Thứ 6, 03/05/2024 19:25:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:40, 13/02/2011 GMT+7

Năm “hoàng kim” của cao su

Chủ nhật, 13/02/2011 | 08:40:00 5,676 lượt xem

Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam đạt 2,32 tỷ USD/1,6 tỷ USD kế hoạch và cũng là năm giá mủ cao su tăng, đạt ngưỡng cao nhất trong lịch sử… Dự báo năm 2011, thời hoàng kim của cao su vẫn còn duy trì với giá mủ ngang bằng hoặc cao hơn năm 2010...

GIÁ MỦ CAO SU TĂNG - ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH

Những tháng đầu năm 2009, giá mủ cao su ở mức 17 triệu đồng/tấn đã làm ảnh hưởng đến tâm lý người trồng cao su từ nông dân đến công nhân các nông trường. Tuy nhiên, quý 3-2009 và 6 tháng đầu năm 2010 giá mủ cao su tăng theo nhịp độ phục hồi kinh tế thế giới sau khủng hoảng từ 40 - 45 triệu đồng/tấn. Đến tháng 8-2010, giá mủ cao su trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng đạt ngưỡng 60 triệu đồng/tấn. Từ quý 3, nền kinh tế thế giới khởi sắc, nhu cầu sản xuất lốp ôtô ở Trung Quốc và Ấn Độ tăng cao đã thúc đẩy giá mủ cao su tăng kỷ lục từ 80 - 100 triệu đồng/tấn. Năm 2010, đánh dấu thời kỳ hoàng kim nhất trong lịch sử ngành cao su. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam năm 2010 là 1,6 tỷ USD, phấn đấu năm 2020 đạt 2 tỷ USD. Thế nhưng, nhờ giá bán liên tục tăng cao nên kết thúc năm 2010 ngành cao su đã xuất khẩu được 773.000 tấn mủ, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,32 tỷ USD, về sản lượng chỉ tăng 7% so với năm 2009 nhưng giá trị tăng gần 90%.


Sản xuất mủ tờ ở Nhà máy chế biến - Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh


Bình Phước có gần 150.000 ha cao su, trong đó 60% cao su kinh doanh và là địa phương có diện tích cao su lớn nhất, năng suất cao nhất cả nước. Giá mủ cao su tăng đã làm thay đổi đời sống kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh thuần nông. Giá mủ cao su tăng, nông dân bắt đầu thay đổi tư duy đầu tư chăm sóc vườn cây theo hướng thâm canh để tăng năng suất và sản lượng. Nhiều hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng qua trồng cao su đã chú trọng khâu chọn giống, đất và tìm hiểu học hỏi quy trình chăm sóc bón phân và đặc biệt là kỹ thuật khai thác mủ theo đúng quy trình của ngành cao su. Trên địa bàn tỉnh có 7 công ty cao su, trong đó 4 công ty trực thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam và 3 công ty trực thuộc tỉnh. Năm 2010, bên cạnh những thuận lợi về giá, nông dân và các doanh nghiệp gặp khó khăn do diễn biến khí hậu phức tạp và bệnh rụng lá xảy ra trên các vườn cây giống RIV2, RIV4 nhưng tận dụng lợi thế thời kỳ hoàng kim giá mủ, nông dân và doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long khai thác hoàn thành 22.300 tấn mủ, đạt 107,7% kế hoạch và là đơn vị về đích sớm nhất khu vực Đông Nam bộ. Năm 2010, cũng là năm thành công ấn tượng của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, đến ngày 15-12-2010 công ty đã hoàn thành chỉ tiêu khai thác 24.000 tấn mủ, kết thúc năm vượt 1.800 tấn và đưa vào khai thác 115 ha cao su trồng năm 2005, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản 6 tháng theo chỉ đạo của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam. Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, lốc xoáy làm gẫy đổ 37.200 cây cao su kinh doanh. Vườn cây kinh doanh của công ty chủ yếu ở nhóm 3 (sắp thanh lý) đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nhưng bằng những nỗ lực phấn đấu công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra... Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé, đơn vị trực thuộc tỉnh giữ vững kỷ lục là đơn vị có năng suất vườn cây cao nhất; thực hiện mục tiêu giai đoạn 2011-2015 trở thành doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh đa chức năng, đa ngành nghề lớn nhất của tỉnh.

TRIỂN VỌNG NĂM 2011

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam và các chuyên gia nghiên cứu cao su thiên nhiên thế giới, các yếu tố thúc đẩy giá mủ cao su năm 2010 là do thiên tai mưa nhiều, núi lửa xảy ra ở các nước có diện tích cao su lớn nhất thế giới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã làm cản trở khai thác và chuyên chở mủ dẫn đến sản lượng phục vụ xuất khẩu giảm. Trong khi nguồn cung sụt giảm thì nhu cầu cho sản xuất lốp ôtô tăng vọt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu cơ tham gia vào thị trường cao su càng đẩy giá mủ tăng cao ở tốc độ nhanh.

Mủ cốm của Nhà máy trung tâm - Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng


Các chuyên gia kinh tế về lĩnh vực cao su cũng dự báo những yếu tố trên tiếp tục tác động đến cung - cầu của cao su thiên nhiên năm 2011 và yếu tố thúc đẩy giá mủ cao su tiếp tục tăng ổn định. Dự tính, nhu cầu cao su sẽ tăng 35% trong vài năm tới, giá mủ cao su ở mức cao do Trung Quốc phát triển và tăng trưởng sản xuất xe hơi và giá dầu mỏ cũng ở mức cao. Trong năm 2011, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu khoảng 1,75 triệu tấn mủ cao su (năm 2010 là 1,72 tấn). Dự báo, ngành công nghiệp sản xuất ôtô sẽ phát triển mạnh ở cả Trung Quốc và Ấn Độ trong vòng 10 năm tới, kéo theo nhu cầu mủ cao su thiên nhiên, với khoảng 14 triệu tấn/năm, trong khi đó sản lượng cao su thế giới mới đạt ngưỡng 10 triệu tấn/năm. Triển vọng trước mắt và lâu dài mủ cao su thiên nhiên vẫn còn sáng sủa giá mủ năm 2011 và những năm tiếp theo sẽ ổn định ở mức cao và không thấp hơn năm 2010.

Việt Nam xuất khẩu cao su đứng thứ 4 thế giới. Hiện nay, tổng diện tích cao su cả nước khoảng 720.000 ha. Chiến lược phát triển cao su đến năm 2015 là 1 triệu ha. Ngoài phát triển cao su ở các khu vực Tây Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Việt Nam sẽ đã và đang hợp tác trồng cao su ở Campuchia, Lào, Myanma và Châu Phi. Đông Nam bộ vẫn là khu vực trọng điểm và thủ phủ của cao su Việt Nam.

Phương Hà

  • Từ khóa
91664

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu