Chủ nhật, 19/05/2024 02:28:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:59, 30/12/2010 GMT+7

Cần làm rõ các khoản thu chi ở trường Mầm non Tân Phú (Đồng Phú)

Thứ 5, 30/12/2010 | 14:59:00 1,017 lượt xem

Ngày 25-8-2010, UBND tỉnh ra quyết định tạm ngưng vận động phụ huynh đóng góp đầu năm học 2010 - 2011. Việc vận động phụ huynh tham gia các khoản đóng góp ngoài quy định của Nhà nước chỉ được thực hiện khi có văn bản quy định về mức thu, quản lý thu, chi các khoản vận động đóng góp của phụ huynh. Mặc dù ngành GD-ĐT đã triển khai quyết định của UBND tỉnh, nhưng ngay trong những ngày đầu năm học, nhiều phụ huynh vẫn bức xúc vì nhiều kiểu thu tiền ở các trường, nhất là những trường có học sinh bán trú.

“TỰ NGUYỆN” NHƯNG KHÔNG THỂ KHÔNG NỘP

Từ tháng 8, trường Mầm non Tân Phú (Đồng Phú) đã thu các loại phí và các khoản “tự nguyện” của phụ huynh khi làm thủ tục nhập học cho học sinh. Anh Đào Mạnh Hùng ở thị trấn Tân Phú cho biết: “Vào ngày 11-8-2010, khi làm hồ sơ nhập học cho con, tôi phải đóng tiền liền. Không chỉ học sinh mới đăng ký học năm đầu tại trường, kể cả những em năm nay học lớp Lá (đã từng học ở trường 2 năm), nếu chậm trễ đóng tiền khi ghi danh sẽ không được xếp lớp”.


La phông của phòng học nhóm lớp 1b vẫn xệ xuống
dù mới chi tiền sửa chữa


Anh Hùng cho biết thêm, với đồng lương công chức, để có đủ tiền đóng học cho hai con vào năm học mới quả là điều khó khăn. Đầu năm học, phụ huynh trường này đã phải đóng hơn 1,3 triệu đồng/học sinh, đa số các khoản trên đều được chú thích là phí thu đợt 1 năm học 2010-2011. Ngoài các khoản học phí, tiền ăn tháng 8, bảo hiểm, các nhóm lớp đều phải đóng góp thêm các khoản, như: tiền đồ dùng học tập, quần áo, quỹ phụ huynh đợt 1, xã hội hóa, đồ dùng đồ chơi đợt 1, tiền vệ sinh đợt 1, tiền mua tủ hấp cơm đợt 1, tiền cơ sở vật chất đợt 1, tiền bán trú đợt 1, quỹ phục vụ các cháu, làm nhà bảo vệ... đều dưới hình thức “tự nguyện”. Trong đó, quỹ phục vụ các cháu đợt 1 là 190.000 đồng/học sinh. Theo biên nhận (trường đưa phụ huynh khi đóng tiền) thì quỹ phụ huynh đợt 1 và xã hội hóa là 505.000 đồng/học sinh, còn theo báo cáo thu, chi của trường thì số tiền này là 375.000 đồng/học sinh.

Đối với những gia đình có thu nhập hàng tháng chỉ hơn 1 triệu đồng, thì các khoản đóng góp như trên là quá lớn. Mặc dù vào năm học mới đã mấy tháng và các khoản thu cũng được hoàn thành mà đến giờ anh Bá Duy ở thị trấn Tân Phú có con học tại trường vẫn chưa hết “choáng”. Vợ anh ở nhà chăm sóc hai con nhỏ. Anh làm phụ hồ với mức lương trung bình 90.000 đồng/ngày và công việc không ổn định, có tháng chỉ đi làm vài ngày lại thường xuyên phải theo công trình ở xa. Mấy năm trước, các con anh không được học mẫu giáo dù ở ngay thị trấn Tân Phú. Năm nay, anh quyết định cho bé 5 tuổi đi học vì sợ sang năm sẽ không theo kịp lớp 1. Vừa đến trường nhập học, anh chị được thông báo về hàng loạt các khoản thu với tổng số tiền hơn 1,3 triệu đồng. Để có tiền đóng học cho con, vợ chồng anh phải vay mượn, xoay đủ mọi cách và đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Nhưng đó mới chỉ là tiền đầu năm. Khi bé vào học còn phải đóng tiền ăn, tiền học của những tháng tiếp sau.

CHI GẦN HẾT QUỸ NGOÀI NGÂN SÁCH TRƯỚC KHI HỌP PHỤ HUYNH

Tâm lý chung thì phụ huynh nào cũng thấy vô lý nhưng cũng đành phải đóng cho con. Sự việc vỡ lở khi cô Nguyễn Thị Thùy Trang được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Phú. Ngày 17-9-2010, sau khi cô Nguyễn Thị Tuyết (hiệu trưởng cũ) bàn giao sổ sách các khoản thu, chi... cô Trang đã tổ chức cuộc họp phụ huynh để công khai, minh bạch các khoản thu, chi đầu năm.

Tại cuộc họp này, cô Trang báo cáo lại với phụ huynh về những khoản đã thu trước đó; đồng thời đưa ra một “danh mục” dài dằng dặc 6 trang A4 liệt kê số tiền đã chi trước khi cô về nhận nhiệm vụ. Đáng chú ý là 3 loại quỹ được gọi là quỹ ngoài ngân sách: quỹ phụ huynh, quỹ phục vụ các cháu, quỹ xã hội hóa giáo dục với tổng số tiền thu là 205.220.000 đồng. Chưa đầy 1 tháng tính từ ngày nhập học, trường đã chi hết 144.993.830 đồng, có những quỹ gần như đã chi hết. Quỹ xã hội hóa giáo dục thu được 55.740.000 đồng, thời điểm đó đã chi hết 55.445.731 đồng. Quỹ phục vụ các cháu đợt 1 thu được 72.660.000 đồng, đã chi hết 69.206.099 đồng. Quỹ phụ huynh đợt 1 thu được 76.820.000 đồng, còn lại 56.478.440 đồng. Đa số phụ huynh không đồng tình và yêu cầu nhà trường tổ chức hội nghị hội cha mẹ học sinh và mời cô Tuyết giải trình về việc thu, chi.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chưa đồng tình với các khoản chi lạ như: y tế - giáo dục, mua dụng cụ, thuốc y tế; tiền bồi dưỡng khám sức khỏe định kỳ 200.000 đồng/lần, trong khi nhà trường không có nhân viên y tế và việc chăm sóc sức khỏe định kỳ cho trẻ là chương trình mục tiêu quốc gia, do trạm y tế xã trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều phụ huynh cho biết: “Mới năm ngoái vừa chi tiền mua kệ phơi khăn 12 cái cho 12 nhóm lớp với số tiền 7.200.000 đồng, sau đó không lâu thì sửa kệ phơi khăn 400.000 đồng, thế mà năm nay lại phải tiếp tục chi tiền làm giá phơi khăn. Đề cập tới khoản tiền vệ sinh đợt 1 là 50.000 đồng/ học sinh, nhiều phụ huynh ở điểm lẻ Dên Dên thắc mắc, không có nhà vệ sinh, học sinh toàn phải đi nhờ nhà dân hoặc nhịn cho đến khi về nhà, sao vẫn thu tiền vệ sinh và tiền rút hầm cầu? Anh Hùng cho biết thêm: “Nhà trường chi tiền đổ tấm đan, sửa chữa la phông hết 3.498.000 đồng vào ngày 16-9-2010, nhưng la phông của phòng học nhóm lớp 1b vẫn xệ xuống, rất nguy hiểm cho học sinh... Không hiểu các khoản đó nhà trường chi tiêu vào vấn đề gì?”.

VÌ ĐẶC THÙ NGÀNH HỌC MẦM NON?

Ngày 16-10-2010, trường Mầm non Tân Phú tổ chức Đại hội Hội cha mẹ học sinh (CMHS) lần thứ 2 và bầu ra ban đại diện Hội CMHS năm học 2010-2011. Tại cuộc họp, cô Nguyễn Thị Tuyết đã giải trình các ý kiến của phụ huynh liên quan đến việc thu, chi quỹ ngoài ngân sách vào đầu năm học: “Về việc thu - chi quỹ phụ huynh năm học 2010-2011, Ban giám hiệu (BGH) nhà trường đã tổ chức cuộc họp giữa BGH nhà trường, ban đại diện Hội CMHS năm học 2009 - 2010 cùng lãnh đạo UBND thị trấn Tân Phú vào ngày 28-7-2010 và thống nhất tiến hành làm sân khu vui chơi liên hoàn, sửa chữa nhà vệ sinh, mua nồi cơm hấp. Về nguyên tắc, BGH nhà trường làm theo điều lệ Hội CMHS thì có đôi chút sai nhưng về mục đích chi tiền là phục vụ cho các cháu. Đồng thời vì đặc thù là trường mầm non, các cháu ăn, ngủ tại trường nên cần phải có kế hoạch tu sửa cơ sở vật chất ngay từ đầu năm học, không thể chậm trễ nên chưa thông qua được toàn thể CMHS... Mong các bậc phụ huynh hết sức thông cảm”.

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Phú khẳng định: Việc phản ánh của phụ huynh về các khoản thu, chi quỹ ngoài ngân sách năm học 2010-2011 là đúng. Nhiều khoản trường hiện không còn kinh phí hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Tặng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đồng Phú cho biết: Các khoản thu ngoài ngân sách tùy theo tình hình địa phương mà vận dụng, chưa có hướng dẫn chung nên gây ra nhiều khó khăn cho các trường. Phòng GD-ĐT đã tổ chức họp hiệu trưởng đầu năm và triển khai Công văn số 578, ngày 9-9-2010 của UBND huyện về việc tạm ngưng vận động phụ huynh đóng góp đầu năm học 2010 - 2011 và Công văn ngày 25-8-2010 của UBND tỉnh. Có trường đã làm đúng theo công văn của UBND tỉnh, tiến hành trả lại các khoản thu ngoài quy định cho phụ huynh. Tuy nhiên, việc này cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động và phục vụ các cháu vì thiếu kinh phí. Phòng giáo dục đã chỉ đạo Ban giám hiệu trường Mầm non Tân Phú phối hợp với Ban đại diện Hội CMHS nhiệm kỳ mới xác minh lại các khoản chi có đúng hay không, từ đó sẽ có hướng giải quyết.

Cuối tháng 11-2010, trường Mầm non Tân Phú tiến hành họp phụ huynh lần thứ 3, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa ngã ngũ. Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực trong quá trình giáo dục, quản lý học sinh của ban đại diện Hội CMHS trong các trường, nhưng bên cạnh những mặt tích cực, còn một số ban đại diện CMHS đã vô tình hay cố ý biến thành tổ chức hợp lý hóa những khoản thu, chi tự nguyện của nhà trường. Xã hội hóa là cần thiết và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Để bảo đảm tính tự nguyện, các trường nên tôn trọng, lấy ý kiến của đông đảo phụ huynh, không nên chỉ thông qua đại diện Hội CMHS như hiện nay. Vấn đề quan trọng nhất là thu, chi cần minh bạch, rõ ràng và việc quản lý, sử dụng thiết bị học tập, đồ dùng, đồ chơi phải hiệu quả, tránh lãng phí tiền bạc của người dân.

Tuyết Ly
(Họ tên của phụ huynh học sinh đã được thay đổi theo yêu cầu)

  • Từ khóa
91640

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu