Thứ 5, 09/05/2024 20:42:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 05:21, 28/05/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG CUỘC THI VIẾT VỀ NGHỀ BÁO "ĐAM MÊ VÀ CỐNG HIẾN"

Ngày sâu hóa bướm…

Nam Phương
Thứ 7, 28/05/2022 | 05:21:36 1,439 lượt xem
BPO - Nếu không thoát khỏi vỏ kén ấm áp, những chú sâu bướm sẽ không thể trở thành những chàng bướm, nàng bướm xinh đẹp tự do bay lượn giữa đất trời bao la. Cũng như không mạnh mẽ vươn mình khỏi lớp vỏ cứng đón ánh nắng bình minh, những chiếc hạt bé xinh mãi mãi vùi trong đất, không thể trở thành cây cổ thụ. Nếu không dám thoát khỏi vỏ bọc an toàn, không dám bước ra ngoài để thử thách bản thân bởi những nỗi sợ hãi mơ hồ, chúng ta sẽ không đủ sức trưởng thành trong nghề báo…

Sau hợp nhất, hiểu mình hơn 

Tháng 10-2019, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) chính thức hợp nhất, trở thành cơ quan báo chí địa phương đa loại hình thứ 2 trong cả nước, sau tỉnh Quảng Ninh. Những ngày đầu tiên ấy trôi qua trong nỗi hoang mang của không ít phóng viên (PV), biên tập viên (BTV) về mô hình hoạt động, về khả năng thích ứng của mình trong môi trường đa phương tiện. Những con người “tuy quen mà lạ” giờ chung một mái nhà; các PV, BTV, kỹ thuật viên có thêm những người quản lý mới; còn nhiều trưởng, phó phòng lại có thêm những nhân sự mới. Đã có không ít câu hỏi, những ánh nhìn nghi ngại, thăm dò lẫn nhau xuất hiện trong “phút ban đầu ấy”…

Bắt buộc phải thích nghi sớm nhất chính là PV, BTV ở các phòng nội dung - lực lượng đầu tiên trải nghiệm việc thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, phóng viên đa loại hình. Nghĩa là PV, BTV trước đây thuần làm báo in, báo điện tử, thì nay phải học cách làm phát thanh, truyền hình và ngược lại.

Chỉ khi dám thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn, mới thấy được bản thân mình luôn mới, từ đó thêm yêu công việc. Trong ảnh: Tác giả trong một chuyến thực hiện phóng sự về khát vọng kiến tạo quê hương của những người trẻ nhân kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh Bình Phước

Những chệch choạc ban đầu là có. Bởi dù được học chuyên ngành về báo chí nhưng không phải ai cũng được đào tạo chuyên sâu. Và mỗi loại hình báo chí lại có những đặc trưng riêng nhất định, làm trong lĩnh vực nào sẽ quen với lĩnh vực ấy, cần có thời gian để thích ứng. “Khó” chính là từ đầu tiên mà nhiều người trong chúng tôi lúc đó nghĩ đến. Bởi, để làm báo in, báo điện tử phải học cách chăm chút từng câu, chữ cho sắc sảo, sửa từng lỗi chính tả, cách rút tít thật ấn tượng - điều mà lĩnh vực phát thanh, truyền hình ít để ý. Ngược lại, thực hiện tác phẩm báo hình đòi hỏi các bạn phải gắn với tư duy hình ảnh, tránh để tác phẩm truyền hình nhưng hóa “phát thanh dán hình”, lời bình và hình ảnh chẳng bổ trợ gì cho nhau…; hay một tác phẩm phát thanh nhưng giống như một bài báo, chỉ khác là có phát thanh viên đọc cho mình nghe thay vì mình tự đọc.

Môi trường báo chí là nơi mà nghề dạy nghề thể hiện rõ nhất. Sau những lúng túng ban đầu, mọi thứ nhanh chóng vào guồng. Các PV, BTV tranh thủ học lẫn nhau và háo hức với những trải nghiệm mới. Thời gian tiếp cận công việc dài, ngắn khác nhau là tùy mỗi người, tùy mức độ học hỏi nhưng đến nay, yêu cầu thực hiện 4 loại hình báo chí không còn là nỗi âu lo đối với nhiều PV, BTV, mà trái lại đó còn là động lực khi có thêm một khoản thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra.

Việc hợp nhất đem lại lợi ích rõ nhất về mặt tranh thủ được nguồn lực, không lãng phí tài nguyên. Với góc độ cá nhân, tôi nhận ra rằng, việc thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, đa loại hình báo chí còn giúp giải phóng năng lực của bản thân. Là người làm truyền hình, phát thanh nhiều năm, những ngày đầu khi biên tập tác phẩm báo in, tôi luôn trong tâm thế “vừa làm, vừa học”, học từ đồng nghiệp của mình, học bằng cách đọc kỹ những bài báo in trên các tờ báo có uy tín khác. Chỉ sau một thời gian ngắn, từ chỗ không biết rút nội dung nào ở bài viết của PV ra làm box, tôi hoàn toàn tự tin mình làm tốt công việc mới: biên tập bước 1 báo in.

Cũng vì lấn sân sang mảng báo in, tôi ngỡ ngàng phát hiện ra một góc khác của mình. Trước đây, với nền tảng học tốt môn Văn học, lại giàu cảm xúc, tôi cho rằng thế mạnh của mình là những đề tài xã hội, vốn phù hợp với văn phong mềm mại, nhẹ nhàng. Thế nhưng, khi thử sức với mảng đề tài gai góc, cần văn phong sắc sảo của thể loại bình luận trong chuyên mục Góc nhìn thẳng trên truyền hình, hay Sự kiện và Bình luận, Góc nhìn thẳng trên báo in, Thời luận trên báo điện tử, tôi nhận ra… mình cũng làm được.

Đứng trước một thử thách nào đó, nếu nghĩ rằng mình không làm được, đó chẳng qua là do mình mặc định và đóng khung bản thân, không dám “bung” ra để thử ở những mảng đối lập. Tôi nghiệm ra rằng: sẽ mất rất lâu hoặc thậm chí không thể “hóa bướm” khi tự đặt ra giới hạn cho bản thân mình.


Vì yêu mà luôn mới

Sau gần 3 năm làm việc trong môi trường mới, tôi xác định vẫn đang tự học những loại hình mình đang không có thế mạnh để tiếp tục hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu công việc. Học những điều mình còn mập mờ, chưa rõ - đó là nhu cầu bắt buộc để làm mới mình, để tự tin hơn trong công việc, để không e ngại khi đứng trước một bài báo in nào đó. Chưa kể, ở vị trí của một người quản lý phòng, làm nhiệm vụ biên tập báo in, nếu không làm tốt và không có những tác phẩm báo in tốt, sẽ rất khó thuyết phục các bạn PV chuyên làm báo in, báo điện tử ở Báo Bình Phước trước đây tin vào năng lực của mình.

Nghề báo là nghề thú vị, khi được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người với những câu chuyện mới. Trong ảnh: Nhóm PV, BTV chụp ảnh với gia đình nhạc sĩ Trần Viết Bính trong chuyến đi thực hiện phóng sự về kỷ niệm 2 lần được gặp Bác Hồ của ông trên 4 loại hình báo chí

Đến nay, sau hơn 1 năm chính thức “bén duyên” với báo in trong vai trò của một người biên tập chứ không phải PV, tôi tự hào khi đã có một gia tài nho nhỏ là các bài báo in, báo điện tử “làm vốn” cho riêng mình, ở nhiều chuyên mục khác nhau. Với tôi, đó không đơn thuần là thành quả ngọt ngào của quá trình học hỏi, mà còn là bước đệm đầu tiên để thêm mạnh mẽ tiến về phía trước sau một thời gian gắn bó với nghề.

Làm nghề báo - nghề của sáng tạo, đó chắc chắn là quá trình mỗi người phải liên tục học hỏi và thích nghi. Đặc biệt, trước yêu cầu số hóa báo chí hiện nay, những người làm báo truyền thống phải không ngừng tự học, thay đổi cách viết, cách làm báo để bắt kịp xu hướng, để không bị bỏ lại phía sau khi vạn vật đang tiến về phía trước. Chúng ta sẽ không “bật” lên được, dễ bị đào thải nếu giữ tư duy cũ kỹ, cách viết rập khuôn và đi vào lối mòn. Với những người làm công việc thú vị này, nếu không yêu nghề, không dám mạnh mẽ thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn, trì hoãn thời gian sâu hóa bướm, sẽ không bao giờ thấy được bản thân mình luôn mới và đầy năng lượng…

  • Từ khóa
143168

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu