Thứ 7, 27/04/2024 18:52:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 08:14, 12/03/2024 GMT+7

Triển vọng du lịch nông nghiệp

Kiều Linh - Văn Hùng
Thứ 3, 12/03/2024 | 08:14:09 1,760 lượt xem
BPO - Là huyện có thế mạnh về du lịch, Lộc Ninh đang hình thành các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, cộng đồng bước đầu cho thấy hướng đi đầy triển vọng.

Lộc Ninh có Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết) và nhiều khu di tích lịch sử là địa điểm du lịch, về nguồn nổi tiếng khắp cả nước mỗi độ xuân về. Địa phương cũng có nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và các loại trái cây thơm ngon.

Với ý tưởng làm nông nghiệp gắn với du lịch, chị Nguyễn Tuấn Tú dồn nhiều tâm huyết xây dựng homestay ngay gần khu di tích Căn cứ Tà Thiết. Đến với homestay, du khách được đắm mình trong bầu không khí trong lành dưới những hàng dừa mát rượi, được thưởng thức ẩm thực mang đặc trưng của Bình Phước, trải nghiệm, tìm hiểu trang phục, vật dụng truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây… Chị Tú cho biết: Nhận thấy tiềm năng du lịch tại huyện Lộc Ninh ngày càng phát triển, gia đình tôi đã đầu tư mở homestay nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú, ăn uống, nghỉ dưỡng của du khách khi về với Lộc Ninh.

Thấy được tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch tại địa phương, anh Nguyễn Viết Dương ở xã Lộc Thành đã quyết tâm xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp với vườn quýt hồng hơn 3 ha của gia đình. Dịp gần tết Nguyên đán, khi những trái quýt hồng đã chín cũng là lúc anh đón nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm tại vườn. Anh Dương cho biết, ban đầu chỉ có ý định trồng quýt hồng để làm kinh tế gia đình, nhưng khi thấy quýt lúc chín rất đẹp, được nhiều người đến xin chụp hình, trải nghiệm nên anh nảy ra ý định làm du lịch từ nông nghiệp. Thông qua du lịch sẽ giúp nhiều người biết đến sản phẩm hơn nên sẽ thuận lợi cho gia đình trong tiêu thụ nông sản, được thị trường đón nhận nhiều hơn.

Du khách tham quan, chụp hình lưu niệm tại vườn quýt hồng của gia đình anh Nguyễn Viết Dương

Là xã có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, từ đó nét văn hóa cũng đa dạng nên những năm gần đây xã Lộc Khánh chú trọng ưu tiên khai thác tiềm năng, lợi thế từ du lịch cộng đồng. Đến với Lộc Khánh, du khách được trực tiếp trải nghiệm và tận hưởng sự yên bình, bầu không khí trong lành, mùi thơm dịu trên những cánh đồng lúa bạt ngàn... Đặc biệt được tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống và thưởng thức các tiết mục văn nghệ, món ăn truyền thống của người Khmer; tham gia trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của bà con. Ông Đoàn Quốc Ngữ, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh chia sẻ: Đặc thù địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, xã đã chủ trương xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng. Ngày nay, về với Lộc Khánh, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động sinh hoạt, các lễ hội đặc sắc và thưởng thức ẩm thực truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây.

Lễ hội Phá bàu của người Khmer xã Lộc Khánh thu hút đông người dân địa phương và du khách đến tham gia trải nghiệm

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Lộc Ninh là huyện đa dân tộc và đa tôn giáo cùng chung sống hòa hợp, từ đó tạo nên bản sắc độc đáo của huyện biên giới. Đồng thời, địa phương có địa hình đa dạng từ đồng bằng, sông hồ đến đồi núi... Vì vậy, bên cạnh các loại hình du lịch hiện hữu, phát triển du lịch sinh thái gắn với canh nông đang được coi là hướng đi đầy tiềm năng, hấp dẫn và bền vững. Đây cũng là xu thế tất yếu bảo đảm sự phát triển bền vững của du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.

Giờ đây, chuyện làm nông nghiệp kết hợp du lịch không còn là khái niệm xa lạ với nông dân huyện Lộc Ninh. Để du lịch nông nghiệp trở thành kinh tế mũi nhọn, huyện Lộc Ninh đã triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn. Đồng thời, phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) phục vụ nhu cầu mua sắm, quà tặng của khách du lịch.

  • Từ khóa
191450

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu