Thứ 2, 20/05/2024 15:20:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 15:16, 11/03/2023 GMT+7

Hướng tới trung tâm kinh tế biển kết nối khu vực và quốc tế

Minh Thu (Báo Quảng Ninh)
Thứ 7, 11/03/2023 | 15:16:32 561 lượt xem
Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có đường biên giới trên bộ và trên biển, chiều dài bờ biển trên 250km, có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Với những tiềm năng và lợi thế riêng có, cùng những chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực, kinh tế biển của Quảng Ninh ngày càng có vị thế, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bến cảng cao cấp Ao Tiên là cảng khách chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch tuyến Vân Đồn và các điểm tham quan trên Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long.

Quảng Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển 11,5-12%, đóng góp vào cơ cấu GRDP của tỉnh 22-23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế với 13,286 triệu lượt khách du lịch biển, đảo đến Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô; tổng thu từ du lịch 71.737 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,5%/năm; chú trọng phát triển dịch vụ cảng hành khách, cảng hàng hóa, mở rộng hạ tầng cảng biển, nhất là khu dịch vụ hậu cần sau cảng...

Hiện thực hoá mục tiêu này, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển; đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Có thể kể đến như đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Sân bay quốc tế Vân Đồn... Nhờ đó, kinh tế biển ở Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó du lịch và dịch vụ biển đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ. Cũng vì vậy mà tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, như SunGroup, VinGroup, FLC...

Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của toàn tỉnh, làm chậm tốc độ phát triển, nhưng kinh tế biển vẫn được coi là một động lực tăng trưởng mới, là cơ hội để tỉnh bứt phá vươn lên. Đặc biệt mới đây, Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" sẽ tiếp tục là lực đẩy để kinh tế biển Quảng Ninh phát triển bứt phá. Quyết định nêu rõ: Xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Đồng thời xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; khuyến khích nuôi các đối tượng làm dược liệu biển và thực phẩm dinh dưỡng từ sản phẩm biển; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch... để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển. Quy hoạch không gian ven biển, ven bờ (ven đảo lớn) cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở Quảng Ninh.

Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực.

Định hướng trong Quy hoạch cũng nêu rõ ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển. Coi trọng hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực biển hiệu quả. Đồng thời với đó, tiếp tục tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển; phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành/lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; đồng thời giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng Quảng Ninh để phát triển du lịch bền vững. Phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Thực hiện những chính sách, giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững sẽ tạo điều kiện đưa Quảng Ninh trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần kết nối kinh tế biển của đất nước với khu vực và thế giới.

  • Từ khóa
162801

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu