Thứ 5, 09/05/2024 13:57:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 04:48, 05/02/2024 GMT+7

Nét đẹp khai bút đầu xuân

Vân Anh
Thứ 2, 05/02/2024 | 04:48:44 5,627 lượt xem
BPO - Có một nét văn hóa được truyền lại qua nhiều thế hệ, không chỉ thể hiện những lời chúc an lành, khai thông con đường học vấn, sự nghiệp, đó còn như một cách kế thừa truyền thống và giáo dục thế hệ mai sau về tinh thần hiếu học, chăm chỉ cũng như không ngừng vươn lên dù có khó khăn của ông cha ta. Đó là tục khai bút đầu xuân.

Giá trị còn mãi

Khai bút hay còn được dân gian gọi là chắp bút đầu xuân, chính là việc chúng ta viết những nét bút đầu tiên vào dịp năm mới. Những câu chữ giữa thời khắc chuyển giao ấy luôn chứa đựng mong muốn, nguyện cầu điều tốt lành.

Về nguồn gốc khai bút đầu xuân, theo sử sách, tục này gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An (1292-1370), người từng thi đậu kỳ thi Thái học sinh dưới thời nhà Trần. Ông không chọn ở lại làm quan mà về quê gắn bó với công việc đèn sách. Sau này, ông được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử và phò giúp vua. Đến thời vua Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, ông khuyên can vua và dâng “thất trảm sớ” nhưng đều bất thành. Ông cáo quan về núi Phượng Hoàng ở ẩn, dạy học, viết sách và tìm thuốc chữa bệnh cho dân.

Dịp tết đến, xuân về, đâu đó trên phố phường, chúng ta dễ dàng bắt gặp những “ông đồ” cho chữ ngày xuân - Ảnh: Cẩm Liên

Tương truyền, khi về núi Phượng Hoàng ở ẩn và dạy học, mỗi lần học trò về thăm, thầy đều trò chuyện, hỏi han rồi tự tay viết tặng mỗi người một chữ để khích lệ học trò phấn đấu. Ai được tặng chữ đều vô cùng quý trọng, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm… Từ đó tục khai bút được lưu truyền trong giới học sĩ, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, sự thành kính của học trò đối với người thầy.

Danh nhân sinh năm Nhâm Thìn (1292) - Chu Văn An là tấm gương sáng ngời về đạo đức, là “vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời. Ngày nay, tại đền thờ nhà giáo Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng, phường Văn An, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương, dịp đầu năm mới đều diễn ra lễ khai bút đầu xuân. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa thể hiện truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và lòng thành kính của hậu thế với các bậc tiền nhân, đề cao sự học, trọng trí tuệ của dân tộc Việt.

Tiếp nối mạch nguồn truyền thống

Lễ khai bút của người xưa thường được thực hiện sau thời khắc giao thừa. Họ thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và khai bút trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều. Mỗi người đều thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.

Khai bút đầu xuân là phong tục đẹp, mang chiều sâu ý nghĩa nhân văn trong truyền thống văn hóa Việt. Theo thời gian, tục khai bút đã có nhiều nét đổi thay. Tuy không phải là nghi lễ bắt buộc trong ngày tết nhưng ngày nay, tục khai bút vẫn rất được coi trọng và luôn thể hiện được giá trị riêng có. Dịp tết đến, xuân về, đâu đó trên phố phường ta vẫn dễ dàng bắt gặp những “ông đồ” cho chữ ngày xuân. Hình ảnh của mực tàu, giấy đỏ làm thắm nét xuân, hồn tết trên từng con chữ.

Tục khai bút đầu xuân, xưa các ông đồ, nhà nho, bậc trí thức trọng đề thơ văn, câu đối... Ngày nay, nghi thức này đã trở nên phổ biến hơn. Từ các em học sinh, nhà văn, nhà thơ và những người làm nghề viết lách, hay cả người dân bình thường muốn dành tặng bản thân hoặc bạn bè lời chúc tốt đẹp… đều có thể chọn ngày đầu xuân để khai bút. Ai cũng muốn mở đầu năm mới bằng những lời hay, ý đẹp. Khai bút không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về năm mới hanh thông, hạnh phúc và thành công. Nội dung và hình thức tuy có khác đi nhưng truyền thống hiếu học vẫn luôn được đề cao, mang giá trị tinh thần to lớn.

“Ngay từ thuở nhỏ, dịp tết, xuân về, ông bà, cha mẹ thường nhắc nhở chúng tôi chọn một ngày đẹp trong 3 ngày tết, giở bài vở ra đọc và viết vài chữ “khai bút” với mong muốn việc học hành trong năm mới tiến bộ. Sau này lớn lên, anh em tôi vẫn duy trì nét đẹp truyền thống này. Không còn là bài vở, chúng tôi thường chọn ghi những câu chúc trong bức thiệp để trao tặng người thân, như một lời chúc, mong ước xuân mới sum vầy, hạnh phúc và thành công” - anh Lưu Đức Dũng, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài chia sẻ.

Bên cạnh những câu chúc gửi tặng người thân, nhiều người thường chọn ngày đẹp trong dịp tết viết đôi ba câu châm ngôn hoặc câu đối, vài dòng thơ, đôi dòng tự sự hay những điều chiêm nghiệm trong năm cũ để lòng tĩnh lại và hướng đến năm mới “vạn sự như ý”.

Khai bút nên viết gì?

Dòng chữ đầu tiên của năm mới thường thể hiện mong muốn, ý nguyện của bản thân, lời chúc may mắn, tốt lành đến với người thân, bạn bè… Chúng ta có thể lựa chọn rất nhiều nội dung khác nhau như câu đối, danh ngôn, lời chúc tết. Phổ biến có thể kể đến như: Vạn sự như ý; Tấn tài tấn lộc; An khang thịnh vượng; Công thành danh toại; Đức tài như ý; Đại phú đại quý; Phúc lộc an khang; Năm mới, công việc như ý, giàu sang phú quý; Chúc tết đến trăm điều như ý - Mừng xuân sang vạn sự thành công; Xuân an khang thịnh vượng - Niên phúc thọ miên trường; Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc - Tết về cây đức trổ thêm hoa; Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc - Đời vui, sức khỏe, tết an khang…

Tuy nhiên, điều tối kỵ trong khai bút đầu năm là viết sai chính tả, viết không hết câu, rõ nghĩa… Vì vậy, hãy chuẩn bị sẵn nội dung bạn muốn viết, không nên vừa viết vừa nghĩ để tránh nhầm lẫn. Đối với những câu đối, lời chúc, cần mang tính chính xác cao. Hạn chế việc tẩy xóa để quá trình khai bút được liền mạch, trơn tru. Việc khai bút xuất phát từ cái tâm của mỗi người, viết lên điều bạn mong muốn một cách cẩn thận, chỉn chu là được.

Khai bút đầu xuân Giáp Thìn 2024 ngày nào tốt? Theo lịch vạn niên, ngày đẹp để khai bút năm 2024 là mùng 2, mùng 4, mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng. Bạn có thể tham khảo để tục khai bút đầu xuân thêm ý nghĩa.

Gần 8 thế kỷ đã trôi qua kể từ khi xuất hiện, tục khai bút đầu xuân không những được gìn giữ mà còn phát triển trở thành nét văn hóa mang biểu tượng thành kính không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về của nhiều thế hệ Việt.

  • Từ khóa
188740

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu