Thứ 7, 27/04/2024 13:57:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:41, 28/03/2024 GMT+7

Lợi thế phát triển văn hóa nổi trội

Trần Phương
Thứ 5, 28/03/2024 | 09:41:06 2,618 lượt xem
BPO - Hiếm địa bàn nào có điều kiện thuận lợi như các tỉnh Đông Nam Bộ: Núi cao hùng vĩ như núi Bà Đen ở Tây Ninh, núi Bà Rá ở Bình Phước; rừng nguyên sinh bạt ngàn như Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Bù Gia Mập; những hồ nước thơ mộng tuyệt đẹp như hồ Dầu Tiếng ở Bình Dương, hồ Trị An ở Đồng Nai; những bờ biển dài và đẹp nổi tiếng thế giới ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận; những đồi cát như trong truyện cổ tích ở Ninh Thuận. Bên cạnh đó là tháp Chàm ở Ninh Thuận - địa điểm tham quan thu hút khách du lịch nổi tiếng, gây ấn tượng bởi lối kiến trúc độc đáo, đặc trưng của người Chăm; Khu di tích Tà Thiết và Nhà giao tế ở Bình Phước - thủ đô cách mạng trong kháng chiến với nhiều dấu ấn lịch sử của dân tộc. Và có những công trình du lịch với nhiều kỷ lục được ghi, như ga Bà Đen được Tổ chức kỷ lục Guinness công nhận là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”, “Tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn nhất thế giới” trên đỉnh núi Bà Đen cảnh quan “đệ nhất thiên sơn”...

Tại hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam Bộ và sơ kết hợp tác phát triển du lịch của các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ diễn ra cuối tháng 12-2023, đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Năm 2023, vùng Đông Nam Bộ đón hơn 65 triệu lượt khách, chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước và tăng 18,55% so với năm 2022.

Nền tảng phát triển văn hóa phong phú

Số liệu đã dẫn cho thấy, Đông Nam Bộ nói chung, 7 địa phương trong Cụm thi đua các tỉnh Đông Nam Bộ nói riêng, là địa bàn thu hút khách du lịch lớn nhất cả nước. Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội, năm 2023, 7 địa phương trong cụm, gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước đã đạt được những kết quả vượt bậc. Kết quả thu hút khách du lịch là một điển hình.

Cây tung tại khoảnh 3 thuộc Tiểu khu 27, Vườn quốc gia Bù Gia Mập được công nhận Cây di sản Việt Nam - Ảnh: Ngọc Thảo

Những điều kiện thuận lợi và kết quả đó cũng là những nền tảng cho phát triển văn hóa - xã hội phong phú của cả vùng. Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước năm 2023, các tỉnh Đông Nam Bộ đã tiếp tục triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, một cách hiệu quả, sâu rộng ở các địa phương.

Song song đó, tổ chức và thực hiện tốt tuyên truyền cổ động trực quan nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, về an toàn giao thông và công tác phòng, chống dịch bệnh… Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức nhằm tạo không khí phấn khởi và phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong dịp lễ, tết. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên. Vận động viên của các tỉnh tham dự và đạt nhiều kết quả cao tại các giải quốc tế, khu vực và trong nước. Hoạt động du lịch có sự khởi sắc sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.  

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA - THỂ THAO TIÊU BIỂU NĂM 2023

Bình Phước tổ chức thành công Giải vô địch bóng chuyền U23 quốc gia và Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ I, năm 2023 để lại nhiều ấn tượng đẹp với hơn 5.000 vận động viên tham gia.

Bình Dương tổ chức trưng bày chuyên đề “Hình ảnh và hiện vật của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, giai đoạn 2006-2011”.

Ninh Thuận tổ chức lễ đón bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Bình Thuận tổ chức Cuộc thi tiếng hát truyền hình “Ngôi sao biển” lần thứ IV năm 2023 và khánh thành công trình Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ.

Đồng Nai tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa, du lịch và ẩm thực Đồng Nai năm 2023.

Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức lễ công bố quyết định Lễ hội Dinh Cô Long Hải là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tây Ninh tổ chức thành công Lễ hội Ẩm thực chay tỉnh Tây Ninh và công bố 2 quyết định công nhận “Nghệ thuật chế biến món ăn chay” và “Nghề làm muối ớt Tây Ninh” đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa

Khoa học và công nghệ (KH&CN) trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ số hóa, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn... đã và đang làm thay đổi sâu sắc nền sản xuất, kinh tế toàn cầu theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn với tốc độ phát triển nhanh chưa từng có. Đồng thời, đó cũng là điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa.

Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Trong ảnh: Cán bộ kiểm lâm của vườn sử dụng smartphone để kiểm tra hiện trạng rừng - Ảnh: Ngọc Thảo

Nắm bắt được vai trò đó, năm 2023, trong lĩnh vực KH&CN, các tỉnh Đông Nam Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, sáng kiến KH&CN được tiến hành theo đúng trình tự quy định và phát huy hiệu quả. Song song đó, triển khai ký kết hợp đồng thực hiện đối với các đề tài, sáng kiến sau khi được nghiệm thu, phê duyệt, đồng thời chuyển giao quyền sử dụng kết quả đối với các đề tài, sáng kiến cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Các tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ tổ chức, cá nhân áp dụng KH&CN vào lao động, sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển công nghệ 4.0, trích lập quỹ phát triển KH&CN để phát triển bền vững. Nhiều đề án, đề tài khoa học được hội đồng khoa học các tỉnh nghiệm thu, đưa vào ứng dụng thực tiễn và mang lại hiệu quả. Điển hình như: Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Bình Dương triển khai thực hiện đề án “Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2023-2025”. Bình Phước đã chuyển giao quyền sử dụng 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh cho các sở, ngành đưa vào sử dụng. Bình Thuận thực hiện “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2023”. Đồng Nai tổ chức “Chợ công nghệ - thiết bị và thương mại - Techmart DongNai 2023” với sự tham dự của 100 gian hàng thuộc 84 đơn vị tham gia, cập nhật 1.550 công nghệ thiết bị trên sàn giao dịch trực tuyến. Ninh Thuận tiếp tục triển khai, nghiệm thu 32 nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp. Tây Ninh tổ chức lễ tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu”, “Điển hình lao động sáng tạo”, “Tài năng trẻ khoa học và công nghệ” tỉnh Tây Ninh lần thứ nhất năm 2023.

Trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, du lịch - văn hóa và KH&CN ngày càng giữ vai trò lớn hơn trong quá trình phát triển. Các tỉnh Đông Nam Bộ cũng đang đi theo lộ trình đó, thực hiện đúng chủ trương vai trò của KH&CN là “quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” như nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra.

  • Từ khóa
193000

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu