Thứ 7, 27/04/2024 12:43:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 16:12, 19/03/2024 GMT+7

Du xuân biên giới

Thái Cảnh (Báo Quảng Ninh)
Thứ 3, 19/03/2024 | 16:12:52 2,004 lượt xem
Sương bắt đầu tan trên những dãy núi cao, nắng vàng “sóng sánh như mật” trải khắp núi rừng biên cương, tín hiệu của mùa xuân đang về. Màu tươi xanh của cây lá, sắc hoa đào e ấp chờ bung nở như khoác tấm áo mới cho đất trời vùng phên dậu Đông Bắc của Tổ quốc thêm tươi tắn, khoáng đạt, đầy sức sống, khiến lòng người cũng thêm náo nức, hân hoan, chờ đón những niềm vui hạnh phúc, an lành trước thềm năm mới.

Nắng về trên Trình Tường

Hạ tầng điện, điện chiếu sáng và đường Khu dân cư Trình Tường hiện được đầu tư đồng bộ.
Hạ tầng điện chiếu sáng và đường giao thông khu dân cư Trình Tường hiện được đầu tư đồng bộ.

Sáng sớm, nắng xuân rải nhẹ trên những mái nhà mới ở khu dân cư Trình Tường (thôn Bắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu). Thấy chúng tôi đến, bà Tằng Nhì Múi ngừng tay thêu trang phục, trò chuyện: "Năm nào tôi cũng tự tay thêu váy, áo, khăn để đi chơi Tết. Tết này người dân khu tôi vui lắm, được Đảng và Nhà nước xây cho nhà văn hóa, giếng nước, nhiều nhà ở mới...".

Cách đấy hơn 300m là nhà ông Phùn Tắc Hển. Ông đang trang hoàng ngôi nhà mới được hoàn thành trong chương trình xóa nhà ở tạm, dột nát năm 2023 của tỉnh. Ông Hển kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu "lập nghiệp" ở Trình Tường: "Năm 2002 gia đình tôi cùng 6 hộ dân tại các thôn vùng cao của huyện Bình Liêu là những hộ đầu tiên về Trình Tường. Lúc đầu được vận động tới nơi định cư mới, tôi cũng ái ngại lắm, vì đã quen với cuộc sống ở bản làng cũ. Đến nay được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, điều kiện sinh hoạt, sản xuất, các hộ dân đã từng bước ổn định cuộc sống. Xuân này tôi còn được đón Tết trong ngôi nhà mới".

Bà Tằng Nhì Múi, tự tay thêu những tấm áo mới.
Bà Tằng Nhì Múi thêu áo mới cho gia đình mặc dịp Tết.

Trình Tường là một trong những khu dân cư được hình thành theo chủ trương di dân để xóa các điểm "trắng" dân cư ở khu vực giáp biên. Khu dân cư Trình Tường từ 7 hộ dân năm 2002 đến nay có 18 hộ dân sinh sống. Để tạo điểm tựa vững chắc cho người dân yên tâm định cư, ổn định đời sống, những năm qua các cấp, ngành cùng với CBCS Lâm trường 156 (Đoàn KT-QP 327, Quân khu 3) làm đường giao thông, xây đập tích nước, khai khẩn đất hoang, tạo dựng nền tảng cho cụm dân cư Trình Tường nằm trên điểm cao 790, thôn Bắc Cương.

Ông Phùn Tắc Hển, sửa sang nhà chuẩn bị đón năm mới.
Ông Phùn Tắc Hển trang hoàng nhà ở đón Tết.

Năm 2020 Lâm trường 156 phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Bình Liêu triển khai kế hoạch xây dựng “Khu dân cư biên giới điển hình”. Đơn vị đã san mặt bằng, cải tạo đất, chọn mua cây giống tặng bà con. Người dân Trình Tường chưa có kiến thức trồng trọt, nên bộ đội Lâm trường chủ động trồng cây. Khi cây bén rễ, đơn vị bàn giao lại cho người dân, đồng thời hướng dẫn bà con cách chăm sóc. Đặc biệt, từ tháng 2-2023 Hội CCB tỉnh quyết định hỗ trợ huyện Bình Liêu cải tạo toàn bộ cơ sở hạ tầng cho khu dân cư Trình Tường: Xây dựng giếng cấp nước sạch sinh hoạt tập trung; cải tạo điểm trường học cũ thành nhà văn hoá; làm đường bê tông nội thôn dài 117m, lắp đặt 10 cột đèn năng lượng mặt trời; hỗ trợ kinh phí xây, sửa chữa 12 nhà ở xuống cấp theo kết quả khảo sát và nhu cầu của người dân. Tháng 9-2023 công trình được hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng.

Trình Tường từ một vùng đất rừng cằn cỗi, đến nay đang dần trù phú. Toàn khu hiện có gần chục ha đất nông nghiệp, canh tác được một vụ lúa và một vụ màu. Các hộ được hướng dẫn trồng thêm cây ăn quả, trồng rừng để đảm bảo thu nhập, đời sống. Nhà nào cũng sắm được tivi, xe máy; con em được đi học...

“Dải lụa” kéo gần miền núi với trung tâm thành phố vùng biên

Người dân Hải Sơn phấn khởi khi có tuyến đường mới.
Người dân xã Hải Sơn phấn khởi khi có tuyến đường mới. Ảnh: Đỗ Phương

Chạy dọc tuyến đường biên giới từ xã Hoành Mô ra Móng Cái, qua các xã Hải Sơn, Bắc Sơn (TP Móng Cái), chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi chất lượng cuộc sống người dân nơi đây ngày càng được nâng cao với những ngôi nhà 2-3 tầng đang dần thay cho những căn nhà cấp bốn trước kia. Xuân mới này, người dân được đi trên con đường mới vừa hoàn thành (tháng 9-2023). Trước đây, dù là đường trục chính các xã biên giới, nhưng rất xấu, nhỏ hẹp, xuống cấp, bụi vào ngày nắng, trơn lầy vào ngày mưa. Người dân thôn có việc xuống thành phố phải mất gần 2 giờ đồng hồ di chuyển quãng đường hơn 20km... Nay tuyến đường hoàn thành, việc đi lại đã rất thuận lợi, chỉ mất chừng 30 phút từ thôn xuống phố, việc vận chuyển, trao đổi hàng hoá của người dân cũng dễ dàng hơn.

Quốc lộ 18C (Tỉnh lộ 341 CŨ) được đầu tư đồng bộ với 2 làn xe.
Quốc lộ 18C (tỉnh lộ 341 cũ) dài 35,26km. Ảnh: Đỗ Phương

Đó là tuyến đường thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341 (QL18C) dài 35,26km, điểm đầu kết nối từ Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, đến QL18A tại Km282+700, phường Hải Yên, TP Móng Cái. Dự án nhằm cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài năm 2050; kết nối giao thông thuận lợi giữa KKT Cửa khẩu Móng Cái và KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Móng Cái, Hải Hà nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung; từng bước nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường vành đai biên giới kết nối hạ tầng giao thông giữa QL18A, QL18B và QL18C để hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.

Đi dọc tuyến đường, sắc hoa đào nở sớm rực rỡ, tươi tắn báo hiệu sức sống xuân mới đang về trên các vùng quê với những con người một lòng bám làng, giữ đất biên cương.

  • Từ khóa
192283

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu