Thứ 5, 09/05/2024 12:57:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 04:57, 24/06/2023 GMT+7

'Chìa khóa' phát triển du lịch

Thu Thảo
Thứ 7, 24/06/2023 | 04:57:12 3,830 lượt xem
BPO - Những năm gần đây, Vườn quốc gia Bù Gia Mập (gọi tắt là vườn) là điểm đến lý tưởng thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã thuận chủ trương cho phép đón khách nước ngoài đến tham quan, du lịch tại vườn. Đây được xem là “cú hích” cho phát triển du lịch, không chỉ mang lại lợi ích cho vườn mà còn cho cả người dân ở xã vùng sâu Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Tuy nhiên, du lịch nơi đây vẫn còn những “nút thắt” cần tháo gỡ để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.

THIẾU CƠ SỞ LƯU TRÚ

Chúng tôi đến một trong 2 nhà nghỉ được xem là khang trang nhất ở xã Bù Gia Mập - cửa ngõ vào Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Nhà nghỉ không có bảng tên bên ngoài, được xây trong khuôn viên một căn nhà cấp 4 với tất cả 5 phòng nghỉ. Bên trong phòng nghỉ bố trí sơ sài, cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu để nghỉ ngơi.

Ông Điểu Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết, trên địa bàn xã hiện chỉ có 2 nhà nghỉ đủ điều kiện phục vụ du khách. Tuy nhiên, số lượng phòng nghỉ ở đây rất hạn chế, thường xuyên quá tải vào dịp lễ, tết. “Những ngày cuối tuần thường rất đông khách du lịch, nhất là vào dịp hè, nhưng dịch vụ lưu trú, ăn uống ở xã chưa có. Khách có tiền nhưng đến đây không có chỗ để tiêu xài” - ông Thuận nói.

Du lịch trải nghiệm ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập hiện rất thu hút du khách

Còn tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, ngoài số khách tham quan nghỉ lại trong rừng, vườn đã đầu tư xây dựng 8 phòng nghỉ tại trụ sở của vườn. Số phòng này hiện chỉ đáp ứng được khoảng 50 khách. Vào dịp lễ, tết, khi lượng khách quá đông, Ban quản lý vườn phải căng lều dã chiến để phục vụ nhu cầu nghỉ lại của du khách. “Hiện nay, số đoàn khoảng 150 khách đăng ký khá đông. Tạm thời, chúng tôi phải từ chối một số đoàn và hẹn vào dịp khác vì không thể phục vụ cùng một lúc” - ông Cao Ngọc Long, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết.

Cũng theo ông Long, cơ sở vật chất của vườn đều được đầu tư từ khi mới thành lập và không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện nay. “Vườn quốc gia ngày càng được biết đến nhiều hơn và hiện loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên rất được du khách ưa chuộng. Vì vậy, muốn phát triển được du lịch tại vườn cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, điện và các dịch vụ đi kèm” - ông Long cho biết thêm.

BỎ NGỎ TIỀM NĂNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Không chỉ có tiềm năng về du lịch rừng mà xã Bù Gia Mập còn có thế mạnh là bản sắc văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đồng bào vẫn còn lưu giữ những nghề truyền thống như đan lát, làm rượu cần, dệt thổ cẩm. Thế nhưng cái khó ở đây là sản phẩm thủ công nên bà con không thể làm ra được nhiều. Vì vậy, lợi ích kinh tế không cao. “Một tháng mình mới dệt được 1 tấm thổ cẩm. 1 tấm bán với giá 1 triệu đồng. Tiền bán thổ cẩm mình để dành mua gạo và một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình” - bà Thị D’Rơ, thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập chia sẻ.

Nghề dệt thổ cẩm là sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số địa phương

Để nâng cao giá trị và mang tính bền vững, sản phẩm thủ công được làm ra từ đôi bàn tay, khối óc, tốn nhiều thời gian và công sức phải trở thành sản phẩm du lịch. Vì vậy, không chỉ bán sản phẩm thật mà còn “bán” nghệ thuật của những sản phẩm này để du khách thưởng thức.

Làng nghề truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa. Phát triển du lịch làng nghề dựa vào cộng đồng là hướng đi đầy triển vọng, vừa bảo tồn nghề truyền thống vừa thu hút khách du lịch, tạo ra các giá trị gia tăng khác. Thực tế cho thấy, sự hấp dẫn du khách đến với làng nghề được thể hiện ở nhiều khía cạnh như: không gian văn hóa, kỹ năng của nghệ nhân, sản phẩm lưu niệm được bán tại chỗ... Do đó, kết hợp làng nghề và hoạt động du lịch cộng đồng sẽ mở ra triển vọng lớn để những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc không bị mai một. Làng nghề làm đa dạng sản phẩm du lịch và tăng nguồn thu cho ngành du lịch. Ngược lại, du lịch góp phần quảng bá sản phẩm truyền thống của đồng bào và hỗ trợ giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giúp nghệ nhân sống được với nghề và các thế hệ sau có động lực tiếp nối nghề.

Lều dã chiến ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập sử dụng làm nơi lưu trú phục vụ những đoàn khách số lượng lớn

Chị Nguyễn Thị Thùy Nguyên, hướng dẫn viên của một công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Du khách khi về đây rất thích ở nhà sàn và được tham quan nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì hình thức du khách lựa chọn khi đến Bù Gia Mập là du lịch trải nghiệm chứ không phải du lịch nghỉ dưỡng nên càng có nhiều yếu tố địa phương sẽ càng thu hút được du khách”.

Xã Bù Gia Mập đang thống kê lại số lượng nghệ nhân ở mỗi thôn. Trên cơ sở đó sẽ tập hợp lại, từng bước xây dựng các đội văn nghệ biểu diễn hoặc hình thành làng nghề để thu hút khách du lịch. Điều này không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tăng thu nhập cho người dân mà còn quảng bá, thúc đẩy du lịch nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói chung.

Ông ĐIỂU THUẬN, Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập

Hiện nay, du lịch cộng đồng ở Bù Gia Mập còn manh mún và nhiều tiềm năng chưa được khai thác. “Xã Bù Gia Mập hiện có một đội cồng chiêng và nhảy sạp liên kết với Vườn quốc gia Bù Gia Mập để phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, đội cồng chiêng này do cá nhân tự tổ chức nên chưa bài bản và quy mô” - anh Nguyễn Văn Đủ, cán bộ văn hóa - xã hội huyện Bù Gia Mập cho biết. Do vậy, ngoài trao quyền chủ thể cho người dân, chính quyền địa phương cần có kế hoạch, phương án lựa chọn loại hình sản phẩm làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Điều này dựa vào văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục tập quán sinh hoạt nhằm định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, gìn giữ và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

Hiện du khách chọn du lịch trải nghiệm với những giá trị cội nguồn, văn hóa, vẻ đẹp của thiên nhiên... ngày một tăng. Vì vậy, để tạo không gian du lịch đáp ứng nhu cầu người dân vừa bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của đồng bào các dân tộc rất cần sự đầu tư bài bản, lâu dài, “đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng”.

  • Từ khóa
171017

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu