Thứ 4, 08/05/2024 15:07:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:18, 22/02/2011 GMT+7

Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp - Rất cần một “đòn bẩy” phù hợp

Thứ 3, 22/02/2011 | 10:18:00 316 lượt xem

Luật Hợp tác xã (HTX) ra đời năm 2003 là một văn bản pháp lý quan trọng để kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) nói riêng được phát triển. Chính sách HTXNN sẽ tạo bước đột phá khi không chỉ chú trọng sản xuất, tiêu thụ nông sản, cung ứng đầu vào cho nông hộ mà còn chăm lo đời sống, phúc lợi nông dân và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, HTXNN ở Bình Phước vẫn chưa là một thế mạnh đối với một tỉnh mà nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế.

MỜ NHẠT HTX NÔNG NGHIỆP

Hiện nay, toàn tỉnh có 68 HTXNN đăng ký theo Luật HTX với trên 2.000 xã viên hoạt động trong 4.778 tổ hợp tác. Trong số 68 HTXNN thì chỉ có 1 HTX đăng ký 1 chức năng là sản xuất nông nghiệp; còn lại phần lớn (61 HTX) đăng ký kinh doanh 3 chức năng gồm: dịch vụ, sản xuất nông - lâm nghiệp và thương mại tổng hợp.


HTXNN chủ yếu phát triển dịch vụ cung ứng phân bón cho xã viên (ảnh minh họa)


Những năm gần đây, nhiều mô hình HTX của tỉnh cũng đã hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như: HTX Đồng Nai (Bù Đăng), HTX Hải Sơn, Phương Thảo (Lộc Ninh)... Ban chủ nhiệm và xã viên đã biết chọn đúng hướng đi, chuyển đổi đa ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế để khẳng định mình. Các HTXNN hiện nay đang sản xuất - kinh doanh cầm chừng, hiệu quả chưa đúng với tiềm năng và thế mạnh của cơ sở. Từ đó, không kích thích được một thành phần kinh tế tập thể chủ lực của địa phương là HTXNN.

Theo nhận định của cán bộ ngành nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đa số các HTXNN hiện nay hoạt động đơn điệu. Dịch vụ đầu vào chủ yếu là phân bón, vật tư nông nghiệp. Tuy có dịch vụ tiêu thụ nông sản nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là các sản phẩm, cây công nghiệp dài ngày. Phần lớn các HTXNN chưa có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định. Bên cạnh đó, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, công nghiệp chế biến và các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật còn nhiều hạn chế.

NGUYÊN NHÂN HTX HOẠT ĐỘNG KÉM HIỆU QUẢ

Theo kết quả thăm dò nhu cầu phát triển HTX của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cuối năm 2010, thì trên 78% HTX có nhu cầu hợp tác về vốn; 66% HTX có nhu cầu hợp tác về kỹ thuật và 37% số xã viên ước tính được quy mô hợp tác cụ thể. Những con số đó cho thấy, tính bền vững của nhu cầu hợp tác chưa cao, còn nhiều cảm tính. Hầu hết xã viên không tự đánh giá được hiệu quả kinh tế từ hợp tác xã. Điều đó cũng nói lên rằng, sự quan tâm của xã viên tới HTX còn yếu. Ngược lại, HTXNN chưa đóng vai trò nòng cốt tác động đến sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống cho xã viên.

Trong số 68 HTXNN chỉ có 3 chủ nhiệm HTX có trình độ đại học, 17 người học trung cấp, có tới 50% trình độ văn hóa cấp I, II. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển đi lên của HTX. Ban quản trị HTX chưa biết cách tìm kiếm thị trường, không nhạy bén trong cơ chế thị trường và thiếu chiến lược kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, chỉ có 9/68 HTXNN có trụ sở làm việc gây khó khăn không nhỏ cho giao dịch kinh doanh và các hoạt động thông tin hành chính - kinh tế...

Đa số HTXNN được thành lập theo hình thức vận động của một số sáng lập viên; một số khác lại do sự vận động của hội nông dân xã, phường... nên chưa phát huy tác dụng mà HTXNN có khả năng mang lại. Phần lớn HTXNN thiếu vốn kinh doanh nhưng không có khả năng huy động do hiệu quả thấp nên chưa khơi dậy được niềm tin trong chính xã viên. Chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện gắn kết phương án sản xuất - kinh doanh của HTXNN với các dự án, chương trình đầu tư mục tiêu của Nhà nước cũng là nguyên nhân làm chậm bước tiến của HTX tại cơ sở.

CẦN NHỮNG “CÚ HÍCH” PHÙ HỢP

Để củng cố và đẩy mạnh hoạt động HTXNN thì khâu tuyên truyền rất quan trọng. Qua đó, cần chỉ rõ cái hay, cái tích cực và phù hợp của HTXNN kiểu mới trong cơ chế thị trường và nông thôn mới hiện nay; đẩy mạnh công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp mà vai trò trọng tâm là khuyến nông, khuyến lâm. Ngoài ra, cần coi trọng đầu tư phát triển kinh doanh, thu hút xã viên sử dụng dịch vụ chung của HTX. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nguồn lực hỗ trợ kinh tế hợp tác trong nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đẩy mạnh các chương trình tổ chức lại sản xuất theo phương án sản xuất - kinh doanh trên cơ sở phát triển ngành, nghề; phát triển kinh tế hợp tác gắn với việc phát triển các vùng nguyên liệu công nghiệp; củng cố và phát triển kinh tế tập thể với phương án có sự hỗ trợ của Nhà nước do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch. Đồng thời, coi trọng các chương trình hỗ trợ, tuyên truyền, vận động xây dựng HTXNN; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTXNN... Và điều đặc biệt quan trọng là giải pháp về vốn, về khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm; hỗ trợ kỹ thuật, giống mới... Đây là những vấn đề cần thiết để kích thích HTX “thay da đổi thịt” theo xu thế phù hợp.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
91666

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu