Thứ 6, 28/06/2024 19:35:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:49, 27/01/2017 GMT+7

Con gà trong tục ngữ Việt Nam

Thứ 6, 27/01/2017 | 15:49:00 11,439 lượt xem

BP - Tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền. Và gà là một trong những loài vật được con người thuần dưỡng sớm nhất, đồng thời cũng là con vật gắn bó với đời sống của người dân. Vì vậy, hình tượng con gà đã đi sâu vào đời sống văn hóa, nhất là trong ca dao, tục ngữ và cả thành ngữ của người Việt. Trong bài viết này xin giới thiệu cùng bạn đọc về những câu tục ngữ có liên quan đến gà:

Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa: Ý của câu này khuyên rằng vào những ngày trở trời, mùa có gió heo may gà hay bị mắc bệnh toi; còn ngày mưa chó bị ướt lông nên xấu mã, nếu mang đi bán sẽ bất lợi.

Chó già, gà non: Chó già thịt nhiều, ít mỡ và không tanh nên ăn ngon; thịt gà non mềm và ăn ngon.

Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa: Đây là kinh nghiệm của dân gian về khả năng dự báo thời tiết của con gà.

Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm: Ý nói một khi không có người chỉ huy, cấp dưới dễ làm điều xấu, hoặc nếu không có chủ ở nhà, người hầu sẽ làm điều bậy.

Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà mái ghẹ: Ý nói những thứ người đời thường ưa chuộng vì ngon, đẹp.

Cơm gà, cá gỏi hay đầu gà, má lợn: Là món ăn ngon, bổ và có ý khen người được dùng những món ăn này là người giàu có và sang trọng.

Đầu gà còn hơn đuôi phượng hay Đầu gà còn hơn đuôi trâu: Ý nói thà làm người đứng đầu một đơn vị nhỏ còn hơn làm quan to nhưng lại là người giúp việc của người khác.

Hóc xương gà, sa cành khế: Xương gà cứng và thường sắc nhọn nên nếu bị hóc sẽ khó lấy ra. Cành khế giòn dễ gãy, nếu leo xa rất nguy hiểm đến tính mạng... Vì vậy phải cẩn thận khi ăn thịt gà và trèo cây khế.

Khách đến nhà, chẳng gà thì vịt: Chỉ những người chủ nhà có tấm lòng hiếu khách.

Lờ đờ như gà ban hôm: Giống gà khi trời bắt đầu tối có tầm nhìn rất kém, nhất là vào ban đêm gà không chịu ánh đèn. Vì thế dân gian mới có câu nói quáng gà. Và nghĩa của câu này là chê những người chậm chạp, không hoạt bát.

Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa (mỡ gà vàng, mỡ chó trắng): Kinh nghiệm dân gian dựa vào màu mây đoán mưa gió.

Ráng mỡ gà, có nhà thì chống: Kinh nghiệm chỉ hiện tượng có bão.

Vịt già, gà to: Ý nói vịt già còn ăn được, chứ thịt gà già vừa dai vừa dở.

Chó quen nhà, gà quen chuồng: Đây là hai con vật có đặc tính nhớ nhà chủ và quen chuồng, ý nói không sợ chúng đi lạc khi kiếm ăn.

Chó liền da, gà liền xương: Đây là hai đặc tính của hai con vật này. Nếu chó bị rách da thì chúng cũng sẽ sớm lành và con gà bị gãy xương cũng vậy.

Lợn nhà, gà chợ; Gà cựa dài thì rắn, gà cựa ngắn thì mềm; Cau hoa, gà giò; Vịt già, gà tơ; Gà lấm lưng, chó sưng đồ; Chó già, gà non; Ếch tháng ba, gà tháng bảy...: Đây là thời điểm các con vật này nếu đem làm thịt thì ăn rất ngon.

Chuồng gà hướng đông, cái lông chẳng còn: Nói về kinh nghiệm nuôi gà nếu làm chuồng cửa quay hướng đông hướng quanh năm có gió, mà gà ưa nóng nên dễ bệnh mà chết.

Chó ăn đá, gà ăn sỏi: Nơi đất đai cằn cỗi, trơ trọc và nghèo khổ.

Đẻ như gà: Gà là động vật đẻ nhiều, mỗi đợt từ 8-16 quả trứng. Ý nói ai đó đẻ nhiều và đẻ dày.

Trứng gà trứng vịt: Hai loại trứng suýt soát như nhau không thua kém là bao. Ý nói không nên so bì mà nên nhường nhịn nhau.

Ngủ gà ngủ vịt...: Chỉ người ngủ nhiều, dễ ngủ, chỗ nào và lúc nào cũng có thể ngủ được.

Con tông gà nòi: Chỉ người là con cháu gia đình có truyền thống học giỏi, tài cao.

Da trắng như trứng gà bóc: Chỉ người phụ nữ có nước da trắng và ngoại hình đẹp. 

Gà trống nuôi con: Người đàn ông góa vợ phải một mình nuôi con. Ở đây còn có ý nghĩa cảm thông về hoàn cảnh đối với người đàn ông góa vợ.

Vạ vịt chưa qua vạ gà đã đến: Chỉ ai đó liên tiếp gặp rủi ro, rắc rối, vừa thoát điều không may hay tai họa này, thì lại gặp điều không may, tai họa khác...

Mặt tái như gà cắt tiết: Chỉ người làm sai, làm điều xấu và bị phát hiện, bị bắt quả tang nên sự sợ hãi thể hiện rõ ra mặt.

 Đá gà đá vịt: Chỉ người nào đó thiếu trách nhiệm với công việc được giao, chỉ thỉnh thoảng mới ghé vào hoặc tham dự gọi là cho có mặt.

Đầu gà, đít vịt: Chỉ về sự cọc cạch, chắp nối, không đồng bộ, không tương hợp với nhau.

Hăng máu gà: Chỉ người nóng tính, thiếu suy nghĩ, cân nhắc, mà hễ cứ thấy điều không hài lòng là nổi nóng.

Lộp bộp như gà mổ mo: Chỉ sự bộp chộp không cân nhắc kỹ lưỡng, thiếu chín chắn trong suy nghĩ, nói năng.

Rễ cây trắng, cỏ gà trắng: Dự báo sắp tới sẽ có mưa.

Gà luộc hai lần hay Gà luộc lại, gái cải giá: Chỉ người phụ nữ lấy chồng lần thứ hai, chắc chắn tình cảm nhạt phai.

Gà què ăn quẩn cối xay: Chỉ người hèn kém chỉ biết làm ăn, kiếm chác nhỏ nhặt ở nơi quen thuộc, không biết nhìn xa trông rộng.

Ông nói gà, bà nói vịt: Ý nói trong một gia đình mà chồng nói một đường, vợ nói một nẻo, không ai giống ai.

T.H

  • Từ khóa
92662

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu