Thứ 7, 27/04/2024 16:19:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:25, 19/03/2024 GMT+7

Trải nghiệm dinh Thầy Thím

Vũ Thuyên
Thứ 3, 19/03/2024 | 09:25:19 4,653 lượt xem
BPO - Dinh Thầy Thím được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997, tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây không chỉ là địa chỉ tín ngưỡng thờ cúng linh thiêng của du khách thập phương mà còn là nơi khám phá du lịch, lịch sử mỗi khi du khách đến vùng đất này. Mỗi ngày thu hút số lượng lớn khách thập phương đến tham quan, chiêm bái, khám phá văn hóa tâm linh, tuy nhiên lợi dụng sự tín ngưỡng đó, tại dinh Thầy Thím xuất hiện hàng chục người xin ăn, tạo hình ảnh không đẹp, gây bức xúc, khó chịu với du khách.

Sự tích Thầy - Thím

Theo truyền thuyết, ngày xưa ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, rất được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xét xử oan nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn.

Tam Tân, một làng quê xa xôi trù phú, trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây, những truyền thuyết đức độ của vợ chồng đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là “Thầy - Thím”.

Dinh Thầy Thím

Thầy sinh vào những năm đầu của triều đại Gia Long, cần mẫn dùi mài kinh sử, tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời. Việc lớn chưa thành thì thầy gặp đại tang, cha mẹ đột ngột qua đời. Là người con hiếu thảo, thầy ở lại quê nhà cùng vợ chịu tang cha mẹ.

Làng quê thầy - thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đời sống người dân cơ cực. Thầy lập đàn khấn nguyện, trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển, mưa như trút nước, cỏ cây hồi sinh. Từ đó, thầy nổi danh là đạo sĩ dùng phép thuật cứu giúp dân lành.

Trong một ngày hội đầu năm, dân làng mơ ước có một ngôi đình khang trang để thờ phụng Thành Hoàng. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành kính với thần linh, đêm hôm ấy gió mưa dữ dội báo trước một điềm lạ. Quả nhiên, khi trời yên, gió lặng, mọi người thấy ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng. Dân làng vui mừng chưa được bao lâu thì làng bên báo về triều, tố cáo thầy dùng phép thuật đánh cắp đình, âm mưu gây bạo loạn.

Du khách dâng lễ vật cảm tạ ban phước của thầy - thím

Nhà vua nghiêm trị thầy lãnh án “Tam ban triều điển” (xử trảm, uống thuốc độc hoặc thắt cổ). Thầy chọn hình thức sau cùng, kỳ lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay thầy bỗng trở nên có sức sống kỳ lạ, lụa biến thành rồng nâng thầy - thím bay bổng lên không trung. Khi bay qua quê nhà, thím làm rơi chiếc hài như một lời nhắn từ biệt, rồi theo lụa rồng bay về phương Nam.

Thầy - thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) dưới lớp áo của người quê đến ở trọ nhà ông Hộ Hai, làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Có điều lạ là bên mình thầy lúc nào cũng có quả bầu khô, người ta nói thầy có phép “sái đậu thành binh” (gieo đậu thành binh lính).

 Du khách dâng nhiều lễ vật cảm tạ ban phước của Thầy Thím

Một hôm, thầy vội vã vào rừng mà quên mang quả bầu theo, chủ nhà tò mò lấy ra xem, bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, thầy - thím vào ở hẳn trong rừng sâu Bàu Cái. Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân.

Mặc dù quanh khu rừng cả ngày vang lên tiếng đẵn gỗ, đục đẽo nhưng chưa ai thấy người giúp việc của thầy. Từ nơi cánh rừng, thầy đóng ghe ra đến biển dài 3km, có mạch nước nhỏ đổ ra biển, tương truyền đó là dòng nước thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển, gọi là đường lướt ván. Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo; cứu dân chài trong cơn sóng to, gió dữ; cảm hóa thú rừng là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã. 

Rồi đến một ngày mùa thu, được tin thầy - thím qua đời, dân làng vội vã vào rừng thì thấy 2 ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú dữ vun đắp ở gần nơi thầy - thím tạ thế. Hằng năm, cứ đến mồng 5 tháng Giêng có đôi bạch hổ, hắc hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục canh gác ngôi mộ. Khi bạch hổ, hắc hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau mộ thầy - thím để tưởng nhớ hai con vật tận trung. 

Tỏ lòng nhớ ơn công đức thầy - thím, nhân dân chung sức lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái. Ngày 15-9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu thầy - thím, nghĩa cử thầy - thím được dân gian lưu truyền. Thế nên, đến đời Thành Thái thứ 18, nhà vua đã xem lại án xử trước đây và ban sắc phong cho thầy - thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

Và những hình ảnh “chướng mắt”

Hằng năm, dinh Thầy Thím có 2 ngày lễ lớn: Lễ tảo mộ, nhằm mồng 5 tháng Giêng và lễ tế thu, từ ngày 14 đến 16-9 âm lịch. Thời gian này, dinh Thầy Thím đón hàng ngàn lượt khách hành hương về chiêm bái. Ngoài ra, hằng ngày khách thập phương tới đây cầu an lành, tài lộc, tạ lễ để cảm tạ ban phước của thầy - thím.

 Tại cổng dinh Thầy Thím có hàng chục người hành nghề xin ăn, vây quanh du khách khiến mọi người rất bức bối, khó chịu  Mỗi đối tượng "hành nghề" xin ăn đều cầm trên tay chiếc nón lá

 Chim hoang dã được bày bán công khai tại cổng ra vào dinh Thầy Thím

Lợi dụng tín ngưỡng này, tại cổng ra - vào dinh Thầy Thím có hàng chục người đến xin ăn. Theo ghi nhận, phần lớn người xin ăn đều khỏe mạnh, độ tuổi trên dưới 50, mỗi người cầm một chiếc nón lá “hành nghề”. Số lượng đông nên gặp ai cũng ngả nón xin tiền, mỗi khi gặp được người hảo tâm, cả nhóm vây quanh nài nỉ khiến du khách bực bội, rất khó chịu. Cùng với hoạt động xin ăn, khu trước cổng còn bày bán chim hoang dã phục vụ nhu cầu phóng sinh của du khách. Đây là hành động tiếp tay cho các đối tượng săn, bẫy bắt chim hoang dã trái pháp luật.

Để dinh Thầy Thím luôn là nơi thu hút đông du khách đến thờ cúng linh thiêng, khám phá văn hóa tâm linh thì hoạt động xin ăn, bày bán chim hoang dã cần được nghiêm cấm triệt để, xứng tầm với khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

  • Từ khóa
192140

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu