Thứ 5, 09/05/2024 07:23:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 00:00, 13/09/2011 GMT+7

Ban Văn hóa - Xã hội giám sát chương trình giải quyết việc làm tại Sở LĐ-TB&XH

Thứ 3, 13/09/2011 | 00:00:00 265 lượt xem

Sáng 13-9, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 15 của HĐND tỉnh khóa VII về thực hiện Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Là cơ quan tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết số 15/2010/NQ-HĐND và Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND về Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh nên Sở LĐ-TB&XH khá chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, điều hành toàn ngành thực hiện đề án.

Hết 8 tháng của năm 2011, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 19.390 lao động, đạt 69,25% kế hoạch. Trong 8 tháng đầu năm, nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh là 9,3 tỷ đồng, có 11 đơn vị tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn và toàn tỉnh đã tổ chức được 201 lớp với số lao động đăng ký học là 6.801 người, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số là 2.562 người. Các ngành nghề đào tạo gồm trồng, chăm sóc, khai thác cao su; bảo vệ thực vật; sửa chữa điện dân dụng, điện lạnh; chăn nuôi gà; trồng nấm; cắt uốn tóc…

Để thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho 28.000 lao động và đào tạo nghề cho khoảng 5.000 lao động trong năm 2011 như mục tiêu của đề án, sở đã hoàn thành việc điều tra cung - cầu lao động; điều tra cung - cầu lao động tại 156 doanh nghiệp theo danh sách Bộ LĐ-TB&XH chọn mẫu; đã tổ chức sàn giao dịch việc làm tại xã Thanh An (Hớn Quản) và dự kiến tổ chức tại Bù Đăng và trung tâm tỉnh.

Về giải ngân các nguồn vốn, đã tham mưu phê duyệt 613 dự án vay vốn 120 với số tiền cho vay trên 20 tỷ đồng, góp phẩn giải quyết việc làm cho 1.120 lao động.

Các thành viên đoàn giám sát đã yêu cầu Ban giám đốc Sở LĐ-TB&XH làm rõ thêm một số vấn đề như: chất lượng đào tạo tại trường nghề Tôn Đức Thắng và các trung tâm dạy nghề cấp huyện; đào tạo nghề có gắn với nhu cầu việc làm và một số dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi việc làm, mối quan hệ giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, nhu cầu xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý đối với các cơ sở dạy nghề tư nhân… Các câu hỏi đã được ban giám đốc và trưởng các phòng ban chuyên môn của sở giải đáp.

Ông Huỳnh Hữu Thiết, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa HĐND tỉnh thay mặt đoàn giám sát đã ghi nhận những kiến nghị của sở về thời gian phân bổ vốn đối với các dự án giải quyết việc làm cần sớm hơn; về cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia công tác đào tạo nghề cũng như cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp khi sử dụng lao động qua đào tạo; về cơ chế đối với giáo viên dạy nghề… để làm việc với các ngành liên quan và báo cáo HĐND tỉnh.

LT

  • Từ khóa
87608

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu