuy nhiên, quy chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và nguồn lực của các tổ chức này hoàn toàn khác nhau. Chỉ riêng về vấn đề kinh phí cũng đã khác nhau xa, tổ chức Nhà nước được ngân sách cấp còn tổ chức xã hội thì không. Chỉ khi Nhà nước giao việc cho tổ chức xã hội thì tổ chức xã hội này mới được hỗ trợ kinh phí. Do đó, trong nghị định hướng dẫn thi hành luật rất cần có quy định cụ thể về vấn đề này.

Ghi hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm
(Điều 16 của dự thảo nghị định an toàn thực phẩm)

1. Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi “ngày hết hạn sử dụng”, hoặc “hạn sử dụng cuối cùng” đối với những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày” phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm.

2. Đối với thực phẩm ghi “ngày hết hạn sử dụng” hoặc “hạn sử dụng cuối cùng” thì không được phép bán ra thị trường khi đã quá thời hạn này.

3. Đối với thực phẩm ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày” thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn. Chỉ nhà sản xuất ra thực phẩm đó mới được kéo dài hạn sử dụng cho thực phẩm đó.

Bất cập thứ hai là về niên hạn sử dụng được quy định tại Điều 16, Khoản 1 của dự thảo nghị định: “Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi ngày hết hạn sử dụng hoặc hạn sử dụng cuối cùng đối với thực phẩm dễ có khả năng hư hỏng do vi sinh vật. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi: “Sử dụng tốt nhất trước ngày…” mới phù hợp với loại sản phẩm, thực phẩm. Quy định như vậy là thừa và không cần thiết, bởi lẽ trong Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa đã dùng cụm từ “hạn sử dụng” và có giải thích về cụm từ này như sau: "Hạn sử dụng là mốc thời gian mà quá thời gian đó thì hàng hóa không được phép lưu thông”. Quy định như vậy là đủ, là đúng, vì lâu nay ai cũng hiểu “hạn sử dụng” là mốc thời gian mà quá thời gian đó thì hàng hóa không được phép lưu thông.

Và nếu áp dụng quy định như dự thảo nghị định mới thì lại thêm khái niệm và phải có phần giải thích từ ngữ về khái niệm thế nào là: “Hạn sử dụng cưối cùng”. Mà đã có hạn cuối cùng thì có phải ghi hạn sử dụng đầu tiên trên nhãn hàng hóa hay không? Đồng thời, trong dự thảo nghị định cũng không nên dùng cụm từ “có thể”, bởi nghị định là một loại văn bản mang tính pháp quy mà dùng cụm từ ở thể nghi vấn như vậy sẽ khó cho công tác kiểm tra, xử lý sai phạm sau này. Đó là chưa nói tới việc nếu như quy định trong dự thảo nghị định mới được áp dụng vào thực tế thì những quy định tương tự về nhãn hàng hóa trong Nghị định số 89/2006/NĐ-CP phải được sử đổi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thay đổi lại nhãn hàng hóa, tức là phải thay đổi mẫu in bao bì đóng góp hàng hóa.

Bất cập thứ ba nằm ngay trong khoản 3 của điều này, với nội dung như sau: ‘Đối với thực phẩm ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày” thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn. Chỉ nhà sản xuất ra thực phẩm đó mới được kéo dài hạn sử dụng cho thực phẩm đó”. Nếu trong nội dung của dự thảo nghị định mà ghi như trên thì không thể hiện được tính chất của văn bản quy phạm pháp luật, vì nó không có mốc về thời gian cụ thể. Bởi vì sau thời điểm “sử dụng tốt nhất trước ngày” vẫn được phép bán? Xét dưới góc độ pháp luật thì sau thời điểm được hiểu là không có mốc về thời gian và đối với những mặt hàng thực phẩm thì không thể ghi thiếu tính pháp lý như vậy.

Trong thực tế dễ xảy ra trường hợp hàng hóa vẫn đang được lưu thông nhưng khi xảy ra sự cố thì người sản xuất và cả bán hàng vẫn vô can, bởi họ đã cảnh báo trên sản phẩm. Vẫn biết là đối với các loại hàng hóa là thực phẩm thì rất cần những cảnh báo nếu pháp luật không quy định cụ thể. Bởi vì mục đích kinh doanh, nhà sản xuất rất có thể xem nhẹ hoặc thậm chí bỏ qua nếu như những cảnh báo đó không có lợi cho việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của họ. Ví dụ như lời cảnh báo là hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Như vậy, có cảnh báo cũng như không, vì điều này ai cũng biết và nó là hiển nhiên.

Xuất phát từ những phân tích trên, ở góc độ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, theo suy nghĩ của cá nhân người viết bài thì trong dự thảo cần được bổ sung những quy định cụ thể hơn về vấn đề cảnh báo cho người tiêu dùng đối với những sản phẩm có khả năng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng.

NV

  • Từ khóa
91738

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu