Thứ 5, 09/05/2024 18:54:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:43, 14/02/2024 GMT+7

MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN GIÁP THÌN 2024

Nhớ mùi hạt điều mẹ nướng

Huỳnh Nguyên
Thứ 4, 14/02/2024 | 15:43:54 5,148 lượt xem
BPO - Vào những năm nhuận, mùa thu hoạch điều rơi vào cận tết, vì vậy ba mẹ tôi đều ăn tết ngoài vườn điều. Năm đó, mẹ tôi tính thời gian, chần chừ chờ ngày mai thu hoạch, bán ít hạt điều lấy tiền đi đẻ, nhưng nào ngờ bà “đẻ rớt” tôi ngay dưới gốc cây điều trước sân nhà. May mắn, ba tôi là kỹ sư nông nghiệp, rành việc đỡ đẻ cho trâu, bò… nên ông cũng biết cách làm cho mẹ tròn con vuông.

Xanh tươi miền đất đỏ

Ba kể: Gia đình tôi được chính quyền địa phương xếp vào diện “di cư tự do” đến Bù Gia Mập, Sông Bé vào mùa mưa năm 1979. Khi ấy, ba mẹ tôi dựa vào sự giúp đỡ của bà con đến trước, “phá rừng làm rẫy” trồng các loại rau, bầu, bí, lúa, bắp, khoai làm lương thực, lấy ngắn nuôi dài. Cây điều đầu tiên được ba tôi trồng là vào lúc Nhà nước thực hiện chính sách định canh, định cư và trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của bà con trong vùng.

Tuổi thơ của tôi tưng bừng bên cây điều cổ thụ, tán lá che mát hết khoảng sân nhà. Ba tôi nói, nó là cây điều mẹ đầu dòng giống địa phương Bình Phước rất quý, do ông trồng từ năm 1980. Cây điều có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống điều khác, có khả năng chống chịu thời tiết bất lợi, kháng sâu bệnh rất tốt, năng suất luôn ổn định, hạt to nặng, nhân chất lượng đạt tiêu chuẩn.

Đến mùa thu hoạch điều, tôi cùng tụi con nít trong xóm theo ba mẹ ra vườn, mang tiếng là phụ giúp nhưng chơi là chủ yếu. Tôi thích trèo lên cây điều, rung cho trái chín rụng xuống và khoe giọng hát cho gió cuốn vang thật xa: “Cây ba trồng sống lâu ơi thiệt là lâu… nhựa hạt điều dính vào là rách áo”.

Công đoạn thu hoạch điều được xem là đơn giản nhưng khá vất vả. Thường thì ba tôi sẽ hái, tôi đi lượm gom lại cho mẹ vặn hạt điều ra khỏi trái. Mẹ tôi đốt lửa bằng những cành điều khô, vừa đuổi muỗi vừa vùi vào than hồng những hạt điều đầu mùa tươi rói. Khói bay lên, cuồn cuộn dưới tán điều, hòa với ngọn gió xuân lồng lộng, lan tỏa hương thơm khó quên. Thơm, nóng, bùi, béo, tôi vừa thổi vừa ăn, thiệt ngon… vị ngon của đất đỏ quê hương, mùi hương của mẹ ấm áp thân thương…

Đậm tình hương vị quê hương

Mẹ kể, tôi sinh ra vào thời điểm vườn điều cho trái bói vụ đầu tiên. Những năm đó đói kém, phải ăn củ mì, bắp độn cơm, khi thiếu sữa, mẹ nấu sữa hạt điều cho tôi uống. Không biết có phải vì món sữa thơm béo, bổ dưỡng đó mà tôi mau lớn, khỏe mạnh và có phần xinh đẹp. Bạn bè ở trường đại học mỗi khi được mời ăn hạt điều, thường ghẹo tôi có làn da mịn màng, vòng ba như trái điều, vòng hai như hạt điều, một vòng còn lại chắc chắn là có món sữa hạt điều thơm ngon, bổ dưỡng do chính tay mẹ nấu. Thiệt vui…

Ba tôi và bác Tám hàng xóm rất khoái lai rai với “mồi” trái điều, hạt điều trộn gỏi khô cá sặc, cá lóc do mẹ tôi chế biến. Cùng chung chí hướng nên hai bạn già say mê không dứt với ý tưởng trồng điều hữu cơ năng suất cao, cân nhắc việc trồng xen cây hồ tiêu, cây ca cao, cà phê, nuôi gà, vịt hay heo rừng lai trong vườn điều để tăng thu nhập.

Mẹ tôi là chuyên gia ẩm thực với trái điều, khi kho với cá thì phải chọn trái điều chưa quá chín, cần vắt cho khô nước mới ngon. Nấu canh chua chủ yếu lấy vị ngọt, mùi thơm. Lá điều, trái điều làm rau ghém cuốn bánh tráng với thịt thì quá ngon. Các món chế biến từ hạt điều thì không kể hết. Từ bánh chưng, bánh tét, bánh ú mấy ngày tết. Chè, cháo, cà ri, la gu mấy ngày giỗ, lễ, đều có hạt điều. Nhưng “tuyệt chiêu” thu hút khách hàng của mẹ vẫn là món hạt điều rang muối đã có tên tuổi hơn 40 năm. Nguyên liệu được lựa chọn kỹ phải là hạt điều được trồng trên đất Bình Phước. Tỷ lệ muối và hạt điều được cân đối. Loại củi sử dụng chính là thân cây điều mới đảm bảo nhiệt độ trong quá trình rang. Kỹ thuật rang là khâu quyết định để cho ra sản phẩm có mùi thơm đặc trưng, vàng ươm, giòn rụm, kết hợp với vị mặn của muối thấm đều vào nhân, giúp tăng thêm vị đậm đà, bùi béo, càng ăn càng ghiền.

Thương hoài điều ơi!

Gần 50 năm “xưng vương” trên vùng đất được mệnh danh là vương quốc điều, cây điều cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, diện tích nay đã giảm nhiều so với 20 năm trước.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chế biến hạt điều cũng trải qua bao lần thất bại trên thương trường, thậm chí phá sản vì hạt điều. Trên tất cả những khó khăn đó, cây điều vẫn vượt qua và khẳng định giá trị. Cây điều giờ đã là cây công nghiệp đa mục đích, chủ lực và mang tính chiến lược của tỉnh Bình Phước, xuất khẩu đến 59 thị trường trên thế giới và hướng đến giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD… Đặc biệt, nhiều sản phẩm từ hạt điều của Bình Phước đã được chứng nhận OCOP 5 sao, được đánh giá là ngon nhất thế giới, mang nhiều hương vị độc đáo như điều phô mai, điều tỏi ớt, điều Yum Thái, điều chanh muối, bánh Cashewpie...

Kinh tế gia đình tôi khấm khá cũng nhờ vườn điều nên dù giá cả, mùa vụ có năm được, năm mất, hay trước “cơn sốt” chặt điều trồng cao su, sầu riêng, nhưng ba tôi và nhiều gia đình trong xóm vẫn một lòng gắn bó với cây điều. Có biết bao thế hệ con cháu của cây điều đã sinh sôi, nảy nở trên vùng đất bazan màu mỡ này, nhiều vườn điều cổ thụ 20-30 năm tuổi, diện tích 5-7 mẫu, đến mùa thu hoạch phải thuê người làm mới kịp.

Năm nay nhuận tháng tư nên mùa thu hoạch điều lại trùng với mấy ngày tết. Tôi háo hức về nhà, nhõng nhẽo đòi mẹ nướng cho vài hạt điều tươi rói ba vừa mới hái trên cây điều cổ thụ trước sân. Cây điều tuy hơn tuổi tôi nhưng vẫn sum suê khoe dáng xuân thì với những chùm hoa trắng, hồng, tỏa hương quyến rũ rất nhiều ong đến lấy mật, xen những chùm trái điều màu đỏ, vàng, căng mọng, thơm lừng vừa chín tới. 

Bác Tám hàng xóm chúc tết gia đình tôi ngoài vườn điều, sảng khoái: Năm nay mưa thuận gió hòa, nên vườn điều ghép cải tạo từ giống điều địa phương BP-102 cho năng suất rất khá. Bác Tám “đề xuất” năm mới nên vận động bà con trong hợp tác xã, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhân rộng mô hình trồng xen ca cao và nuôi heo rừng lai trong vườn điều rất hiệu quả. Gặp tôi, bác Tám trêu có chịu làm dâu nhà bác, con trai bác giờ đã thành lập công ty sản xuất và chế biến hạt điều xuất khẩu ngoài Phước Long.

Tôi e thẹn kịp nén câu hỏi bác Tám, sao chưa thấy tết này anh ấy về thăm nhà. Nhớ đến người bạn trai hàng xóm, thuở thiếu thời gian khó đu đưa học bài trên chiếc võng mắc dưới nhánh điều, nào ngờ, trời mát quá “quất” một giấc đến chiều mới dậy, mẹ la quá trời. Tôi thường bắt anh hái cho tôi những quả điều trên cao nhất để thơm hoài mùi hương riêng có. Quả điều vừa chín là món ăn vặt ưa thích thời con gái, cười khúc khích đặt cho cái tên “điều lắc”. Món ăn mang nhiều hương vị, chua, ngọt, pha một chút chát chát hòa quyện với vị mặn của muối, vị cay của ớt, hít hà mãi không thôi… 

Ba tôi, nay giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hợp tác xã điều hữu cơ, phấn khởi khoe: Hợp tác xã của ba đã xây dựng được mã số vùng trồng và nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh trong việc thâm canh, nâng cao năng suất, liên kết tiêu thụ, quảng bá thương hiệu trên sàn thương mại điện tử…, bà con ai cũng phấn khởi. Tôi nhận ra ba còn có niềm vui lớn hơn, khi tâm tư, nguyện vọng mấy chục năm nặng lòng với cây điều, với quê hương thứ hai của ba, giờ đây đã thực hiện được.

Mẹ tôi nhanh tay chẻ những hạt điều còn nóng hổi cho tôi, cười vui vẻ, tiếng cười của niềm hạnh phúc, mắng yêu: “Mấy con bôn ba Đông Tây gì không biết, nhưng tết còn nhớ về thăm nhà, ăn hạt điều mẹ nướng là vui nhất rồi”. Mẹ đồng tình với ý tưởng khởi nghiệp mà tôi ấp ủ từ lâu, một sản phẩm đặc trưng của quê hương Bình Phước vấn vương hương vị hạt điều mẹ nướng, hương vị quê hương Bình Phước ấm áp, nồng nàn, thấm đẫm đến mọi người, mọi miền ký ức.

  • Từ khóa
188244

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu