Thứ 4, 08/05/2024 17:23:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:43, 14/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Hậu phương của người làm báo

Xuân Vân
Thứ 3, 14/06/2022 | 16:43:43 582 lượt xem

Ngày… tháng… năm 2021

Đã gần 1 giờ sáng rồi mà cái Q vẫn chưa về nhà. Hồi chiều nó bảo đi chống dịch, mình cũng tưởng như mọi lần, tầm 10 - 11 giờ sẽ về. Vậy mà đến giờ vẫn chưa thấy đâu. Thằng cu Tom thì đang sốt nữa chứ.

Mình cứ tưởng chỉ nhân viên y tế mới ra tuyến đầu, ai dè giờ đến cả phóng viên. Đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, vẫn biết toàn dân đều phải tham gia bằng những cách riêng của mình, phù hợp với từng vai trò, vị trí, nhưng phóng viên thì chống dịch kiểu gì mà cũng đi liên tục như nhân viên y tế? Nghĩ lại, ngày xưa mình đã cản rồi mà nó có chịu nghe đâu. Phải chi mình quyết liệt hơn nữa, chọn cái nghề gì mà cứ đi suốt…

Phóng viên Lệ Quyên tác nghiệp tại cơ sở cách ly tập trung tại huyện Chơn Thành

Ngày… tháng… năm 2021

Giờ này ở nhà chắc mẹ đang lo lắm, Bình Phước đã phát hiện những ca nhiễm đầu tiên rồi còn gì. Theo đoàn công tác của tỉnh đi đưa những thông tin không mong muốn như thế này, mình thấy nặng trĩu…

Các nhân viên y tế vẫn đang miệt mài truy vết xuyên đêm. Mình nhìn thấy những đôi mắt mệt mỏi bởi nhiều ngày thiếu ngủ, những gương mặt hốc hác, những đôi chân vội vã trong bộ đồ bảo hộ nóng bức… Họ đã làm việc liên tục nhiều ngày nay…

Đồng nghiệp của mình đang tải hình để gửi về cơ quan, kịp phát sóng trong chương trình lúc 6 giờ sáng. Bây giờ đã gần 1 giờ rồi, xíu nữa thôi thì phóng sự sẽ xong… Mình biết ở đó nhiều người cũng đang thức đợi tin, chứ không chỉ riêng mình…

Không biết cu Tom đã đỡ sốt chưa? Hồi chiều vội đi chỉ kịp dặn bà ngoại cho cháu uống thuốc… Mình muốn gọi điện thoại về nhà lắm, nhưng cả nhà đang ngủ kia mà.

“Hậu phương” của người làm báo không chỉ có gia đình, mà còn là các biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên thầm lặng với công tác hậu kỳ, sản xuất ra những tác phẩm chỉn chu nhất trên các loại hình, mang đến cho công chúng những hình ảnh chân thật, cập nhật kịp thời những thông tin về số trường hợp dương tính, về những chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch. 


Ngày… tháng… năm 2021

* Nghe tiếng trở mình của cu Tom, tiếng gọi “mẹ, mẹ…” của thằng nhỏ trong lúc ngủ vùi mà muốn ứa nước mắt. Lớp thì xót cháu ngoại, lớp thì xót con… Không biết sao hôm nay lại về muộn thế!

Khi chọn nghề báo, cái Q cũng giải thích nhiều lần đây là nghề thú vị, được đi đây đi đó với rất nhiều trải nghiệm, được góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội… mình cũng bị thuyết phục theo. Rời miền Bắc vào ở cùng con khi nó có chồng, sinh con, mình mới thấy hết những vất vả của nghề này. Nếu không có mẹ hỗ trợ, chồng không thông cảm, sẻ chia, thì khó mà hoàn thành được công việc với rất nhiều áp lực. Xót nhưng mình cũng thật tự hào với nghề mà con đeo đuổi, thấy vui khi con đạt những kết quả nho nhỏ trong nghề…

Nhưng như mấy hôm nay thì…

“Hậu phương” của người làm báo còn có các biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên thầm lặng với công tác hậu kỳ. Trong ảnh: Kỹ thuật viên Hồng Thoại dựng bản tin phòng chống Covid-19

Ngày… tháng… năm 2021

* Ông xã về chăm ông nội ốm mấy hôm nay, mình mừng khi biết ông đỡ hơn, nhưng luôn cảm thấy áy náy khi chưa kịp về thăm. Qua điện thoại, mình cảm nhận được cả nhà đang động viên con dâu cố gắng, không ai trách móc gì bởi biết công việc của mình lúc này đang như thế nào. Nhưng giọng nói của bà nội vẫn có chút buồn buồn… Mình tự hứa, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của phóng viên “chiến trường”, mình sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Cũng may mắn mình có mẹ hỗ trợ, ông xã hiểu và sẵn sàng trở thành hậu phương thầm lặng của nhà báo. Mình biết ơn người ấy bao nhiêu năm nay sẵn sàng làm mọi việc, từ đưa đón con đi học đến làm những việc không tên mà không một lời than thở. Những tấm bằng khen, thành tích mà mình nhận được chẳng phải là của riêng mình…

Ngày… tháng… năm 2021

* Tiếng lách cách mở cửa. Tiếng bước chân rón rén vào nhà… Cuối cùng cái Q cũng đã về. Gớm, cô ấy tưởng cả nhà đã yên giấc, chỉ có mình cô ấy còn thức đến giờ này chắc…

Lại còn sờ trán, tay, chân thằng bé nữa. Không để im cho nó ngủ hay sao? Thằng nhỏ mới ngủ đây thôi mà… Mình cũng giả vờ ngủ thật ngon, thở đều, kẻo không kìm được lên tiếng hỏi vài câu thì thằng bé lại thức giấc và bám mẹ cho xem. 

Nấn ná vài phút thì cái Q cũng về phòng. Mà lạ, sao cái Q còn chưa ngủ nhỉ? Không lẽ sáng mai nó lại đi sớm rồi nằm đợi trời sáng luôn? Chuyện cái Q đi sớm về muộn là bình thường lắm. Mà mình bực rồi, chẳng thèm hỏi nữa. Chỉ mong con bước ra khỏi nhà thì luôn “đi đến nơi, về đến chốn”…

Người ta nói rằng, nơi bình yên nhất là nhà mình. Không được ở nhà trong đại dịch Covid-19 là thiệt thòi đối với các phóng viên của BPTV. May mắn có hậu phương vững chắc, tôi xin chia sẻ với những anh, chị em đang vất vả hơn tôi để cống hiến, hy sinh và “cháy” hết mình với nghề. Xin được cám ơn hậu phương, những người vì tôi mà lo lắng, vì tôi mà cố gắng, để tổ ấm luôn yên bình.

Phóng viên Lệ Quyên, Phòng Thời sự


Ngày… tháng… năm 2021

* Mình không thể ngủ được khi nghĩ đến hình ảnh những F0 được đưa đi cách ly trong chiếc xe chuyên dụng… Bị nhiễm Covid-19, bị cách ly là những điều gì đó thật khủng khiếp. Nếu mình bị lây nhiễm thì sẽ như thế nào?

Nếu ai đó nói mình không sợ Covid tấn công thì đó là họ đang che giấu nỗi sợ hãi. Nhưng “nếu chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Dù sao, con mình cũng lớn hơn con các đồng nghiệp khác trong phòng, mình còn có “hậu phương lớn” là bà ngoại, là chồng, thì cứ xông ra “tiền tuyến” vậy. Lúc này, cần tinh thần xung kích, đi đầu của người cán bộ, đảng viên… Không suy nghĩ nữa, mình ngủ một chút cho tỉnh táo bởi 5 giờ sáng lại tiếp tục vào tâm dịch nữa rồi. Mình chỉ có gần 3 giờ đồng hồ để nạp năng lượng.

Ngày… tháng… năm 2021

* Cái Q trở thành F1 sau một thời gian chống dịch. Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho tình huống này nhưng khi nghe thằng con rể thông báo mà tay chân mình bỗng luống cuống. Chuẩn bị vật dụng cho cái Q đi cách ly mà cứ thừa cái nọ, thiếu cái kia. Đã bảo rồi mà cứ không nghe, cứ nói, “con không sao đâu! Không sao đâu!”. Lần này hết đường mà bảo “không sao đâu” nữa nhé. Cứ chủ quan “con có bảo hộ rồi”, “con đeo khẩu trang suốt”.. Mà sao cái Q cứ cứng đầu thế nhỉ? Bao nhiêu người bị nhiễm kia kìa… Để xem lần này về có còn đi chống dịch nữa hay không?

Trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) tăng thời lượng các bản tin, trailer tuyên truyền về Covid-19. Trong ảnh: Bộ phận kỹ thuật viên thực hiện trailer tuyên truyền phòng, chống Covid-19. Ảnh: Ngọc Bích

Nhưng… nếu ít ngày sau cái Q trở thành F0 thì sao? Ai sẽ chăm sóc nó? Thôi, không đi cách ly tập trung ở đâu hết, cứ cách ở nhà… Mình và các cháu chỉ cần cẩn thận hơn, không tiếp xúc là được.

Ngày… tháng… năm 2021

 * Sao tay chân, đầu óc cứ trống rỗng thế này? Lẽ ra mình phải tranh thủ những ngày này để nghỉ ngơi mới phải… Số ca nhiễm tăng lên, đồng nghiệp của mình đang tiếp tục “chiến đấu” ở ngoài kia, còn mình cách ly ở nhà, rảnh tay rảnh chân thấy thật khó chịu. 

Đại dịch Covid-19 đã mang đến bao nhiêu phiền toái, bào mòn cả sức khỏe của mình nữa. Hôm qua nghe bà ngoại hỏi vọng sang còn ham đi chống dịch nữa không con? 

Bà ngoại hỏi “mát” vậy thôi, chứ bà thừa biết tính con gái. Đã chọn nghề báo, có dịp trải nghiệm thì cứ dấn thân thôi… Nghề nào cũng vậy, chỉ cần còn đam mê là sẽ còn cống hiến!

  • Từ khóa
144447

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu