Thứ 6, 29/03/2024 14:49:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:00, 08/02/2015 GMT+7

Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút mang nhiều ý nghĩa lịch sử

Chủ nhật, 08/02/2015 | 07:00:00 20,048 lượt xem

BP - Cách đây 230 năm, chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã đánh tan 4 vạn quân Xiêm xâm lược nước ta. Đây là một chiến công chống ngoại xâm lừng lẫy của nhân dân miền Nam và được coi là lớn nhất trong 5 thế kỷ, kể từ chiến thắng Bạch Đằng ở thế kỷ thứ XIII. Với chiến thắng này, nhân dân Nam bộ đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta. Những người cao niên ở vùng quê sông nước Nam bộ vẫn còn nhớ những câu ca: “Rạch Gầm - Xoài Mút tăm tăm/Xê xuống chút nữa tới vàm Mỹ Tho/Bần Gie đóm đậu sáng trời/Rạch Gầm - Xoài Mút muôn đời oai linh”.

Rạch Gầm, Xoài Mút là tên hai con rạch đổ ra sông Tiền. Đoạn sông này ngày nay nằm giữa địa phận thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Rạch Gầm - Xoài Mút là nơi đầu tiên trên địa bàn phía Nam của Tổ quốc đã diễn ra một trận thủy chiến chống quân xâm lược. Chỉ trong vòng một ngày đêm, khoảng 3 vạn quân Tây Sơn đã giao chiến và đánh tan 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn, tiêu diệt gần 4 vạn tên xâm lược và hàng ngàn quân Nguyễn.

Tượng đài chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút -  Ảnh internet

Bằng chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn đã giành được thắng lợi, quét sạch quân địch ra khỏi đất Gia Định, thu hồi những vùng đất bị chiếm đóng. Cuộc kháng chiến chống Xiêm thắng lợi mà quyết định là trận Rạch Gầm - Xoài Mút đã đưa phong trào Tây Sơn phát triển mạnh hơn. Từ đó, phong trào Tây Sơn làm chủ toàn bộ đất Đàng trong và có điều kiện tiến ra Đàng ngoài lật đổ nền thống trị của tập đoàn phong kiến vua Lê chúa Trịnh. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Xiêm đầu năm 1785 là một trong những trang oai hùng nhất, mang nhiều ý nghĩa lịch sử lớn lao. Trong đó, chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là biểu hiện sinh động sự kết hợp tài tình người anh hùng Nguyễn Huệ với sự tham gia tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân.

Năm 1993, khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Ngày 31-12-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2408/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 5) đối với 14 di tích, trong đó có di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (20-1-1785 - 20-1-2015) và đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt với di tích lịch sử này.

Năm 2001, di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút được xây dựng và khánh thành vào ngày 20-1-2005, đúng dịp kỷ niệm 220 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Khu di tích được xây dựng tại ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, với một vị trí khá đẹp và thoáng mát bên bờ sông Tiền, ngay cạnh đường tỉnh lộ nên rất thuận tiện cho du khách đến cả bằng đường bộ lẫn đường thủy. Với tổng diện tích hơn 2 ha, khu di tích gồm tượng đài Nguyễn Huệ, 2 nhà trưng bày và một ngôi nhà cổ Nam bộ. Tượng đài chiến thắng nằm ngay trung tâm khu di tích, thể hiện vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong tư thế rất uy dũng, bên cạnh là một binh sĩ giương cung và một người dân bản địa đang chèo thuyền. Tượng đài được bố cục hài hòa trong một tổng thể mô phỏng hình chiến thuyền, làm liên tưởng đến chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút năm xưa. Dưới chân tượng đài là công trình kiến trúc dạng đền được trang trí bằng dãy phù điêu chất liệu đồng, phác họa hình ảnh con người và chim hạc được mượn từ mặt trống đồng cổ...

Trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm - Xoài Mút không chỉ là một chiến công vĩ đại của phong trào Tây Sơn mà còn phản ánh quá trình chuyển hóa về chất của phong trào; đồng thời là cơ sở tạo sinh khí cho cuộc hành quân thần tốc trong mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) đại phá quân Mãn Thanh, với trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử. Việc hình thành khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút thể hiện tầm vóc lớn lao của chiến thắng này, đồng thời là sự tri ân, ghi nhớ của các thế hệ người Việt đối với các bậc tiền nhân. (*)

Thế Quân
(*) Bài viết tham khảo tài liệu Viện lịch sử quân sự Việt Nam

  • Từ khóa
91059

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu