Thứ 5, 09/05/2024 09:56:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:18, 10/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Những chuyện nghề khó quên

Hưng Cát
Thứ 6, 10/06/2022 | 10:18:36 1,204 lượt xem
BPO - Tôi là một biên tập viên, phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), 25 năm làm nghề, đồng hành với quá trình phát triển đi lên của BPTV, tôi và những đồng nghiệp thân thương của mình có vô số những kỷ niệm, những chuyện nghề đáng nhớ. Có những câu chuyện mà đến bây giờ tôi vẫn không quên.

“Đoàn viên” nhờ BPTV 

Giao thừa năm 2009, tôi được phân công đảm nhận điểm cầu truyền hình trong đêm lễ hội giao thừa tại Lộc Ninh. Người tôi phỏng vấn, trò chuyện là một chiến sĩ trẻ là công dân phục vụ có thời hạn đang cùng đồng đội bảo vệ trật tự cho lễ hội. Tôi chỉ lo làm sao chương trình thật hay, thật ấn tượng, thật súc tích mà chẳng mảy may để ý gì đến tâm tư của chiến sỹ trẻ ấy cả… Chỉ thấy cậu ấy hơi buồn buồn, tôi nghĩ chắc cậu ấy lên truyền hình, lo lắng đâm ra căng thẳng mà thôi. Ngày trong khoảnh khắc mọi người đón giao thừa, tôi cũng kịp hoàn thành công việc, lại chợt thấy chiến sỹ trẻ vẫn đứng bên cạnh tôi. Chương trình thành công, tôi mừng quá. Tết nhứt ai cũng phấn khởi nhưng sao cậu lính trẻ thì trông thật buồn, đầy tâm trạng: “Em bị lạc mất bố mẹ anh ạ. Bây giờ em có gia đình nuôi nhưng cứ Tết về em lại mong ước tìm lại được cha mẹ mình, được quây quần bên cha mẹ trong giờ khắc giao thừa ”… Nghe chuyện, tôi bùi ngùi, cam kết sẽ làm một điều gì đó giúp cậu, nhắn tìm người thân trên sóng truyền hình chẳng hạn... Nhưng rồi tôi quên mất câu chuyện ấy ngay sau những ngày Tết. 

5 ngày sau đó, tôi nhận được 1 bức thư. Một vị khán giả nhờ tìm hiểu giúp cậu thanh niên mà tôi phỏng vấn trong buổi tối làm lễ hội giao thừa, thân thế, gia đình, cha mẹ cậu… Đọc xong thư, tôi giận mình đã vô tâm quá, nhưng thật may là nhờ có lá thư này, tôi xem như đã trút được gánh nặng. Ngay lập tức tôi liên hệ với đồn biên phòng, nhờ lãnh đạo đồn xác định thông tin về bạn lính trẻ đó, rồi lại liên lạc với vị khán giả kia để thông tin chi tiết mà họ quan tâm. Thật bất ngờ, chỉ trong vòng 1 tuần, nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo đơn vị cậu lính trẻ và chính quyền xã nơi vị khán giả kia cư trú, một cuộc trùng phùng đầy bất ngờ đã diễn ra. Cha mẹ ruột của cậu lính trẻ sau khi nghe tin con mình đi lạc và được một gia đình ở Bù Gia Mập, Bình Phước cưu mang, họ đã quyết định vào đây sinh sống mong tìm lại con mình. Nhờ cầu truyền hình của BPTV năm đó đã mang lại niềm vui cho một gia đình… Cảm giác của tôi trong ngày vui của gia đình đó thật khó tả, như “chưa hề có cuộc chia ly!”. 

Hồi sinh một trái tim 

Mùa xuân năm 2013, tôi được phân công tham gia thực hiện loạt phóng sự về Trường Sa, về nhà giàn DK1 trên biển… Biết bao câu chuyện, bao tấm gương anh dũng về những chiến sĩ hải quân của ta đã được ghi nhận. Nhưng tôi ray rứt nhất là chuyện Thiếu úy Phạm Xuân Trường, cán bộ thông tin nhà giàn Phúc Tần có đứa con trai nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh chưa có tiền phẫu thuật… Từ nhà giàn Phúc Tần, tôi đã gọi điện cho lãnh đạo về trường hợp đáng quan tâm này. Ngay lập tức, một kế hoạch giúp đỡ gia đình Thiếu úy Phạm Xuân Trường đã được anh Phan Minh Hoàng, Giám đốc BPTV lúc đó chỉ đạo thực hiện. Chỉ 2 tuần sau, chương trình giới thiệu về trường hợp cháu bé Phạm Hồ Quang Huy, con trai của Thiếu úy Phạm Xuân Trường đã được phát trên sóng của chương trình “Chia sẻ nỗi đau” của BPTV. Chương trình đã nhận được sự tiếp sức rất đáng trân trọng của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong cả nước. Kết quả, hơn 110 triệu đồng đã được đóng góp để chuyển đến tận tay gia đình Thiếu úy Phạm Xuân Trường. Món quà tuy không lớn nhưng đã thể hiện rõ tinh thần: cả nước vì Trường Sa nói chung, cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 nói riêng… Mùa xuân năm ấy, bé Phạm Hồ Quang Huy, con trai của Thiếu úy Phạm Xuân Trường đã được phẫu thuật tim thành công. Cháu đã có thể mặc áo mới nô đùa cùng chúng bạn trong dịp Tết cổ truyền …

Nồi bánh chưng 10 cặp

Tết đến, xuân về - những đề tài về Xuân, về ngày Tết được cánh phóng viên chúng tôi thi nhau khai thác nhằm phục vụ khán giả. Tết năm 2011, tôi đi thực hiện phóng sự “Bánh chưng ngày Tết”. Nhân vật chính là vợ chồng cụ Đặng Văn Hoàng ở phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long. Hàng chục năm qua, cứ mỗi dịp xuân về tết đến, vợ chồng cụ lại chuẩn bị củi lửa để nấu bánh. Bánh của cụ chỉ làm theo “đơn đặt hàng”, nghĩa là ai đặt cụ mới gói chứ không kinh doanh.

Minh họa: Sỹ Hòa

Hình ảnh vợ chồng ông cụ tóc bạc phơ, móm mém bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, xung quanh bề bộn gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, lá chuối bỗng hiện lên đẹp một cách lạ thường. Tôi cũng đặt 2 cặp bánh chưng, nhờ chính tay bà gói… Bà vui vẻ nhận lời nhưng lúc tôi gửi tiền, bà dứt khoát không chịu: “Nhiều nhặn gì 2 cặp bánh, để bà biếu con”!. “Nhưng bà ơi, con mua con biếu lại người khác. Con có biết một gia đình đông con ở Sóc Bưng gần đây. Nhà họ rất nghèo, họ ao ước có một nồi bánh chưng trong chiều 30 Tết nhưng chưa bao giờ làm được!”. Bà nhìn ông, ông nhìn bà mỉm cười trìu mến: “Chú giới thiệu cho ông gia đình đó đi. Ông gói cho họ nấu. Ông biếu không chỉ 2 cặp mà một chục cặp, để họ đủ nấu một nồi”. Tôi lặng người đi, không nỡ để ông bà phải vất vả, tốn kém. “Hay là ông bà cho con góp phần, con góp tiền thịt, nếp, ông bà giúp công thôi, vì đây là gia đình mà con biết”. Ông cụ từ tốn, mỉm cười: “Cháu làm phóng viên, có cái tâm giúp người nghèo, vậy là góp phần xứng đáng rồi. Ông quyết định rồi nghe, nếu có thể được, cháu giúp chở ông bà đến với gia đình nghèo đó vào ngày 30 Tết”. Dĩ nhiên là tôi gật đầu đồng ý.

Rồi ngày chờ đợi cũng đến, chúng tôi đi thật sớm với dự định sẽ giúp ông bà một tay gói bánh cho lẹ… Nhưng đến nơi, tất cả đã sẵn sàng, một chục cặp bánh vuông vức, nứt bằng lạt lồ ô hẳn hoi chứ không nứt bằng sợi nylon như thường lệ đã được xếp ngay ngắn. Chúng tôi nhanh chóng đi đến Sóc Bưng, xã Thanh Phú nơi có gia đình anh chị Điểu T… - gia đình mà chúng tôi đề cập. Khỏi phải nói đến niềm vui sướng của gia đình rất giàu có về khoản con cái này… 6 đứa trẻ nhà anh nhảy lên vui sướng, còn vợ chồng anh nghẹn ngào không nói thành lời vì món quà bất ngờ… nồi bánh chưng 10 cặp!

  • Từ khóa
144138

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu