Thứ 7, 27/04/2024 17:27:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:26, 28/03/2024 GMT+7

CHÀO NHÉ YÊU THƯƠNG!

Người bạn tâm giao

Nghĩa Hành
Thứ 5, 28/03/2024 | 09:26:02 3,861 lượt xem
BPO - Từ khi tôi biết chuyện đã thấy chú Sáu thường đến chơi nhà. Chú Sáu là hàng xóm, cũng là bạn vong niên của cha tôi. Hai người thân nhau từ thời còn đi giữ trâu, uống nước lung ngoài đồng.

Nhà chú Sáu khó khăn, nhà tôi cũng chẳng hơn gì. Cái thời còn nhà tranh mái lá xập xệ, cứ qua hai mùa mưa, nắng là phải sửa lại nhà, cha và chú Sáu luôn vần công qua lại đến lợp nhà cho nhau. Mỗi lần nhà người này có hữu sự là người kia luôn túc trực giúp đỡ.

Nhà cách nhau khoảng 1km, nhưng sáng sáng chú Sáu lại thả bộ đến nhà để uống nước trà với cha tôi. Bữa nào chú Sáu không tới thì cha cũng lạch tạch đi xe xuống. Mỗi lần ngồi với nhau là hai người lại sôi nổi nói chuyện vườn tược, ruộng nương. Cứ ngày qua ngày như vậy nhưng không bao giờ thấy chán.

Nhà gần, phụ huynh lại là bạn bè thân thiết, đến tuổi dựng vợ gả chồng, đôi bên có ý tác hợp tôi và Linh (con gái chú Sáu) trở thành một cặp để hai gia đình càng trở nên gắn bó hơn. Nhưng đó là ý của cha mẹ, còn tôi và Linh thì hoàn toàn không có tình cảm dành cho nhau.

Chú Sáu có nghề may dớn, đặt dớn bắt cá. Cứ mỗi năm đến mùa nước nổi là chú lại xuống dớn đánh bắt mang về thu nhập đủ cho gia đình chi dùng, thậm chí còn có của để dành. Nhưng nghề làm dớn cần sự khéo tay và bí quyết đăng đặt ở từng địa hình trên ruộng, dưới sông để làm sao đón được luồng cá.

Hồi ấy nhà ít đất ruộng, chị gái tôi ra thành phố học đại học, cha mẹ phải vất vả bươn chải nhiều. Một ngày, chú Sáu mở lời chia sẻ bí quyết làm dớn cá để gia đình tôi có nguồn kinh tế trang trải cuộc sống. Vậy là cha tôi chỉ xuất đồng vốn mua lưới. Chú Sáu cùng người con trai của chú mỗi ngày đến nhà may dớn, hướng dẫn gia đình tôi mọi lẽ, không giấu giếm gì. Thấy tôi có vẻ ngại ngùng, nhiều lần có ý tránh, chú Sáu vỗ vai: “Bây với con Linh không có duyên nợ thì thôi. Tao với cha bây vẫn là bạn”.

Nhờ cái nghề chú Sáu truyền cho mà trong giai đoạn khó khăn, chật vật nhất, gia đình tôi có đồng ra đồng vào, nuôi được chị tôi ăn học nên người. Với chúng tôi, chú Sáu như người ơn, sẵn lòng giúp đỡ, truyền lại ngón nghề cho cha tôi mà không hề so đo, tính toán. Cho đến tận bây giờ, dù không còn làm nghề dớn cá, cha tôi thi thoảng vẫn nhắc lại cho chúng tôi nghe chuyện cũ để các con đều ghi khắc trong lòng.

Cha bảo: “Người giúp đỡ mình trong lúc khó khăn xứng đáng là bạn ta suốt đời”. Sau mấy chục năm vần vũ, tình bạn giữa cha và chú Sáu vẫn bền chặt cùng tháng ngày dù cho thế cuộc đã nhiều phen thay đổi. Tôi thật tình vô cùng ngưỡng mộ mối giao tình giữa hai người đàn ông gắn kết từ thuở hoa niên cho đến bây giờ đã tóc bạc, da mồi.

Tuổi cao, giờ sức khỏe không còn như trước, nhưng cứ lâu lâu vắng hơi là hai người bạn già lại lặn lội thăm nhau, cùng uống nước trà. Vẫn những câu chuyện vặt vãnh ngày này qua tháng khác, nhưng tôi lại thấy hai người vẫn giữ được sự hăng say, lòng quan tâm trước những câu chuyện của nhau. Quý giá nhất có lẽ là tìm được một người bạn tri kỷ như vậy, có thể tâm sự cùng nhau, nghe nhau nói những điều lặp đi lặp lại mà vẫn chưa bao giờ thấy chán. 

Chú Sáu giờ đã trở nên thân thuộc đến nỗi mỗi lần thấy dáng chú thả bộ từ đằng xa là vợ tôi đã súc bình pha trà. Chúng ta chắc hẳn ai cũng mong ước có một người bạn tâm giao như vậy. Giản đơn mà bền bỉ với thời gian.

  • Từ khóa
192999

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu