Chủ nhật, 28/04/2024 01:36:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:27, 17/02/2016 GMT+7

Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Phi Long: Nghệ thuật là dấn thân và cống hiến

Thứ 4, 17/02/2016 | 07:27:00 1,946 lượt xem

BP - Sinh ra và lớn lên trên đất Pháp hoa lệ, được đào tạo tại trường múa balê nổi tiếng cùng cái gốc con người xứ Huế - sự trầm lắng, nên thơ của vùng đất cố đô cổ kính đã giúp ông hội tụ đầy đủ các tố chất của một nghệ sĩ. Đối với nghệ sĩ nhân dân Hoàng Phi Long, nghệ thuật là dấn thân và cống hiến hết mình. Cũng vì vậy mà ông từ bỏ vỏ bọc của một cậu ấm của xứ sở lãng mạn về Việt Nam làm anh bộ đội hoạt động trên mặt trận nghệ thuật, trở thành nghệ sĩ nhân dân, tổng biên đạo nổi tiếng và là vị giám đốc đầu tiên của Nhà hát Bông Sen TP. Hồ Chí Minh.

KHI CẬU ẤM TRỞ THÀNH BỘ ĐỘI

Gia tộc sang Pháp từ lúc nào ông không rõ, nhưng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có ở Pháp, Hoàng Phi Long nghiễm nhiên trở thành cậu ấm có người chăm lo tươm tất. Cuộc sống sẽ bình yên và sung túc nếu ông lo học hành và nối nghiệp gia tộc tại Pháp. Nhưng cuộc đời đã rẽ sang trang mới khi dòng máu Lạc Hồng trong ông được khơi dậy bởi lời kêu gọi thanh niên, trí thức nước ngoài về nước tham gia cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngã rẽ cuộc đời bắt đầu từ đó, ông chính thức bước cùng trang sử hào hùng và oanh liệt của dân tộc từ năm 1956. “Là sinh viên của một trường nghệ thuật nổi tiếng ở Pháp, ngoài giờ học, tôi thường đi xem biểu diễn nghệ thuật của các đoàn đến từ nhiều nước. Riêng lần xem đoàn nghệ thuật Việt Nam biểu diễn, tôi rất ấn tượng. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, tôi trở về tham gia xây dựng đất nước năm 22 tuổi” - nghệ sĩ Hoàng Phi Long chia sẻ.

Sự thay đổi môi trường sống khiến ông không khỏi choáng ngợp khi về nước và tham gia cách mạng. Ông nói: “Trở thành anh bộ đội lúc đầu với tôi thật khó, phải vứt bỏ đôi giày da, thay vào đôi dép cao su; không còn môi trường náo nhiệt, những ngôi nhà cao tầng mà thay vào đó là lội suối băng rừng... Những tưởng sẽ không thể vượt qua nhưng chính sự quan tâm, chia sẻ của đồng đội, đồng chí đã giúp tôi trưởng thành và hoàn thành nhiệm vụ”.

BÁC HỒ GIÚP TÔI ĐỨNG VỮNG VỚI NGHỀ

Tham gia trường múa Việt Nam, sau đó ông về Đoàn ca múa nhạc Trung ương công tác. Mặt trận tuyên truyền - nghệ thuật vất vả và nguy hiểm không kém những chiến sĩ trên chiến trường và cũng nhờ đó mà nhiều lần ông được gặp Bác Hồ. “Tôi đã tham gia diễn trong các dịp Bác đón khách ngoại giao. Có lần đoàn đang ở Bắc Kinh - Trung Quốc, gần đến giờ biểu diễn Bác gọi điện chúc mừng và dặn dò: “Các cháu hãy biểu diễn thật tốt để chúc mừng chiến thắng. Chúng ta đã vào được thành phố Huế”. Bác Hồ là người rất hiểu nghệ thuật, chăm chút đến đường lối phát triển nghệ thuật. Bác từng xuống thăm trường nghệ thuật, thăm nhà ăn, nơi ở của học sinh... và dặn dò rất kỹ lưỡng. Chính sự quan tâm đó đã giúp tôi trưởng thành hơn, lớn lên và đứng vững với nghề” - nghệ sĩ Phi Long cho biết.

Tiết mục múa trong chương trình nghệ thuật chào mừng thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần X, nhiệm kỳ 2015-2020 do Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Phi Long dàn dựng - Ảnh: S.H

Trong những kỷ niệm về Bác có kỷ niệm in đậm trong ông. Đó là lần biểu diễn tại Phủ Chủ tịch chào đón Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm. Trong lúc múa, ông bị ngã và kịp đứng dậy múa tiếp. Tiếp khách xong, Bác Hồ đã xuống hỏi: “Cháu nào lúc nãy bị ngã?”. Sau khi biết, Bác bắt tay và nói: “Cháu ngã có đau không? Cháu ngã xong đứng dậy, múa vẫn rất tốt”. Đây là lần ấn tượng nhất trong cuộc đời ông vì được Bác Hồ bắt tay và động viên trực tiếp.

Vừa tham gia nghệ thuật phục vụ chiến trường vừa đi thực tế, cực khổ tưởng không vượt qua được, nhưng hình ảnh Bác Hồ đã giúp ông trưởng thành và thành công trên con đường đã chọn. “Còn sức khỏe còn phải lao động, cống hiến. Tôi muốn truyền đạt tất cả những kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được trong quá trình hoạt động nghệ thuật để “ươm mầm” cho thế hệ trẻ Bình Phước và xây dựng Đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh trở thành đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp” - Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Phi Long nói. 

CỐNG HIẾN VÌ ĐAM MÊ, TRÁCH NHIỆM

Được mời về Bình Phước làm chương trình kỷ niệm 10 năm tái lập tỉnh (năm 2007), ông cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh đối với nghệ thuật và giới nghệ sĩ. Là tỉnh có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống nên phong phú về ngôn ngữ, lịch sử và đậm nét văn hóa vùng miền tạo sức hút với con người nghệ sĩ trong ông. Những yếu tố trên đã khơi nguồn cảm hứng, tạo sức bật để ông sáng tác và gắn bó với nghệ thuật ở một tỉnh còn nhiều khó khăn như Bình Phước.

“Đối với tôi, nghệ thuật phải đảm bảo được ba yếu tố đúng, đẹp và hay. Đúng nghĩa là đúng với tư tưởng chính trị của Đảng, Nhà nước và văn hóa của dân tộc. Đẹp và hay là yếu tố đưa nghệ thuật đến giá trị chân - thiện - mỹ. Tôi làm việc và cống hiến, đơn giản vì đam mê và trách nhiệm với công việc. Bắt đầu là đào tạo, rèn luyện nâng cao tay nghề diễn viên, khơi dậy lòng yêu nghề, yêu nghệ thuật của các thành viên trong đoàn. Từ đó xây dựng đội ngũ diễn viên ổn định và tìm kiếm tài năng mới làm hạt giống, góp phần xây dựng, phát triển Đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh thành đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp”.

Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Phi Long

Đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh thành lập năm 2004, thời gian đầu còn khó khăn về nhân lực, thiết bị âm thanh, ánh sáng, xe chuyên dùng... Từ khi ông về, với nhiệm vụ cố vấn nghệ thuật, tổng đạo diễn và biên đạo múa, nghệ sĩ Phi Long đã đem kiến thức, năng lực của bản thân xây dựng đoàn thành đơn vị biểu diễn chủ lực với đội ngũ diễn viên hoạt động chuyên nghiệp. Đoàn đã dàn dựng nhiều chương trình chất lượng phục vụ nhân dân. Những tiết mục do ông làm cố vấn nghệ thuật được khán giả đón nhận nồng nhiệt và giành nhiều giải thưởng danh giá.

“Ngày đầu xin vào đoàn, được thầy tuyển vào đội múa balê truyền thống, em rất mừng vì được phát huy sở trường. Thầy vừa nghiêm khắc truyền dạy vừa tận tâm với học trò, với nghề đã giúp em trưởng thành rất nhanh. Thầy không chỉ khơi dậy lòng đam mê nghệ thuật mà còn dạy chúng em đạo đức với nghề” - diễn viên múa Cao Xuân Tuyền cho biết.

THÀNH CÔNG TRONG GIAN KHÓ

Hơn 80 tuổi, sức khỏe, tài chính có nhiều bất lợi nhưng ở độ tuổi chín mùi về nghệ thuật đã giúp ông vượt lên tất cả. Những trăn trở làm sao đào tạo đội ngũ diễn viên quần chúng thành diễn viên chuyên nghiệp, diễn viên bám trụ với đoàn khi cuộc sống còn lắm bấp bênh, làm sao để đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong tỉnh nhưng vẫn đến được với các cuộc thi chuyên nghiệp toàn quốc... luôn đòi hỏi ông phải tìm ra câu trả lời. Để giải quyết những vấn đề đó, chỉ có thành công mới mang lại động lực giúp anh em trong đoàn cùng phấn đấu và thôi thúc ông không ngừng lao động vì nghệ thuật.

Từ sự cố gắng và quyết tâm của tập thể đoàn ca múa nhạc, các tác phẩm hát múa do ông làm tổng đạo diễn và biên đạo đều có chất lượng cao, được đưa vào biểu diễn trong các ngày lễ lớn trong nước, quốc tế. Điển hình như hai tác phẩm “Thoáng nắng miền Đông”, “Mẹ Âu Cơ” đoạt huy chương bạc tại liên hoan 3 nước Đông Dương. Các tác phẩm trong chương trình phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh tham gia Liên hoan đội tuyên truyền văn hóa lần thứ IX khu vực Nam bộ giành 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc...

Những tác phẩm nghệ thuật của ông đã góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ông vinh dự là một trong 70 bông hoa đẹp giữa đời thường được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bình Phước lần thứ IV.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
91841

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu