Thứ 5, 09/05/2024 16:37:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:59, 17/12/2010 GMT+7

Trung tâm phát sóng phát thanh - truyền hình Bà Rá

Thứ 6, 17/12/2010 | 14:59:00 1,585 lượt xem

20 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Những năm 1989-1990, khi mạng lưới truyền thông phát thanh, truyền hình có bước nhảy vọt trên phạm vi cả nước, thì người dân ở 5 huyện phía bắc Sông Bé, việc nghe và xem truyền hình là hết sức khó khăn do địa hình đồi núi che khuất. Vấn đề đặt ra đối với các cấp lãnh đạo và Ban giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ là làm sao để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ở các huyện phía bắc Sông Bé đón nhận được sóng phát thanh, truyền hình một cách dễ dàng, thuận tiện. Quyết tâm ấy đã được Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đồng tình và tạo mọi điều kiện giúp đỡ.

Trung tâm phát sóng Bà Rá - nơi những cánh sóng vươn xa


Cuối năm 1989, nhiều cuộc khảo sát tìm đường lên núi Bà Rá đã được tiến hành trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả bởi địa hình rừng núi hiểm trở khí hậu khắc nghiệt. Đầu năm 1990, hành trình “xẻ núi” san đường, thực hiện cuộc chinh phục đỉnh cao Bà Rá bắt đầu được triển khai. Vượt qua mọi khó khăn trở ngại của địa hình rừng núi phức tạp và phải mất gần hai năm trời xẻ núi, san đường, đến ngày 26-8-1990, con đường dài 2,7km từ chân núi lên đến đỉnh Bà Rá đã được thông suốt.

Vấn đề đặt ra lúc bấy giờ là làm sao để triển khai việc xây dựng nhà cửa và chuyển máy phát lên đỉnh cao này. Nguồn kinh phí hạn hẹp không cho phép thực hiện việc vận chuyển vật liệu, máy móc lên đỉnh núi bằng trực thăng. Một lần nữa, tập thể Ban Giám đốc, CB - CNV Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Sông Bé hạ quyết tâm dùng “sức người” để chinh phục. Từng viên gạch, ký cát, bao xi măng... rồi đến những kiện máy móc, thiết bị nặng hàng tấn, hàng tạ đã được “cõng” lên đỉnh núi. Tháng 12-1990, các hạng mục công trình xây dựng ở Bà Rá như nhà đặt máy, tháp ăng-ten, đường điện trung thế, hạ thế lần lượt hoàn thành và được đưa vào hoạt động thử nghiệm.

Ngày 18-12-1991 được chọn làm ngày kỷ niệm lần thứ nhất Trung tâm Phát sóng Phát thanh và Truyền hình Bà Rá đưa vào hoạt động chính thức. Từ nơi đây, làn sóng phát thanh, truyền hình đã được đưa lên không trung và lan tỏa về các bản làng xa xôi hẻo lánh. Khó có thể kể hết niềm vui của nhân dân trong vùng khi được đón nhận những hình ảnh, âm thanh rõ, đẹp được phát đi chính từ ngọn núi Bà Rá hùng vĩ này.

Những năm tiếp sau, trung tâm không ngừng được tỉnh và 2 đài quốc gia đầu tư cải tạo và nâng cấp. Hai mươi năm thành lập và phát triển, Trung tâm Phát sóng Phát thanh và Truyền hình Bà Rá hôm nay đã trở thành một trung tâm phát sóng quốc gia hằng ngày, chuyển tải đến nhân dân các chương trình phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương như: VOV, VTV1, VTV2, VTV3, BPTV1, BPTV2.

*Từ năm 1990 đến năm 1994: Trung tâm phát sóng PT-TH Bà Rá liên tục được UBND tỉnh Sông Bé, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tặng bằng khen.
*Năm 1995: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 232/TTg do Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ngày 21-4-1995).
*Năm 1996: Cờ thi đua “Đơn vị có thành tích xuất sắc, dẫn đầu trong phong trào thi đua của ngành Phát thanh & Truyền hình Sông Bé”;
*Năm 1997: Huân chương Lao động hạng Hai của Chủ tịch nước (Quyết định số 1370-KT/CT do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ngày 15-9-2007);
*Năm 2001: Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước (Quyết định số 957-KT/CT do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký ngày 2-12-2001);
- Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Bình Phước tặng tập thể CBVC Đài Phát sóng Bà Rá giai đoạn 1991-2001;
*Năm 2005 : Danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc của UBND tỉnh Bình Phước (số Quyết định: 169/QĐ–UBND ngày 24-1-2006);
*Năm 2006 : Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Bình Phước nhân kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập Đài Bà Rá (Quyết định số 2160/QĐ-UBND ngày, 14-12-2006);
*Năm 2009: Tập thể lao động xuất sắc, đơn vị điển hình, tiêu biểu giai đoạn thi đua 5 năm (2005- 2009) được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bình Phước năm 2010.
                                          Ngọc Dũng

Nói đến sự trưởng thành của Trung tâm Phát sóng Phát thanh và Truyền hình Bà Rá hôm nay không thể không nói đến công sức của những cán bộ, kỹ thuật viên nơi đây. Điều kiện môi trường sinh hoạt và làm việc trong vùng rừng núi khắc nghiệt, nguy hiểm, thú dữ, vắt, muỗi và những cơn sốt rét rừng dai dẳng luôn là điều mà họ phải thường xuyên đối mặt. Càng khó khăn hơn, nguy hiểm hơn đối với những trận sét vào mùa mưa bão. Thời gian làm việc của họ khá đặc biệt và vất vả. Mỗi ca trực 2 ngày gồm 4 người: 2 người lên đỉnh trực phát sóng, 2 người trực tại đồi Bằng Lăng với nhiệm vụ vừa vận hành máy phát điện cung cấp cho đỉnh núi khi mất điện, vừa làm công tác trực nhật và lo bếp ăn tập thể cho anh em. Và cứ luôn phiên hai ngày một lần, họ phải đi bộ 45 phút từ đồi Bằng Lăng lên đỉnh núi theo đoạn đường rừng dài hơn một cây số để thay ca, trực phát sóng tại đỉnh núi. Do có nhiều công trình phụ ngoài trời như: đường điện, đường nước sinh hoạt, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống chống sét dọc đường dây nên việc quản lý và bảo dưỡng, bảo trì các công trình này rất khó khăn và phức tạp hơn, nhất là vào mưa bão, sấm sét nhiều. Hầu hết những người ở đây đều bị sốt rét rừng, có người đã bị rắn độc cắn. Nắng thì bị thiếu nước sinh hoạt, mưa thì ngán ngại muỗi, vắt và những trận sấm sét dữ dội.

20 năm hình thành và phát triển của Trung tâm Phát sóng Phát thanh và Truyền hình Bà Rá là một chặng đường đầy gian khó nhưng hết sức tự hào. Những thành tích của cán bộ công nhân viên ở đây đã được ghi nhận bằng những danh hiệu cao quý mà Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các cấp khen tặng. Cùng với sự phát triển của ngành phát thanh & truyền hình Bình Phước, Trung tâm Phát sóng Phát thanh và Truyền hình Bà Rá cũng từng ngày lớn mạnh. Từ một trạm phát lại nhỏ bé của địa phương, đến nay đã trở thành một trung tâm phát sóng quốc gia có tầm cỡ trong khu vực miền Đông Nam bộ, Nam Tây nguyên.

20 năm hình thành và phát triển là 20 năm gắn bó và cống hiến của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ, đầy nhiệt huyết ở núi Bà Rá. Họ đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên từng bậc thang, từng cung đường ở núi rừng Bà Rá đã thấm đẫm mồ hôi, công sức của các kỹ thuật viên, họ như những người chiến sĩ lặng thầm trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, ngày đêm canh giữ cho làn sóng phát thanh, truyền hình mãi bay xa.

Phan Văn Thảo (Phó giám đốc Đài PTTH tỉnh Bình Phước)

  • Từ khóa
87546

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu