Thứ 7, 27/04/2024 15:23:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:13, 26/01/2020 GMT+7

Dạy trẻ nét đẹp ngày tết cổ truyền

Hồng Phương - Ngọc Thảo
Chủ nhật, 26/01/2020 | 07:13:00 1,269 lượt xem
BPO - Tết cổ truyền là lễ tết lớn của dân tộc Việt Nam, được người dân Việt Nam trân trọng và gìn giữ. Mặc dù ngày nay, một số phong tục trong dịp tết cổ truyền không còn đậm nét như xưa, nhưng cứ đến ngày 23 tháng chạp, người dân Bình Phước lại tất bật với chuyện chuẩn bị đón tết. Nhà nhà lại bắt đầu với công việc chợ búa, sắm sửa, dọn dẹp và làm bánh, mứt để đón tết. Mỗi một hoạt động của ngày tết là cách thiết thực nhất để người dân Bình Phước giữ gìn, phát huy nét đẹp tết cổ truyền Việt, giúp trẻ biết và thích tết.

Chị Mai Thị Thắm cùng con gái trang trí nhà cửa đón tết Canh Tý

Mặc dù những ngày cuối năm bận rộn với công việc của trường, nhưng chị Mai Thị Thắm, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long vẫn tranh thủ thời gian dọn dẹp, trang trí nhà cửa để kịp đón tết. Năm nào cũng vậy, chị Thắm đều làm công việc này cùng với các con của mình với mong muốn các con được sống và cảm nhận được không khí của ngày tết, giống như cảm giác mà chị Thắm đã được trải qua khi còn trẻ thơ.

Chị Mai Thị Thắm cho biết: Ngay từ những ngày đầu tháng chạp, chị đã cùng các con mua sắm và chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho ngày tết như bánh mứt, hạt dưa, quần áo mới, chén dĩa. Rồi những ngày cuối năm, chị tranh thủ cùng các con sửa soạn, lau dọn sạch sẽ tất cả các phòng ốc, đồ dùng trong nhà và trang trí thêm ít hoa mai, hoa đào để ngôi nhà có thêm cảnh sắc của ngày xuân. Các con khi được cùng mẹ tham gia công việc chuẩn bị tết đều rất háo hức.

Gói bánh tết ngày tết - hoạt động truyền thống của gia đình bà Nguyễn Thị Hợi

Gia đình bà Nguyễn Thị Hợi ở phường Phú Đức, thị xã Bình Long luôn duy trì hoạt động gói bánh tét mỗi khi tết đến. Năm nay cũng vậy, gia đình bà đã làm 10kg gạo nếp để gói bánh ăn tết. Thông thường mọi năm, bà cùng con dâu phụ trách việc gói bánh, các cháu nhỏ chỉ phụ những công việc như gom, lau lá và gói bánh vào ngày 29 tết để kịp có bánh cúng ông bà tổ tiên vào ngày 30 tết. Năm nay, cháu gái Phạm Hoàng Minh Trang đã lớn hơn nên bà dạy cho cháu cách gói bánh để cùng cảm nhận được không khí của ngày tết và hy vọng các cháu sẽ tiếp tục giữ gìn truyền thống của gia đình, giữ gìn phong tục tốt đẹp của tết cổ truyền. Theo bà Nguyễn Thị Hợi, công đoạn gói bánh dù có vất vả, cực hơn so với việc đặt mua bánh, nhưng không khí cả gia đình xum vầy bên nồi bánh chưng, bánh tét ngày tết vừa giúp gợi nhớ những kỷ niệm tết cùng gia đình khi xưa, vừa là niềm vui mà bà có được mỗi dịp đón tết.

Ngày nay, nhiều gia đình chọn cách mua đồ sẵn ở chợ thay vì mua thực phẩm về tự chế biến. Việc chuẩn bị tết của gia đình cũng không còn như xưa. Sắm tết cũng trở nên đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều. Chỉ cần đi một vòng quanh chợ hay siêu thị là có thể sắm được đủ thứ cần thiết... Vì vậy, khi được cùng gia đình chuẩn bị, tự tay gói những chiếc bánh tét, bánh chưng cho ngày tết là điều giúp cháu Phạm Hoàng Minh Trang ở phường Phú Đức, thị xã Bình Long cảm nhận được không khí nhộn nhịp, tất bật, trân quý giây phút xum vầy cùng đại gia đình trong những ngày tết về. Minh Trang cho biết, em sẽ cố gắng duy trì truyền thống tết tốt đẹp của gia đình đến các con cháu.

Niềm vui gia đình bà Nguyễn Thị Hợi bên nồi bánh ngày tết Canh Tý

Ngày nay, không chỉ có gia đình bà Nguyễn Thị Hợi mà còn rất nhiều gia đình người Việt vẫn lưu giữ phong tục gói bánh chưng, bánh tét trong ngày tết cổ truyền. Khung cảnh mỗi thành viên trong nhà tất bật chia nhau công việc rửa lá, vo gạo, gói bánh, chuẩn bị nồi luộc bánh chắc chắn mãi là ký ức đẹp, không thể quên trong lòng nhiều người dân Việt Nam. Trong không khí se se lạnh của những ngày cuối đông, các thành viên quay quần bên nhau, cùng thưởng thức bánh, mứt, trò chuyện và thức canh nồi bánh tét, bánh chưng làm cho tết cũng vì thế mà đậm đà hương vị ngày xuân hơn.

Trong cuộc sống hối hả và những tiện nghi của cuộc sống hiện đại, người dân vơi dần sự mặn mà với ngày tết, với những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chính vì vậy, việc tạo cơ hội để con trẻ cùng tham gia hoạt động chuẩn bị và vui chơi tết chính là cách để trẻ tự cảm nhận và ghi nhớ giá trị tốt đẹp trong truyền thống tết cổ truyền. Cùng đi sắm sửa ngày tết, cùng đi tảo mộ, cùng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, cùng làm bánh mứt, gói bánh tết, cùng dành thời gian vui xuân sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ khi trưởng thành của trẻ thơ và là cách để bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét đẹp ngày tết Việt.

Ngày nay, không chỉ có gia đình bà Nguyễn Thị Hợi mà còn rất nhiều gia đình người Việt vẫn lưu giữ phong tục gói bánh chưng, bánh tét trong ngày tết cổ truyền. Khung cảnh mỗi thành viên trong nhà tất bật chia nhau công việc rửa lá, vo gạo, gói bánh, chuẩn bị nồi luộc bánh chắc chắn mãi là ký ức đẹp, không thể quên trong lòng nhiều người dân Việt Nam.
  • Từ khóa
88061

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu