Thứ 5, 09/05/2024 18:29:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:00, 17/10/2015 GMT+7

CHÀO MỪNG KHÁNH THÀNH GIAI ĐOẠN 1 - KHU BẢO TỒN VHDT S'TIÊNG SÓC BOM BO

Niềm vui trở lại sóc Bom Bo

Thứ 7, 17/10/2015 | 09:00:00 249 lượt xem

>> Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Xêtiêng sóc Bom Bo: Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
>> Bom Bo - Địa chỉ đỏ của Bình Phước anh hùng

BP - Gần 5 năm trước, khi Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo khởi công, đồng bào S'tiêng ở Bù Đăng cũng như các nơi khác trong tỉnh đều mong đợi công trình sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động. Giờ đây, khi công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 và khánh thành, người dân Bom Bo lại nôn nao, háo hức chờ đợi thời khắc quan trọng này. Ai cũng mang tâm trạng vui mừng khôn tả, vì bà con sắp có nơi giao lưu, giữ gìn và phát triển những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Chúng tôi đến thôn Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng) vào những ngày cận kề lễ khánh thành giai đoạn 1 của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng. Không khí chuẩn bị cho ngày lễ đã tràn ngập các con đường với nhiều băng rôn, pa-nô được dựng lên và đi đến đâu cũng nghe người dân nói về chuyện khánh thành.

“ĐÂY SẼ LÀ NƠI LƯU GIỮ TRUYỀN THỐNG VÀ KẾ THỪA”

Già làng Điểu Lên (70 tuổi, ngụ thôn Bom Bo) kể lại: Vào những năm 1960, Mỹ - ngụy thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược khắp nơi. Người dân sóc Bom Bo (thời điểm này thuộc quận Đức Phong, tỉnh Phước Long) không chịu áp bức, trong đêm tối, hơn 40 hộ đồng bào S'tiêng đã vượt suối, băng rừng về căn cứ Nửa Lon (xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) theo cách mạng. Bà con có tập quán du canh du cư nên di chuyển đến nơi nào lập làng đều lấy tên sóc Bom Bo.

Già làng Điểu Lên

Năm 1965, Bộ tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long nhằm tiêu diệt cụm quân sự của địch ở phía Bắc chiến khu Đ, ngắt tuyến giao thông chiến lược Tây Nguyên - Sài Gòn. Thời điểm này, sóc Bom Bo trở thành trung tâm tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch. Vì vậy, già, trẻ, gái, trai ban ngày lên nương trồng lúa, trồng mì, tối về đốt đuốc giã gạo đến gần sáng để giúp thêm cho cách mạng. Năm 1967, địch phát hiện cơ sở cách mạng tại sóc Bom Bo nên nơi đây liên tục gánh chịu những trận mưa bom, bão đạn, nhưng người dân Bom Bo vẫn kiên trì bám trụ, trồng lúa, trồng mì phục vụ cách mạng.

Ông Điểu Lên bộc bạch: “Khu bảo tồn của đồng bào được xây dựng, chúng tôi mừng lắm! Đây sẽ là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của người S'tiêng. Là niềm tin, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh của dân tộc và tri ân công lao của các thế hệ đi trước. Người S'tiêng sẽ lấy đó làm điểm tựa để vững bước vươn lên, chung tay xây dựng đất nước hùng cường, bảo vệ vững chắc từng tấc đất giang sơn mà cha ông chúng ta đã tạo dựng. Tôi cảm thấy tin tưởng, tự hào và luôn mong thế hệ hôm nay vững vàng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường Bác Hồ đã lựa chọn”.

“TÔI TỰ HÀO VÌ MÌNH LÀ NGƯỜI CON XÊTIÊNG”

Dưới cái nắng gắt giữa trưa, chúng tôi gặp Điểu Mon, Phó bí thư Đoàn xã Bình Minh đang cùng thanh niên trong thôn chuẩn bị nguyên liệu, đồ dùng nấu những món ăn ẩm thực đặc trưng của người S'tiêng, như cơm lam, rượu cần, canh thụt... để giới thiệu đến đại biểu, du khách về dự lễ. Anh nói: “Được Nhà nước đầu tư xây dựng khu bảo tồn dành cho người S'tiêng, tôi rất vui và tự hào vì mình là người con S'tiêng. Theo tôi, muốn xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trước hết phải gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, góp phần lưu giữ và phát huy những nét văn hóa của người S'tiêng chúng tôi.

Thanh niên tiêu biểu Điểu Mon

“MONG SẼ PHÁT HUY ĐƯỢC NGHỀ TRUYỀN THỐNG”

Cũng như những người con S'tiêng ở thôn Bom Bo, chị Điểu Thị Dôn (29 tuổi), Tổ phó phụ nữ tổ 1 mong ước: Khu bảo tồn đi vào hoạt động, những nét văn hóa đặc trưng của người S'tiêng, như nghề dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng hay những món ăn đậm chất núi rừng là đọt mây, lá nhíp... sẽ được nhiều người biết đến. Hiện tôi đã chuẩn bị xong những sản phẩm, như quần áo, ví cầm tay, giỏ xách... được dệt bằng thổ cẩm để trưng bày và giới thiệu đến du khách.

Chị Điểu Thị Dôn

“Tôi rất hồi hộp và mừng vì những sản phẩm của mình làm ra sắp được giới thiệu đến du khách gần xa. Đây là lần đầu tiên tôi cùng những hộ dân trong thôn dệt số lượng lớn các mặt hàng thổ cẩm và chuẩn bị nhiều sản phẩm khác. Mọi người trong thôn, nhà nào cũng làm những sản phẩm thường dùng hằng ngày đem trưng bày cho du khách biết. Đây là cơ hội để nghề truyền thống của đồng bào được thế hệ mai sau duy trì và phát triển” - chị Điểu Thị Dôn bộc bạch.

Chị Thị Vơi (1989) ở tổ 1, thôn Bom Bo chia sẻ: Sản phẩm của người S'tiêng được đưa ra trưng bày để giới thiệu tới du khách sẽ tạo điều kiện cho đồng bào phát huy nghề truyền thống. Vì vậy, mình sẽ cố gắng học hỏi để cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm làm hài lòng du khách trong thời gian tới. Tôi và người dân ở Bom Bo rất mong có một dự án phát triển làng nghề truyền thống để giữ gìn những nét văn hóa của đồng bào cho con, cháu sau này.

Chị Thị Vơi

Không chỉ có già làng Điểu Lên, anh Điểu Mon, các chị Điểu Thị Dôn và Điểu Thị Vơi kỳ vọng có sự đổi thay nơi đây khi công trình đưa vào sử dụng. Đây còn là niềm tin, niềm tự hào của đồng bào Xêtiêng nói riêng và nhân dân toàn tỉnh nói chung.  

H. Dụng - N. Bích

  • Từ khóa
91538

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu