Thứ 5, 09/05/2024 03:25:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:26, 28/12/2023 GMT+7

“Thắp lửa” cho văn nghệ học đường

Đức Hòa
Thứ 5, 28/12/2023 | 10:26:48 3,946 lượt xem
BPO - Những ngày này, ngoài thời gian học, không gian Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập náo nức hẳn lên với tiếng hát, tiếng chiêng của đội văn nghệ trường. Các thành viên say sưa tập luyện, từ những tiết mục ca múa mang đậm màu sắc dân tộc đến biểu diễn cồng chiêng, chuẩn bị các hoạt động chào năm mới. Giữa đại ngàn gió hát, mùa xuân đang lan tỏa trong không gian thật rộn ràng và đầy năng lượng tích cực.

Và người đứng sau, khơi nguồn phong trào văn nghệ của trường chính là thầy Lê Văn Công, giáo viên môn Âm nhạc Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập.

Thầy dạy nhạc tâm huyết

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm âm nhạc tại Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước năm 2009, anh Lê Văn Công thi tuyển công chức ngành giáo dục và được phân công dạy môn Âm nhạc tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú thị xã Phước Long cũ, nay là Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập. 

Từ đó đến nay, nhiệm vụ chính của thầy Công là lên lớp dạy nhạc theo chương trình từ sách giáo khoa cho các khối lớp. Trong quá trình dạy học, thầy đã tuyển chọn, tập hợp những em có năng khiếu, yêu thích đàn hát và lên kế hoạch thành lập đội văn nghệ của trường. Xác định đặc thù của trường đa số là học sinh con em đồng bào dân tộc S’tiêng, thầy đã chú trọng tìm kiếm tài liệu các bài dân ca S’tiêng để tập cho các em hát trong những giờ ngoại khóa. Những năm đầu chỉ tập hợp được nhóm nhỏ từ 10-20 em. Từ năm 2017 đến nay, thầy đã xây dựng được đội văn nghệ học sinh với số lượng lên tới 40 em từ các khối THCS và THPT. Đội văn nghệ không chỉ phục vụ phong trào văn - thể - mỹ của trường mà còn là nòng cốt cho phong trào tại địa phương. Đội thường xuyên được mời biểu diễn cho các sự kiện của huyện, tham gia liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) do huyện và tỉnh tổ chức. Giải nhất Liên hoan văn hóa - thể thao các DTTS huyện Bù Gia Mập 2 năm 2017, 2019 và giải ba Liên hoan văn hóa - thể thao các DTTS tỉnh Bình Phước năm 2019 là những kết quả tích cực ban đầu mà đơn vị đã đạt được.

Thầy Lê Văn Công (ngồi giữa) cùng các em học sinh tham gia học đàn, hát

Ngoài tập cho đội văn nghệ của trường hát, múa, thầy còn mong ước thành lập đội cồng chiêng học sinh. Vậy là thầy dành thời gian trực tiếp gặp các nghệ nhân trên địa bàn để học hỏi, tham khảo thêm cách diễn tấu. Tháng 6-2022, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm, giảng viên cao cấp của Trường đại học Sài Gòn có chuyến đi thực tế tại huyện Bù Gia Mập để sưu tầm tư liệu cho đề tài nghiên cứu về âm nhạc S’tiêng Bình Phước, thầy Công đã tiếp cận và hỗ trợ Tiến sĩ Liêm dạy học sinh đánh cồng chiêng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để thầy nắm bắt, tìm hiểu thêm các kết quả nghiên cứu về âm nhạc cồng chiêng của đồng bào dân tộc S’tiêng một cách bài bản.

Biến ước mơ thành sự thật, sau một thời gian, không những thầy Công đã thành lập được đội cồng chiêng cho học sinh mà còn mạnh dạn xin ý kiến Ban Giám hiệu trường thành lập đội cồng chiêng cho giáo viên. Ý tưởng này được Ban giám hiệu ủng hộ và khuyến khích, nên đội cồng chiêng giáo viên đã hình thành và thầy là người phụ trách hướng dẫn cho cả hai đội. Từ ngày thành lập đội văn nghệ và sau này có thêm 2 đội cồng chiêng, thầy Công tự xếp lịch ngoài giờ học chính khóa, tình nguyện hướng dẫn cho học sinh đàn hát, tập đánh cồng chiêng, mà không đòi hỏi trường phải trả thù lao ngoài giờ. “Với tôi, được đứng trên bục giảng là hạnh phúc rồi. Và tôi càng hạnh phúc hơn vì điều mà bản thân từng ấp ủ bấy lâu là thành lập được đội văn nghệ và 2 đội cồng chiêng cho trường, nay đã thành hiện thực” - thầy Công chia sẻ trong niềm phấn khởi.

Gắn bó với phong trào văn nghệ

Bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ của một giáo viên, gầy dựng phong trào văn nghệ của trường, thầy Công còn là cộng tác viên, chuyên dàn dựng các chương trình văn nghệ cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Bù Gia Mập. Thầy cũng là thành viên văn nghệ thiện nguyện, gắn bó nhiệt tình với Câu lạc bộ Gia đình người khuyết tật thị xã Phước Long, sẵn sàng dạy miễn phí đàn organ, piano cho học sinh hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và lân cận. Ngoài ra, thầy còn mở lớp dạy nhạc tại nhà ở thị xã Phước Long, với mong muốn huấn luyện, đào tạo thành lập ban nhạc thiếu nhi, mở ra cho các em sân chơi bổ ích, lành mạnh, giảm bớt thời gian chơi game và sống ảo trên không gian mạng.

Đội văn nghệ học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập trong một tiết mục biểu diễn tại trường

Ở huyện Bù Gia Mập hiện vẫn còn những nghệ nhân đồng bào S’tiêng lưu giữ những làn điệu dân ca, bản cồng chiêng, nhưng không nhiều. Để bảo tồn và phát triển vốn văn hóa truyền thống quý giá ấy, điều quan trọng là cần có thế hệ trẻ tiếp nối, gìn giữ cho muôn đời sau. Thầy Công chính là một trong những nhân tố tiêu biểu, đang góp một phần công sức của mình qua việc định hướng xây dựng văn hóa, con người Bình Phước trong thời kỳ đổi mới.

Những ngày cuối năm, tiếng cồng chiêng bập bùng, vang vọng vào không gian rừng núi, cùng với những câu hát dân ca S’tiêng mộc mạc do các thầy cô và học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập biểu diễn, như đang hòa vào hương xuân mênh mang, kể cho người nghe những câu chuyện xưa với bao niềm vui bất tận.

  • Từ khóa
185552

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu