Thứ 2, 20/05/2024 17:43:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 09:06, 06/03/2023 GMT+7

Liên kết để phát triển

T.Hòa - T.Thùy - P.Dung
Thứ 2, 06/03/2023 | 09:06:31 1,691 lượt xem

Bài 3:
CƠ HỘI ĐỂ DU LỊCH
BÌNH PHƯỚC “CẤT CÁNH”


BPO - Theo nhận định của các chuyên gia trong Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước đã có những điều kiện và cơ hội phát triển rõ ràng hơn. Từ địa phương ở vị trí dự trữ chiến lược, Bình Phước đã trở thành động lực phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ. Với quan điểm du lịch là ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tăng cường giao thương, thu hút đầu tư nên Bình Phước đã và đang nỗ lực xây dựng, khẳng định thương hiệu du lịch dựa trên những thế mạnh và văn hóa riêng có của mình.

Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng

Là tỉnh có diện tích lớn, hệ thống rừng nguyên sinh và danh lam thắng cảnh với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, nét đặc thù riêng nên Bình Phước có rất nhiều lợi thế để xây dựng loại hình du lịch trải nghiệm. Hơn nữa, ngoài hệ thống di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt và là nơi sinh sống của 41 dân tộc anh em đã tạo cho Bình Phước có những nét văn hóa rất độc đáo.

Cảnh quan ở Bình Phước khá thú vị, hấp dẫn bởi thiên nhiên và con người nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ, mộc mạc. Nếu những cánh rừng cao su bạt ngàn là “đặc sản” của du lịch Bình Phước thì vùng đất, con người nơi đây còn đem đến cho du khách những khung cảnh bình yên với vườn tiêu xanh tốt, xao xuyến với hương thơm của vườn điều chín nặng trĩu quả. Những cánh rừng cao su trải dài mỗi mùa "thay áo mới" mang màu sắc khác nhau, tạo nên không gian tuyệt đẹp đầy lãng mạn như khung cảnh trời Âu.

Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết) là điểm nhấn quan trọng trong du lịch về nguồn tại Bình Phước - Ảnh: Tiến Dũng

Với diện tích khoảng 500 ha ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, trảng cỏ Bù Lạch được thiên nhiên ban tặng khung cảnh đặc sắc như được tạo hóa sắp đặt. Trảng cỏ như lọt thỏm giữa cánh rừng nguyên sinh với những thân cây cao rộng, giúp du khách cảm nhận không khí mát lạnh của khí hậu vùng ôn đới và hệ động - thực vật phong phú. Nếu quan sát kỹ, du khách sẽ thấy những nhành lan nhiều màu sắc bám trên thân cây cổ thụ, tiếng gió vờn khóm lá tạo ra khung cảnh rất nên thơ. Cảnh sắc yên bình bên hồ nước xanh, trảng cỏ Bù Lạch rất phù hợp với những trải nghiệm khi được về với thiên nhiên và hòa mình vào bản nhạc rừng ngọt ngào nơi miền quê yên ả. Hòa vào thiên nhiên, du khách sẽ lắng nghe tiếng róc rách của những con suối nhỏ, thác nước chảy quanh năm. Cách trảng cỏ Bù Lạch không xa, thác Voi gập ghềnh, uốn lượn theo những ngọn đồi, sườn núi. Xung quanh thác Voi có nhiều tảng đá rộng, phẳng. Du khách có thể thư thái tâm hồn khi dừng chân trên những hòn đá dưới suối nước reo. Vào mùa khô, dòng nước chảy nhẹ tạo cảm giác lâng lâng mát rượi khó tả để thả hồn theo vũ điệu hoang sơ của núi rừng.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập với hệ động - thực vật phong phú, thuộc địa phận huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đây là nơi lưu trữ nhiều loại gen quý, hiếm và bảo tồn hệ sinh thái ổn định. Chính bởi được lưu giữ và bảo tồn những gì vốn có, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là điểm đến hấp dẫn với những ai thích mạo hiểm và thiên nhiên hoang dã. Trong khuôn viên của vườn quốc gia có những con thác đổ lớn, cũng là nơi dừng chân của khách lữ hành.

Đến với Bình Phước, ngoài những món ngon mang đậm bản sắc các vùng miền đất nước thì đồng bào S’tiêng, M’nông còn có cơm lam, lá nhíp, đọt mây nướng... Đặc biệt, đồng bào S’tiêng có nghề làm rượu cần với hương vị đặc trưng riêng. Tuy nhiên đến nay, du lịch Bình Phước vẫn được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch chưa được đầu tư xứng tầm để khai thác và phát huy.


“Đánh thức” tiềm năng

Tuy mới mở cửa phục vụ du khách từ đầu năm 2023 nhưng khu du lịch sinh thái thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, khám phá. Nhất là trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, có ngày khu du lịch đón gần 1.000 khách. Tuy được du khách biết đến từ sự lan tỏa thông tin trên mạng xã hội, nhưng khu du lịch thực sự ghi điểm khi bước đầu đáp ứng được những nhu cầu của khách du lịch hiện đại. Đặc biệt, không chỉ thưởng ngoạn, du khách còn đặt cho khu du lịch những cái tên vô cùng ấn tượng như Cánh đồng cổ tích, Miền quê không ngủ, Dòng kênh tuổi thơ, Khoảng trời Tây Bắc…

Ở khu du lịch sinh thái thôn Khắc Khoan, du khách đến bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng đều được hòa vào thiên nhiên với cánh đồng lúa rộng hàng trăm héc ta. Đặc biệt thời điểm chiều tối, du khách thực sự được hòa mình vào thiên nhiên, có thể cảm nhận rõ sức sống của cây cỏ với cảm giác thơ mộng, bình yên. Du khách còn được thưởng thức không gian văn hóa đặc sắc với trang phục, nhạc cụ, nông cụ, món ăn, nhà cửa, vườn cây... của đồng bào dân tộc Mông, Thái kết hợp những món ăn đặc sản của người S’tiêng, được nghe nghệ nhân đánh cồng chiêng, thổi tù và… Những điều này đã kéo gần khoảng cách địa lý lẫn văn hóa vùng miền, tạo nên sự tổng thể phong phú về bản sắc của các dân tộc Việt Nam ngay tại Bình Phước.

Cây cầu gỗ tại Công ty cổ phần sản xuất - kinh doanh dịch vụ Vĩnh Phúc ở ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú đang giữ nhiều kỷ lục, là điểm đến lý tưởng của du khách trong hành trình khám phá Bình Phước - Ảnh: Tiến Dũng

Anh Lê Anh Hoàng Tuấn, chủ đầu tư khu du lịch sinh thái thôn Khắc Khoan chia sẻ: Tôi đang hướng đến mô hình du lịch sinh thái phục vụ người dân địa phương và du khách trải nghiệm theo chương trình học cho học sinh các lứa tuổi với nội dung bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, tôi sẽ kết hợp với hội nông dân để tổ chức sản xuất, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Mong ước của anh Tuấn là nhanh chóng được hỗ trợ để hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai, được tiếp cận vốn vay ưu đãi, hướng dẫn về công nghệ và phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan để phát triển. Nhất là được kết nối với nhiều đoàn lữ hành để tiếp tục hoàn thiện, xây dựng khu du lịch trở thành điểm đến yêu thích của du khách gần xa.

Còn với chị Lê Kim Cúc, xã Tân Thành (TP. Đồng Xoài), tình yêu quê hương là động lực khiến chị nuôi dưỡng ước mơ giới thiệu Bình Phước trở thành điểm du lịch đặc sắc trong mắt bạn bè và du khách. Vì vậy, chị đang hoàn thiện các thủ tục để thành lập công ty du lịch trong thời gian sớm nhất. Chị Cúc cho biết: Tôi mong chính quyền địa phương thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng và phát triển các địa điểm du lịch, bao gồm cả khu du lịch, khách sạn, nhà hàng và trung tâm hoạt động giải trí, trải nghiệm; tạo môi trường kinh doanh du lịch thân thiện, sớm xác định và tập trung đầu tư các địa điểm du lịch độc đáo, đặc sắc của Bình Phước. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ trong tương lai. Tăng cường quảng bá và tiếp cận thị trường du lịch quốc tế, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch mới.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên chỉ có thể phát triển khi có sự chung tay của các ngành kinh tế khác và của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, để du lịch Bình Phước “cất cánh”, trước mắt việc đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường liên kết phát triển hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, Bình Phước cần chú trọng xây dựng thương hiệu điểm đến, tăng cường xúc tiến, quảng bá tại các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước, nhất là các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Bắc Bộ và Campuchia, Lào, Thái Lan… Tập trung hình thành các tour, tuyến du lịch, đồng thời chủ động kết nối với các tour, tuyến du lịch nội địa và quốc tế. Phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, xây dựng các điểm du lịch xanh với các dịch vụ tiện ích có sức thu hút cao, tạo sự nổi bật và lan tỏa.

  • Từ khóa
162491

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu