Thứ 5, 09/05/2024 16:47:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:45, 13/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Khi tôi làm biên tập viên văn nghệ

Lâm Hữu Tặng
Thứ 2, 13/06/2022 | 07:45:33 3,676 lượt xem
BPO - Năm 2011, khi được Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (BPTV) ký hợp đồng với công việc là biên tập viên văn nghệ chuyên về mảng âm nhạc dân tộc, tôi vô cùng hạnh phúc khi đúng sở trường, sở thích của mình. Nhưng có lẽ ở một đài tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh phí nên chủ yếu tôi thực hiện các chương trình khai thác nên có vẻ nhàn hơn so với đồng nghiệp ở các phòng, ban khác.

Mỗi người một nhiệm vụ trước khi quay hình: đạo diễn và quay phim kiểm tra và cân chỉnh lại ánh sáng, biên tập viên và trợ lý tìm file mp3 để phát lên cho nghệ sĩ nhép theo

Bởi là một phóng viên Thời sự hay Chuyên mục - Chuyên đề thì họ phải đến tận cơ sở để thu thập thông tin, quay hình. Cho nên họ được mọi người biết đến nhiều. Còn tôi, chỉ thực hiện công việc khai thác nên ít ai được biết đến nên hơi chạnh lòng. Tuy nhiên, sau này được giao thực hiện sản xuất một chương trình ca cổ tôi mới cảm thấy tự hào với công việc của mình. Trước hết về nội dung, cần phải chọn lựa bài ca và đặt hàng các tác giả viết để phù hợp với chủ đề. Sau khi có bài ca, tôi lập kế hoạch thực hiện và kế hoạch kinh phí. Đây là vấn đề mà tôi luôn trăn trở, bởi làm thế nào vừa phù hợp với nguồn kinh phí của cơ quan vừa phù hợp với nghệ sĩ. Thật hạnh phúc khi tôi mời các anh chị nghệ sĩ họ đều vui lòng hợp tác và thông cảm chia sẻ với cơ quan nhận phần thù lao tượng trưng. Điều đó đồng nghĩa chúng tôi cũng phải cố gắng đáp lại bằng những hình ảnh đẹp, chương trình đạt chất lượng cao. 

Vào giai đoạn ban đầu, mỗi lần quay ca cổ cả ê-kip chúng tôi cùng chiếc “xe màu” đến thành phố mới Bình Dương quay. Bởi đó là cách thuận lợi nhất cho cả đôi bên. Để có một chương trình 4 bài ca cổ, chúng tôi phải mất 2 ngày thu âm và 1 ngày quay hình. Công đoạn quay hình có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Mỗi người một nhiệm vụ để xây dựng nên một ê-kip: đạo diễn, biên tập, chủ nhiệm, thư ký, quay phim, phụ quay, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và đội ngũ boom – dolly, tài xế. Các khâu khác đã được nghệ sĩ chia sẻ đó là trang điểm, làm tóc,… Còn một khâu không kém phần quan trọng đó là “nhắc tuồng”. Bởi những bài là bài ca mới nên đa phần các nghệ sĩ khó thuộc kịp. Cho nên, cần phải có người nhắc lời trước để nghệ sĩ nhép đúng theo file mp3 thu sẵn. Những tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản. Người nhắc chuyên nghiệp thì nghệ sĩ nghe theo kịp và nhép khớp thì sẽ đẩy nhanh tiến độ của ê-kip. Nếu nhắc không chuyên nghiệp nghệ sĩ nhép theo không khớp thì phải quay lại. 

Để có hình ảnh đẹp thì cần nắng đẹp. Và điều quan trọng là để mặt của nghệ sĩ sáng hơn thì khâu canh phản quang cũng đầy thú vị. Nếu muốn mặt nghệ sĩ sáng và đẹp đồng nghĩa sẽ gây chói mắt và rất nóng, nhưng các anh chị phải cố diễn tươi khuôn mặt để hoàn thành lượt quay đó.

Để có được những lăng hình đẹp, ê-kip chúng tôi không ngại nắng trưa gay gắt

Đội ngũ boom - dolly được thuê bên ngoài bởi công việc này đòi hỏi người có sức khuân vác. 1 bài có thể quay ở 3 cảnh khác nhau. Mỗi lần dời cảnh là mỗi lần vất vả, người điều khiển boom và kéo dolly phải biết cách để cho những khuôn hình “mượt” nhất. Nếu điều khiển không khéo thì phải quay lại. Để lượt quay được chỉn chu thì không để người khác lọt vào khung hình trừ nghệ sĩ. Nhưng địa điểm quay sẽ có nhiều người đi qua đi lại, khi đó 2 bác tài kiêm nhiệm vụ đứng canh 2 bên để nhờ người ta chờ vài phút cho ê-kip quay xong bài ca. Người dễ tính thì dừng xe chờ, người khó tính thì cũng bực dọc, gây khó dễ.  

Sau này, khi máy móc hiện đại hơn, chúng tôi ít dùng xe màu để quay mà sử dụng các máy quay rời. Khâu di dời cũng thuận tiện và nghệ sĩ cũng sẵn lòng về đến tận Bình Phước để quay hình. Đồng nghĩa, tôi phải chọn nội dung phù hợp với cảnh quay tại Bình Phước để chương trình ý nghĩa hơn. Những cảnh đẹp của Bình Phước càng lung linh và ý nghĩa hơn qua những chương trình ca cổ của chúng tôi. 

Những chương trình ca cổ của BPTV đã được thực hiện từ những ngày đầu thành lập Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước. Theo thời gian, có thể chất lượng hình ảnh đã cũ nhưng trên sóng phát thanh các bài ca đó vẫn được vang lên như niềm tự hào về người và đất Bình Phước. NSƯT Cẩm Tiên, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Tấn Giao, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, Hồng Yến,… qua những bài: Tình dân sóc Bom Bo, Hồn đất, Phước Long nghĩa đất tình người, Bàn tay anh,… tạo được ấn tượng đối với khán thính giả của BPTV. 

Được thực hiện các chương trình ca cổ cho BPTV, tôi học hỏi thêm rất nhiều ở một công việc đặc thù như thế này. Kỹ thuật viên phòng thu, nhạc công, nghệ sĩ đã cho tôi thêm kinh nghiệm trong quá trình biên tập. Đạo diễn, quay phim, kỹ thuật dựng đã giúp tôi có thêm nhiều ý tưởng trong quá trình biên tập. 

  • Từ khóa
144244

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu