Thứ 5, 09/05/2024 12:27:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:34, 14/02/2024 GMT+7

MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

Nhạc sĩ Dương Thụ và cảm xúc mùa xuân

Thanh Thúy
Thứ 4, 14/02/2024 | 08:34:16 4,708 lượt xem
BPO - Bước qua tuổi 82 của cuộc đời nhưng nhạc sĩ Dương Thụ vẫn tràn đầy năng lượng và sự lạc quan. Đó chính là điều cần thiết để ông thêm sống vui, sống khỏe, viết tiếp giấc mơ âm nhạc của đời mình.

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, trong các chương trình âm nhạc lớn, nhỏ trên tivi hay chương trình biểu diễn tại các sân khấu, hầu như không thiếu vắng những ca khúc về mùa xuân của nhạc sĩ Dương Thụ, như: “Bài hát ru mùa xuân”, “Hơi thở mùa xuân”, “Lắng nghe mùa xuân về”, “Đánh thức tầm xuân”... Đó là những bài hát mà ông gọi là “tức cảnh sinh tình” nên có nhiều kỷ niệm khó quên.

Có những mùa xuân rất khác…

Nhạc sĩ Dương Thụ cho biết, từ nhỏ ông đã nghe nhạc cổ điển và rất thích các bài hát ru. “Bài hát ru mùa xuân” ra đời khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường và lúc đó anh ruột của ông vừa đón đứa con đầu tiên. “À! hỡi ru! Con ngủ. Mùa xuân đầu tiên rất hiền từ”. Ông lý giải, lúc đứa bé mới chào đời vẫn còn nằm trong nôi nên mọi thứ được bảo bọc, ôm ấp. Còn những mùa xuân sau đứa trẻ bắt đầu chập chững tập đi thì sẽ bị ngã và đối diện với mọi điều có thể đến. “Khi biết đi thì mô đất cũng chống lại đứa bé, có thể vấp ngã bất cứ lúc nào. Càng lớn lên mọi thứ sẽ không còn hiền với mình nên mùa xuân đầu tiên của đời người sẽ dịu dàng, hiền từ. Tôi ước mùa xuân đầu tiên kéo dài mãi mãi” - nhạc sĩ Dương Thụ hài hước.

Còn với bài hát “Hơi thở mùa xuân” được ông sáng tác từ những năm 1980 khi đã vào TP. Hồ Chí Minh. Trong ông luôn có những giấc mơ để rồi viết lên giấc mơ thật đẹp trong âm nhạc: “Cho anh nắm tay em”, “Cho anh khát khao em”… Thoạt nghe, cứ ngỡ “em” là một cô gái xinh đẹp nào đó nhưng theo nhạc sĩ, “em” không phải cô gái cụ thể nào mà là giấc mơ trong cuộc sống.

Nhạc sĩ Dương Thụ đã viết bài “Tóc ngắn” cho ca sĩ Mỹ Linh

Cũng với bài “Hơi thở mùa xuân”, một bước ngoặt đã giúp ông thoát ra khỏi sự tự ti và mở lòng hơn với các nghệ sĩ. Khi đó, Giáo sư Thế Bảo giới thiệu ca sĩ Lệ Quyên (SN 1959, được mệnh danh Nữ hoàng nhạc nhẹ thập niên 1980) đến gặp ông. Khi nghe nữ ca sĩ muốn xin bài hát ông sáng tác để hát, sau một hồi đắn đo, ông quyết định đưa bài “Hơi thở mùa xuân” cho cô. Lệ Quyên mang bài hát đi dự thi âm nhạc quốc tế và hát cùng Ái Vân (hát bè). Sau đó, Lệ Quyên đã gửi bưu thiếp về cho ông và ghi dòng chữ bên ngoài: “Em đã khóc sau khi hát bài của anh”. Đó là một kỷ niệm khó quên đối với nhạc sĩ Dương Thụ. Điều đó cũng giúp ông tin hơn vào bản thân, về sau đã đưa bài cho các ca sĩ hát. 

Các ca sĩ từ trái qua: Mỹ Linh, Hồng Nhung, NSƯT Thanh Lam thành công với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Dương Thụ

Còn nói về ca khúc “Đánh thức tầm xuân” được sáng tác ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bắt đầu với những câu hát: “Một ngày nắng, một ngày xanh nắng. Đóa tầm xuân vẫn ngủ trong hoang dại”, như bật ra bởi tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ trước cái đẹp. Khi đó, Hội Văn nghệ Đà Lạt mời ông lên tham gia thực tế sáng tác và ông nghỉ lại ở trại sáng tác. Với ông, sáng hôm đó đặc biệt hơn những buổi sáng khác, ông mở cửa và cảm nhận có gì đó rất lạ khiến ông xúc động. Ông trầm ngâm: Không phải sáng nào tôi cũng có tâm trạng như thế, chỉ có hôm đó rất đặc biệt. Nhạy cảm trước sự thay đổi của thời tiết, cảnh vật, đó chính là điều đặc biệt ở người làm nghệ thuật. Vì sáng sớm nên hoa tầm xuân vẫn còn khép cánh chưa mở, tôi giục lắm mong hoa tầm xuân phải thức dậy, hãy mở cánh ra. “Thức dậy đi, đóa tầm xuân thơ ngây của tôi”. Và “Đánh thức tầm xuân” chính là đánh thức tâm hồn tôi.  

“Lắng nghe mùa xuân về” đánh dấu bước chuyển trong tôi

Viết ít ca khúc về chủ đề mùa xuân, nhưng ca khúc nào cũng để lại trong ông nhiều cảm xúc và kỷ niệm, đặc biệt là bài “Lắng nghe mùa xuân về”. 

Ông kể: Cuối năm 1982, đầu năm 1983, lúc này tôi xa quê đã 5 năm và sống trong căn nhà cấp 4 ở hẻm đường Thánh Mẫu, khu ông Tạ (quận Tân Bình ngày nay). Tết đến với một người xa nhà, xa quê cuộn lên bao nỗi niềm thương nhớ. Tôi nghe tiếng pháo, tiếng còi tàu từ dưới cảng Sài Gòn réo lên. Âm thanh đối với một người làm nhạc rất quan trọng, nó khiến tôi xúc động cực kỳ. Xa quê, xa bạn bè 2.000km cộng với việc tôi chưa quen cuộc sống Sài Gòn nên rất buồn. Nhưng mỗi khi buồn thì cứ như có một sức mạnh để cứu lấy mình và tôi có một giấc mơ. “Kìa tiếng chim rộn hót xa vời/ Cánh hoa đào bỗng như cười, báo tin mùa xuân về/ Kìa bóng đêm mùa cũ đâu rồi, với em chỉ thấy xanh ngời, lá hoa mùa xuân tươi/ Kìa em tới”.

“Nhưng thật ra có ai đến đâu. Một con hẻm trống vắng, chỉ có 1 cụ già với cây đàn. Tự mình tưởng tượng ra để trấn an mình nhưng với tôi đó là một thái độ sống tích cực. Chúng ta nên lắng nghe mùa xuân về chứ không nên lắng nghe những tai họa ập đến đời mình, bởi vì nó “cứu” chúng ta để chúng ta tiếp tục sống” - nhạc sĩ Dương Thụ nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Dương Thụ trong một buổi nói chuyện tại chương trình Cà phê thứ Bảy

Ông tiếp tục câu chuyện: Năm 1982, nhạc sĩ Quốc Dũng (hoạt động chung ban nhạc) đề nghị phải có bài về mùa xuân và động viên tôi đưa bài để tập luyện. Tôi đưa nhưng nghĩ bài mình dở họ sẽ không sử dụng. Đến hôm tập tôi hồi hộp vẫn chưa dám nghe, thậm chí nhiều người hỏi có phải sáng tác của tôi không nhưng tôi không nhận. Cho đến khi ca sĩ thể hiện là Trang Kim Yến vừa hát xong bước ra và nói: “Bài anh hát nghe “đã” lắm!”, tôi nghĩ dân Sài Gòn nói “đã” chắc là ổn nên mới vững tin. Nhạc sĩ Quốc Dũng cũng khen “nghe lạ tai” khi tôi hỏi. 

“Tôi nghĩ một ca sĩ nổi tiếng như Trang Kim Yến, một nhạc sĩ gạo cội như Quốc Dũng nói bài tôi được nên cũng thấy yên tâm. Đêm đầu tiên diễn bài của mình tôi rất ngại nhưng không ngờ đã nhận được những tràng pháo tay của khán giả. Đó là lần đầu tiên tôi giao duyên với cuộc đời, giữa tôi với người nghe. Lần đầu tiên tôi thấy cuộc đời không đến nỗi như mình nghĩ, tôi không còn xa cách với mọi người. Những gì mình yêu quý khán giả có thể cảm nhận được. Cảm ơn tiếng vỗ tay của họ khiến tôi tự tin hơn. Hơn nữa, tôi cảm nhận được tình bạn bè giữa các nghệ sĩ khi họ hát nhạc mình. Đó là niềm hạnh phúc rất lớn. Đó là bước chuyển rất lớn. “Lắng nghe mùa xuân về” đánh dấu bước chuyển đó” - nhạc sĩ Dương Thụ trải lòng.

Bộ tứ sông Hồng từ trái qua: Nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương (đã qua đời)

Chưa bao giờ nhận mình là người nổi tiếng hay chủ động giới thiệu bài mình trong các chương trình âm nhạc lớn nhỏ - nhạc sĩ Dương Thụ là vậy. Dù được giới mộ điệu, người trong nghề kính trọng nhưng ông vẫn chọn cho mình sự bình dị trong cuộc sống, âm thầm viết những khúc nhạc hay cho đời và tiếp tục những công việc nghệ thuật mà ông đang theo đuổi.

Giao thừa làm chúng ta nhớ tới tuổi của mình ngày xưa. Các bạn thêm 1 tuổi thì lớn lên, tôi thêm 1 tuổi thì già đi. Nhưng tôi là người sống tích cực. Tôi hy vọng mình có sức khỏe nhiều hơn để làm những việc mình đang làm như: Chương trình Salon văn hóa cà phê thứ Bảy, Ký ức nhạc Việt; riêng chương trình 80 năm 1 giấc mơ, đến nay tôi sắp bước qua tuổi 82 nhưng vẫn chưa thực hiện được. Ðó là giấc mơ ngày cận tết, tôi mong sẽ thực hiện được giấc mơ của đời mình...

Nhạc sĩ Dương Thụ


  • Từ khóa
188260

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu