Thứ 4, 26/06/2024 15:10:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:30, 17/06/2024 GMT+7

CHÀO NHÉ YÊU THƯƠNG!

Ðôi chân

Bích Nguyệt
Thứ 2, 17/06/2024 | 09:30:11 2,098 lượt xem
BPO - Làng tôi ở phía bên kia đồi, cách xa thị trấn, những năm trước việc đi lại chẳng dễ dàng gì, lại thêm đồi núi bao quanh, thành thử giao thương buôn bán hay canh tác cũng khó khăn. Cho nên làng nghèo, nghèo đều. Những hộ dân trong làng vì thế gắn bó với nhau hơn, tình làng nghĩa xóm thêm đậm đà.

Khi tôi lên 5 tuổi, mẹ sanh bé Tâm. Cả nhà vui lắm, thằng bé ngoan, ai bế cũng được, vì vậy mẹ có thêm thời gian để nhận việc về nhà làm. Hai tháng sau, bạn thân của mẹ là cô Hòa sát bên nhà cũng sanh bé trai, đặt tên là Tình. Hai đứa nhỏ cứ vậy mà lớn lên cùng nhau.

Tâm và Tình quấn quýt, thân thiết lắm. Những tưởng tụi nhỏ sẽ khỏe mạnh, bình an lớn lên, trở thành trụ cột cho những người già trong làng. Nhưng một biến cố đã xảy ra với Tâm khi em mới 12 tuổi. Sau đợt sốt bại liệt, hai chân của Tâm không đi lại được nữa. Ba mẹ tôi bồng em đi khắp nơi chạy chữa, nhưng vì điều kiện khó khăn cộng thêm y học lúc bấy giờ chưa phát triển nên đôi chân thằng bé teo dần... Thấy ba mẹ buồn rầu, chính Tâm lại là người động viên: “Con không sao đâu”.

Thằng bé còn nhỏ tuổi mà hiểu chuyện đến lạ, em không hề khóc lóc hay tỏ vẻ khó chịu. Vì bị bệnh nên việc học của Tâm dời lại 1 năm. Ba mẹ tôi đã tính đến chuyện cho em nghỉ học luôn vì đặc thù công việc phải đi núi từ sớm nên không thể sắp xếp đưa Tâm đi học được, mà nghỉ việc thì 4 miệng ăn trong nhà biết làm thế nào. Nghe vậy, Tâm chỉ im lặng cúi mặt không nói gì.

Những ngày Tâm bị bệnh, Tình không rời nó nửa bước, còn ngủ lại bên nhà tôi nữa. Một hôm, Tình nói với ba tôi: “Chú Ba, Tâm muốn tiếp tục đi học, mà sợ chú Ba cõng đi cực nên không dám nói. Hay chú Ba xin cho Tâm đi học lại, hằng ngày con cõng nó, trường sát bên đây rồi, mệt khúc nào tụi con nghỉ khúc đó. Chứ không có thằng Tâm con cũng không muốn đi học nữa…”. Nói rồi Tình òa khóc nức nở.

Ba tôi nghẹn ngào xoa đầu thằng nhỏ. Cảm động trước tình bạn của hai đứa, ba tôi đồng ý. Từ đó, ngày qua ngày dù mưa hay nắng, chỉ trừ lúc ốm đau, còn lại Tình luôn bên cạnh làm đôi chân cõng Tâm đến trường. Hai đứa nhỏ đồng hành trong mọi hoạt động thường ngày, thậm chí còn cõng nhau đá bóng với những đứa trẻ trong làng. Tình đi chăn trâu cũng cõng theo Tâm ra bãi cỏ bên bờ đê ngồi trò chuyện. Hai đứa nhỏ bảo ban nhau học hành, đứa nào cũng học khá, giỏi…

Sau này, kinh tế - xã hội phát triển, người ta về làng xây khu công nghiệp, nhờ vậy đời sống người dân cũng khá dần lên. Ba tôi mua được chiếc xe máy 81 đầu tiên, ngày ngày chở Tâm và Tình đến cổng trường rồi hai đứa lại cõng nhau vào lớp.

Thời gian thấm thoắt trôi, hai cậu bé ngày nào đã trưởng thành, chuẩn bị thi tuyển vào đại học. Tình học lực nhỉnh hơn Tâm một chút, đáng lẽ chọn thi trường đại học bách khoa như ước mơ từ nhỏ, nhưng không hiểu sao “phút chót” Tình lại đổi lại thi vào cùng trường với Tâm. Thầy giáo chủ nhiệm ghé tận nhà, khuyên Tình nên học bách khoa sẽ có tương lai tốt hơn, nhưng Tình chỉ im lặng. Lúc này, ai cũng hiểu rằng, Tình sợ không ai lo cho Tâm, không ai cõng Tâm lên giảng đường.

Sau này, cả Tâm và Tình đều thi đậu đại học với kết quả khá cao. Tâm được nhà hảo tâm tặng chiếc xe lăn điện, nên việc di chuyển thuận tiện hơn rất nhiều. Câu chuyện của Tâm và Tình được mọi người trong làng lấy làm gương cho con cháu. Một câu chuyện thật đẹp về tình bạn!

  • Từ khóa
198997

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu