Thứ 6, 10/05/2024 00:08:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:28, 03/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Nữ ký giả - em là ai?

Linh Tâm
Thứ 6, 03/06/2022 | 16:28:16 1,082 lượt xem
BPO - Ngày còn nhỏ, tôi vô cùng ngưỡng mộ trước những nhân vật nữ ký giả xinh đẹp, trẻ trung, năng động trên phim ảnh hoặc trong các cuốn sách. Cho đến một ngày, may mắn đã mỉm cười khi tôi trở thành nhà báo. Nhưng cũng đến lúc ấy tôi mới thấm thía câu “đời không như là mơ”, và hình tượng nữ ký giả năng động, trẻ trung, xinh đẹp chỉ phản ánh một phần đời sống thực của các nhà báo nữ mà thôi.

Những khó khăn từ đặc thù giới tính

Nơi tôi bước chân vào nghề cầm bút không phải Báo Bình Phước mà là tòa soạn báo tỉnh của quê hương tôi - Báo Thanh Hóa. Vừa chân ướt chân ráo vào cơ quan, mấy bậc đàn anh trong tòa soạn đã nhìn tôi theo kiểu “cân đo” rồi khuyên một câu khá chân tình: “Có thằng nào hỏi thì gật ngay em nhé. Chần chừ là nó nghĩ lại đấy”. Chưa hiểu hết dụng ý của lời khuyên nên lúc ấy tôi chỉ cười trừ.

Ngày ấy, cơ quan tôi có bốn nhà báo nữ. Một chị đã có chồng con, hai chị đều có hai bằng đại học, dù đã “băm vài nhát” nhưng vẫn “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”, và tôi mới tập tễnh vào nghề. Tôi đã thực sự ngạc nhiên khi thấy hai người đàn chị của mình đều xinh đẹp, học vấn cao và là những phóng viên xông xáo, chủ lực của tòa soạn mà lại “ở vậy” ở tuổi “băm”. Sau này, tôi được biết một chị đành hủy bỏ hôn ước vì không chấp nhận yêu cầu chuyển ngành của gia đình chồng tương lai. Còn một chị vì mải rong ruổi với những chuyến đi cơ sở, rồi học nâng cao hết lớp này đến lớp khác nên quên cả hạnh phúc riêng tư, đến lúc giật mình ngoảnh lại thì đã đứng tuổi, lại học cao nên chẳng anh nào “muốn với”.

Nhà báo Lệ Quyên (bên trái) phỏng vấn nhân viên phòng dịch tại khu cách ly tại Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Chơn Thành) tháng 9-2021

Tôi may mắn hơn hai đồng nghiệp cùng giới của mình khi có người sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vất vả của nghề báo. Dù thế, cũng đã nhiều phen gia đình chao đảo vì những sự kiện, sự cố trong đời… Như bao phụ nữ khác, tôi phải thực hiện thiên chức làm mẹ khi gia đình hai bên nội ngoại đều ở xa. Chồng cũng thường xuyên đi công tác nên tôi phải nhờ một cô bạn ở bộ phận hành chính cơ quan đón con trong những ngày vắng nhà. Nhưng có hôm đột xuất, cô giáo mầm non phải đưa con tôi về nhà, tắm rửa, cho ăn, dỗ ngủ vì chẳng ai đón giúp. Lại có lần đi công tác về, thấy chồng đang bế con trên tay, mồ hôi nhễ nhại vì con bị sốt cao. Dẫu mình chẳng làm gì nên tội, nhưng tôi cứ thấy có lỗi vì đã để chồng con trong tình trạng như thế. Rồi những lúc đến hạn nộp bài đã đăng ký mà con đang nằm viện, tôi đành vừa trông con vừa viết bài dưới ánh điện tù mù nơi hành lang bệnh viện.

Tháng 8-1997, khi Báo Bình Phước thành lập được 8 tháng, gia đình tôi làm một cuộc cách mạng, dời khỏi một đô thị hơn 900 năm tuổi để vào đầu quân cho Báo Bình Phước. Nhiều người nói tôi điên, nhưng nơi miền đất mới đã cho tôi những trải nghiệm mới mẻ. Và chính những khó khăn trong cuộc sống của những ngày đầu tái lập tỉnh lại làm thức dậy những cảm xúc, những khát vọng chinh phục từ lâu tưởng đã ngủ quên trong tôi.

Thấm thoắt đã hai lăm năm trôi qua kể từ ngày tôi gắn bó với nghề báo ở Bình Phước, từ bản thân, từ những đồng nghiệp cùng giới, tôi đã chiêm nghiệm một điều: xã hội, cơ quan và ngay cả những người thân trong gia đình thường đòi hỏi ở những nhà báo nữ nhiều hơn khả năng của họ. Bắt đầu từ việc đi cơ sở, trong khi các phóng viên nam “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng” thì các phóng viên nữ, nhất là những chị đã có gia đình phải lo toan biết bao việc để chuẩn bị cho một chuyến đi. Nào gửi con, chuẩn bị lương thực, thực phẩm và cắt đặt việc gia đình trong những ngày đi công tác. Rồi khi tiếp cận với đối tượng cung cấp thông tin, đặc điểm giới tính cũng làm khó phóng viên nữ khi không thể bắt đầu câu chuyện bằng cách mời nhau một điếu thuốc và kết thúc bằng một xị đế như phóng viên nam - điều thường làm người ta dễ gần, dễ cảm thông hơn. Rồi chỉ khi đêm về, sau khi đã hoàn tất mọi công việc nội trợ, các nhà báo nữ mới ngồi vào bàn viết.

Nữ ký giả - em là ai?

Khác với những phụ nữ làm công việc hành chính,nhà báo nữ có thời gian biểu rất bất thường. Bề ngoài trông họ có vẻ nhàn tản vì nhiều lúc ngồi “hóng chuyện” ở các quán cà phê, trong khi những người làm nghề khác phải nghiêm túc làm việc 8 giờ tại văn phòng. Thế nhưng, khi mọi người đang say ngủ hoặc tận hưởng những phút giây sum vầy bên gia đình, các nhà báo nữ phải lao ngay đến hiện trường khi có tin nóng, bất kể đêm hay ngày. Do đặc thù công việc, ban ngày đi nắm thông tin, ban đêm phải viết tin, bài nên việc được ngủ ngon giấc 6, 7 tiếng đồng hồ mỗi đêm là điều không tưởng. Đó là các nữ phóng viên. Còn những biên tập viên, kỹ thuật viên nữ cũng vất vả không kém khi xu thế các tòa soạn báo viết đều ra nhật báo và các báo điện tử thì cạnh tranh thông tin đến từng phút. Với những sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người, có khi 12 giờ đêm các phóng viên, biên tập viên vẫn cặm cụi ở tòa soạn. Ngoài sự bất thường về thời gian sinh hoạt, các phóng viên, biên tập viên nữ còn thường xuyên phải dán mắt vào màn hình máy vi tính nên hầu hết đều bị cận thị. Đi cơ sở nhiều, thức đêm nhiều và ảnh hưởng của ánh sáng từ máy vi tính nên điều dễ nhận thấy là hầu hết các nhà báo nữ có làn da không đẹp và mắt thường quầng thâm.

Khi hai cơ quan báo, đài hợp nhất thành Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), các phóng viên đều phải làm quen với phương thức hoạt động mới của cơ quan. Mỗi phóng viên đều phải trở nên đa năng, thành thạo cả 4 loại hình báo chí. Vậy là những khó khăn lại chồng chất hơn. Họ không thể nghỉ làm để học nghiệp vụ một cách bài bản mà phải vừa làm vừa học theo kiểu nghề dạy nghề. Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, tôi không khỏi thán phục khi những phóng viên chỉ quen viết báo giấy ngày nào, giờ lại rất thuần thục trong các vai trò khác, như quay phim, viết kịch bản, dẫn hiện trường, làm MC…

Ở Bình Phước, tỷ lệ nữ làm báo chiếm trên 50% tổng số người làm báo. Những năm qua, tỉnh và các cơ quan báo chí đã quan tâm đến đội ngũ nhà báo nữ. Theo Quyết định số 10/2012/QĐ-UBND ngày 25-4-2012 của UBND tỉnh, các nhà báo nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được miễn 100% định mức. Ngoài ra, nhà báo nữ còn được giảm 10% định mức so với nhà báo nam. Tuy nhiên, hầu hết nhà báo nữ không ỷ lại việc được giảm hay miễn định mức mà đều xông xáo trong công việc và thường vượt định mức khá cao…

Nhiều năm qua, các nhà báo nữ như Lệ Quyên, Thanh Nhàn, Minh Luận,… không chỉ thường xuyên đoạt giải báo chí tỉnh, giải báo chí chất lượng cao do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hằng năm mà còn rất có duyên trong các cuộc thi cấp khu vực và cả nước. Bình Phước nhiều năm bị xem là “vùng trũng” về giải báo chí quốc gia thì mấy năm gần đây, chính các nhà báo nữ đã rút ngắn khoảng cách với các tỉnh trong khu vực khi mang về các giải quốc gia cuộc thi Búa liềm vàng, viết về xây dựng Đảng. Hầu hết các nhà báo nữ đều khắc phục khó khăn để tự học nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Nhiều chị học tự túc, cơ quan chỉ hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo. Với các nhà báo nữ, việc đi học càng khó khăn bởi họ vừa phải thu xếp công việc gia đình, vừa phải bảo đảm định mức cơ quan giao. Thế nhưng chính những người đăng ký đi học nâng cao lại là những người luôn hoàn thành vượt định mức.

Khó khăn, gian khổ, thiệt thòi là thế, nhưng tôi tin chắc nếu được hỏi, sẽ không một nhà báo nữ nào hối tiếc vì đã chọn nghề báo. Bản thân tôi sau 35 năm trải nghiệm với nghề đã cảm nhận rõ, nghề báo mãi là một nghề trân quý. Và để làm tròn vai “Thư ký của thời đại”, người làm báo buộc phải học hỏi, rèn luyện không ngừng để kịp thời phản ánh những sự kiện, vấn đề phát sinh theo dòng chảy không ngừng của cuộc sống, và còn để không lặp lại chính mình. Điều đó cần sự qyết tâm phấn đấu cả trí tuệ, sức lực, thậm chí bằng cả máu và nước mắt của những người làm báo.

Kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, đôi dòng tâm sự gửi đến những bạn nghề cùng giới. Cho dù khó, dù khổ, đôi lúc tủi thân vì gia đình, người thân chưa thông cảm, nhưng chúng ta đã vượt qua để đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội. Hãy biết trân trọng, tự hào về chặng đường đã qua và chuẩn bị trí tuệ, sức lực, niềm tin để vượt qua những chông gai còn ở phía trước.

  • Từ khóa
143680

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu