Thứ 5, 09/05/2024 23:52:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:32, 01/06/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Những bài báo đong đầy yêu thương

Thứ 4, 01/06/2022 | 10:32:17 1,345 lượt xem
BPO - Tôi tốt nghiệp THPT năm 1982, năm ấy ít học sinh nào thi vào trường đại học sư phạm. Đời sống các thầy cô giáo thiếu trước, hụt sau với đồng lương ít ỏi nên học sinh không muốn chọn nghề dạy học. Riêng tôi, từ lâu đã có hoài bão trở thành thầy giáo và cũng đam mê viết văn. Tôi nghĩ mình có thể làm hai nghề này và tôi tin khi có ý chí, sẽ thành công.

Những năm mới ra trường đi dạy, cuộc sống khó khăn, tôi vừa dạy học vừa tận dụng những lúc rảnh để viết tiểu thuyết. Tôi viết, xuất bản được 4 truyện dài và có số tiền kha khá, tôi dùng số tiền nhuận bút này để cưới vợ. Vậy là biệt danh “thầy dạy toán viết văn” giúp nhiều người biết đến tôi hơn. Sau đó, tôi viết báo và cộng tác với nhiều cơ quan báo, đài phát thanh trong cả nước. Tôi đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi viết. Tôi có cuộc sống khá hơn nhờ viết văn, viết báo.

Tác giả (bên trái) đến thăm và trao tiền giúp em Nguyễn Văn Long chuẩn bị ca phẫu thuật

Trong thời gian theo nghề viết báo, tôi mạnh dạn viết bài phê phán những điều chưa hay trong xã hội. Cộng tác cho chương trình “Cà phê không đường” của Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tôi có các tiểu phẩm: “Xem bói đầu năm” phê bình nạn mê tín xem bói của một số phụ nữ và bị lừa mất số tiền lớn; tiểu phẩm “Tôn sư trọng đạo” phê bình một số phụ huynh đến Ngày nhà giáo Việt Nam là tặng tiền xem như hình thức lo lót để thầy cô nâng đỡ con, cháu mình. Ở nội dung giáo dục, qua các bài báo “Những bất cập trong các kỳ thi giáo viên giỏi”, tôi phê bình tình trạng không trung thực trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Tôi còn phê phán việc đốt vàng mã qua bài báo “Cần bài trừ tệ nạn đốt vàng mã” và được đăng trên báo Thanh Niên. Và còn rất nhiều bài báo khác phê phán những điều chưa hay trong xã hội. Bên cạnh đó, tôi cũng có nhiều bài báo ca ngợi cái tốt như bài “Những tấm lòng vàng sau sự cố hôi bia” đăng trên báo Tuổi Trẻ hay “Ba tấm lòng vàng” ca ngợi 3 nhà hảo tâm ở tỉnh Long An hiến đất xây trường mẫu giáo…

Năm 2020, tôi hay tin Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) tổ chức cuộc thi viết Câu chuyện truyền thanh, tôi có tham gia 8 kịch bản nhưng không đạt giải. Tuy nhiên, tôi rất vui vì một số kịch bản chất lượng được sử dụng phát sóng và được nhận nhuận bút. Sau đó, tôi thường xuyên cộng tác cho các chương trình khác của BPTV như “Trang văn học”, “Thơ ca hay đánh bay Covid”. Có nhiều bài viết được phát sóng trong chương trình như “Nhớ mãi ngày 30 tháng 4”, “Phần thưởng quý giá nhất trong cuộc đời tôi”, “Nhớ ngày Nam Bộ kháng chiến”; đặc biệt là các bài viết trong thời gian cả nước phải chống chọi với dịch Covid-19 như “Gia đình tôi trong những ngày giãn cách xã hội” hay “Tấm lòng của các thiên thần áo trắng trong đại dịch”…

Mỗi khi nghe bài của mình được phát sóng trên BPTV hay có bài báo được đăng, tôi rất vui và xúc động. Hạnh phúc vì những cảm nhận của mình được nhiều người đón nhận. Càng hạnh phúc hơn khi có tiền nhuận bút thì có thêm điều kiện để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. “Góp gió thành bão”, một bài báo thì nhuận bút không nhiều nhưng nhiều bài hay đạt giải thưởng thì tôi sẽ có số tiền lớn để san sẻ yêu thương.

Hơn 16 năm qua, gia đình tôi thường xuyên làm thiện nguyện giúp những mảnh đời bất hạnh. Tôi thường tham gia những chuyến từ thiện phát quà cho các em học sinh nghèo hay đồng bào ở các tỉnh, thành khác. Những khi có tiền nhuận bút, tôi lại trích ra tặng các hoàn cảnh khó khăn. Vừa qua, tôi tặng tiền nhuận bút có từ BPTV và trích thêm tiền lương của tôi cho em Chín trong xóm. Gia cảnh em Chín rất bi đát, vợ em bị đột quỵ mất sớm bỏ lại 2 con nhỏ…

Trong năm 2021, tôi tham gia nhiều cuộc thi và đạt giải. Tôi trích 50% từ số tiền thưởng để giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19. Khi viết bài tham gia cuộc thi này, tôi đã khóc vì nhớ lại chuyện xưa. Vào năm 2015, báo Người Lao Động tổ chức cuộc thi viết món ăn “Bí truyền của mẹ”. Sau khi bài báo đăng, tôi được tham gia vòng chung khảo thi nấu ăn và đoạt giải nhất. Tôi dùng số tiền đoạt giải 5 triệu đồng và trích từ tiền lương 5 triệu để giúp em Nguyễn Văn Long ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chuẩn bị phẫu thuật. Em bị tai nạn lao động giập tủy sống và ngồi xe lăn. Vợ bỏ đi, em phải ở một mình. Ngày ra Biên Hòa trao tiền, tôi và em đã không cầm được nước mắt. Em Long nói: “Làm sao kể hết ân tình của anh nhiều lần lặn lội đường xa ra thăm và giúp em rất nhiều…”.

Một số bài báo đã đăng được tác giả ép nhựa lưu giữ

Vậy là tôi đã viết bài cộng tác cho BPTV được 2 năm. Tôi rất cảm động vì nhiều khi bài viết còn thiếu một vài ý cần bổ sung để mang tính thời sự, các biên tập viên đã góp ý để bài có chất lượng cao hơn.

Nghề báo trở thành đam mê bất tận của tôi. Như con tằm nhả tơ, ngày nào tôi còn hơi thở, chắc chắn tôi sẽ còn viết báo. Còn gì hạnh phúc hơn khi mình được trải lòng qua trang viết để biểu dương cái hay, cái đẹp và phê bình những vấn đề chưa tốt trong xã hội, hướng cuộc đời đến chân, thiện, mỹ. Nhiều bài báo hay được tôi in ra ép nhựa để làm kỷ niệm.

Năm sau tôi sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Lúc ấy tôi sẽ có nhiều thời gian để tham gia viết bài cộng tác cho BPTV nhiều hơn. Cảm ơn BPTV đã tổ chức cuộc thi ý nghĩa về nghề báo - một nghề rất cao quý đáng được xã hội quan tâm, trân trọng.

Nguyễn Thanh Dũng
Giáo viên trường THCS Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh Long An

  • Từ khóa
143507

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu