Thứ 4, 08/05/2024 12:34:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:47, 24/02/2011 GMT+7

Công nghệ thông tin - góp phần xây dựng chính quyền điện tử

Thứ 5, 24/02/2011 | 15:47:00 311 lượt xem

24 cơ quan cấp tỉnh và tất cả các huyện, thị xã có trang thông tin điện tử kết nối vào cổng thông tin điện tử của tỉnh; 2.127 hộp thư điện tử đã cấp cho cán bộ, công chức nhằm giảm tải cho việc gửi nhận văn bản qua giấy tờ; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất - kinh doanh... Đó là một số kết quả đạt được ở tỉnh Bình Phước sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Sau khi có Chỉ thị 58-CT/TW, ngày 17-10-2000 của Bộ Chính trị, nhiều chương trình, dự án về ứng dụng và phát triển CNTT đã được chuyển giao về tỉnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT được tổ chức thường xuyên hơn. Điều dễ nhận thấy hơn cả là việc áp dụng CNTT đã góp phần rất lớn vào cải cách hành chính, giảm tải và nâng cao hiệu quả công việc ở các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, từng bước hướng tới xây dựng chính quyền điện tử. Hiện tại 100% các cơ quan quản lý Nhà nước đều trang bị máy tính phục vụ công việc. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức ở khối các cơ quan cấp tỉnh là 73,65% và tại các huyện, thị xã là 71,11%. Có 95,24% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã có mạng máy tính nội bộ (LAN) và cấp huyện, thị xã đạt 65,42%. Tỷ lệ các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh có kết nối Internet băng rộng ADSL là 92,04% và 77,10% tại cấp huyện, thị xã. Bình Phước hiện có 30 đơn vị tham gia đấu nối vào mạng truyền số liệu chuyên dụng của cơ quan Đảng và Nhà nước.


Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới qua mạng Internet


Để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các cuộc hội họp, đến nay, 8/10 huyện, thị xã của tỉnh đã được trang bị hệ thống giao ban điện tử trực tuyến nhằm phục vụ cho các cuộc họp với UBND tỉnh, 1 điểm tại Văn phòng UBND tỉnh để phục vụ cho các cuộc họp với Chính phủ. Hệ thống thông tin phục vụ hoạt động tác nghiệp của các cơ quan Nhà nước như: phần mềm quản lý công văn, hồ sơ, tài sản, nhân sự, lưu trú, kế toán... được sử dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là dịch vụ đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng đạt mức độ 3 cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục trực tuyến.

Bình Phước là một trong những tỉnh, thành được ưu tiên đầu tư phát triển CNTT, nhất là trong ngành giáo dục - đào tạo. Xác định được lợi thế đó, tỉnh đã xây dựng dự án ứng dụng CNTT trong giáo dục - đào tạo nhằm trang bị hạ tầng kỹ thuật cho ngành. Ở các cấp học, bậc học, ngành học đều đưa bộ môn tin học vào giảng dạy, 100% trường học hiện đã kết nối mạng Internet. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp, liên kết với các trường đại học khác trong nước để đào tạo CNTT cho tỉnh. Qua các chương trình đào tạo, tỉ lệ cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước đã qua đào tạo về CNTT đến nay đạt 68,80% (cấp tỉnh 66,83%, cấp huyện, thị xã là 71,69%). Bên cạnh đó, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng, phát triển CNTT, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật về CNTT như: Luật CNTT, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện... và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Hiện có 8/10 huyện, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo CNTT và hầu hết các cơ quan, ban, ngành đều hình thành bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về CNTT.

Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật như đã nêu trên, việc ứng dụng và phát triển CNTT ở tỉnh Bình Phước vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển toàn diện của một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là việc đầu tư không đồng bộ, hạ tầng CNTT còn có sự chênh lệch, không thống nhất; nguồn nhân lực về CNTT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu (trình độ từ trung cấp trở lên mới chỉ đạt 3,11%); số lượng cán bộ chuyên trách CNTT hiện vẫn còn thiếu và yếu; việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp CNTT hay công viên phần mềm chưa thực hiện được; các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa chú trọng đầu tư ứng dụng CNTT, nhất là chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng có hiệu quả thương mại điện tử. Đáng lưu ý là, theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT của tỉnh vẫn còn ở mức thấp, với chỉ số hạ tầng nhân lực CNTT xếp hạng thứ 58/63 tỉnh, thành trong cả nước... Theo ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Thạch tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 trên địa bàn tỉnh diễn ra vào cuối năm 2010, hai vấn đề then chốt để tháo gỡ những tồn tại nói trên là thực hiện đầu tư có hiệu quả hạ tầng kỹ thuật CNTT và đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này.

Vừa qua, UBND tỉnh đã xây dựng mục tiêu phát triển CNTT và truyền thông giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 với nhiều chỉ tiêu đáng chú ý như: Cung cấp 20-30% các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3, từ 5-10% các dịch vụ công cơ bản trực tuyến ở mức độ 4 tới người dân và doanh nghiệp để có thể trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng; phấn đấu 50-70% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng CNTT, phục vụ tác nghiệp trong hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh, tra cứu thông tin. Đồng thời tăng cường ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở 100% trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh việc giảng dạy tin học 20-30% trường tiểu học, 50-60% trường THCS và một số trường mầm non trọng điểm ứng dụng CNTT vào giảng dạy.

H.N

  • Từ khóa
91668

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu