Thứ 7, 11/05/2024 01:28:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:59, 12/09/2023 GMT+7

Sức hút văn học đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”

Thứ 3, 12/09/2023 | 07:59:36 1,852 lượt xem

Thảo Linh

BPO - Đó là điều mà tất cả nhà văn, nhà thơ cùng lãnh đạo Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cảm nhận và khẳng định tại Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” năm 2023, được tổ chức tại TP. Đà Nẵng trong nửa đầu tháng 8 vừa qua. Với những người sáng tác văn học, việc dự trại sáng tác lần này còn góp thêm một việc làm ý nghĩa: mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh 2-9 và hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày đất nước sạch bóng quân thù. 

Dù gần 50 năm đất nước im tiếng súng nhưng đề tài về “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” vẫn luôn thôi thúc các thế hệ cầm bút. Trại sáng tác văn học lần này có 15 trại viên thì đa số là nhà văn mặc áo lính. Họ từng chiến đấu trên khắp các chiến trường từ miền Trung đến Tây Nguyên, miền Đông hoặc Tây Nam Bộ và đều là những cây bút chuyên nghiệp của văn học cách mạng. Họ viết bằng sự trải nghiệm, bằng sự ủy thác của những người đã ngã xuống và bằng sự thôi thúc từ hiện thực cuộc sống thời hậu chiến cũng như những vấn đề đặt ra từ cuộc sống hôm nay. Thế nên dù là thơ, tiểu thuyết hay chuyên luận, những tác phẩm của họ đều thấm đẫm hơi thở về cuộc chiến đấu kiên cường, bền bỉ của quân và dân ta; là lòng quả cảm can trường của bộ đội Cụ Hồ - bất kể thời chiến hay thời bình. 

Hai “lão tướng” của trại sáng tác lần này là những tấm gương sống động về tinh thần cống hiến cho văn học nước nhà. Đó là nhà văn Hà Đình Cẩn và Hà Phạm Phú, đều trên 80 tuổi nhưng lao động nghệ thuật của họ cực kỳ nghiêm túc. Nhà văn Hà Đình Cẩn - người đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, là tác giả của hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như: “Quần đảo san hô”, “Vùng rừng âm vang”, “Đường gập ghềnh”, “Ký sự những ngày xưa”, “Trò đùa người lớn”, “Ô cửa sổ bỏ ngỏ”… Gần đây nhất là các tác phẩm: “Bên kia là núi”, “Rừng hẹn”, “Mây vẫn bay về trời”. Ông cũng là tác giả bộ phim tư liệu dài tập “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”... Dự trại sáng tác lần này, Hà Đình Cẩn dành toàn bộ thời gian để hoàn thành tiểu thuyết “Rừng mặn”, viết về cuộc chiến đấu cam go, ác liệt của những chiến sĩ Chiến khu Rừng Sác trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (thứ ba từ trái sang) trao đổi cùng các nhà văn tại lễ bế giảng trại sáng tác văn học, ngày 15-8-2023

Nhà văn Hà Phạm Phú - một tác giả đa thể loại: văn xuôi, thơ, kịch bản phim và dịch văn học. Trong hàng loạt tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Hà Phạm Phú, có các tác phẩm nổi tiếng như: “Nơi cành cong”, “Giấc mơ sâm cầm”, “Hồn làng”, “Áo khoác Bác Hồ”… cùng các phim nhựa “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Hà Nội - Hà Nội”… Hai tuần lễ tại trại sáng tác, nhà văn Hà Phạm Phú lại vùi mình vào tiểu thuyết “Một và nhiều” mà theo ông, đây chính là những tinh hoa trong cuộc đời cầm bút của mình. Vì thế, ông dốc toàn tâm toàn lực vào những trang viết lần này. 

Khác với sự thâm trầm của hai “lão tướng” họ Hà, nhà văn Nguyễn Trọng Tân có mặt ở đâu thì đều mang đến những tiếng cười rổn rảng ở đó. 10 năm quân ngũ cùng nhiều năm quản lý các tờ báo lớn, nhỏ; rồi phụ trách công tác văn phòng và một số đầu mối của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Trọng Tân là một “kho tàng” chuyện phiếm của lính và làng văn. Nghỉ hưu, ông có thời gian đi sâu về đề tài lịch sử với 3 tiểu thuyết mới xuất bản: “Thư về quá khứ”, “Thiên mệnh”, “Thiên thu huyết lệ”. Đến trại sáng tác lần này, nhà văn Nguyễn Trọng Tân cùng lúc thực hiện 2 cuốn tiểu thuyết: “Phù sa máu”, “Chiến binh và cuộc đụng đầu lịch sử”. Nhà văn Nguyễn Trọng Tân cho biết, “Chiến binh và cuộc đụng đầu lịch sử” tái hiện cuộc chiến đấu oanh liệt của Sư đoàn Bộ binh 10 trong Chiến dịch Plei Me lịch sử tại thung lũng Ia Đrăng trên mặt trận Tây Nguyên năm 1965. 

Còn nhà văn, nhà báo Hoàng Dự với tiểu thuyết “Nước mắt quê hương” là sự kết hợp hài hòa giữa tình yêu người lính và khói lửa chiến tranh, giữa hậu phương và tiền tuyến, giữa sự kiên gan và đớn hèn… để khái quát sự bi tráng của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Còn “Trăng Him Lam” của nhà văn Châu La Việt - người cả cuộc đời viết về người lính tái hiện những năm tháng ác liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, với hình ảnh những người nghệ sĩ và chiến sĩ sát cánh bên nhau, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát”, nhà văn trẻ Trần Khánh Toàn vừa được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trao giải A, anh đã mang tới trại sáng tác bản thảo cuốn tiểu thuyết “Thao thức phía hoàng hôn” - một đề tài mới lạ, viết về những chiến sĩ mũ nồi xanh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Góp mặt tại trại sáng tác quân đội lần này, 2 nhà văn nữ của Bình Phước là Linh Tâm và Bùi Thị Biên Linh cùng dành tâm huyết cho các tác phẩm ký sự văn chương. Dẫu không phải bộ đội Cụ Hồ, nhưng bằng tình yêu, sự tâm huyết và ngưỡng mộ người chiến sĩ, Linh Tâm đã khắc họa trong các trang viết của mình những miền đất thiêng, những miền biên viễn trên dải đất hình chữ S, nhất là dải biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh Bình Phước mà chị đã đi qua với tác phẩm “Nắng biên thùy”. Trong khi tác phẩm “Vẫn hát khúc quân hành” của nhà văn Bùi Thị Biên Linh là những trang viết về người lính Cụ Hồ đã, đang và vẫn tiếp tục cống hiến trên mọi mặt trận, trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian: hôm qua, hôm nay và mai sau…

Thành công của trại sáng tác đã cho thấy những khao khát và sức hấp dẫn của văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”, một đề tài “vĩnh cửu và tươi xanh mãi trong văn học nước nhà” như Đại tá Phạm Văn Trường, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã nhận xét. 

Trại sáng tác văn học quân đội lần này đã “bội thu” với 17 bản thảo cơ bản hoàn chỉnh qua gần 20.000 trang viết, trong đó có 11 tiểu thuyết, 1 trường ca, 4 tập bút ký và 1 chuyên luận phê bình văn học. Với sự đa dạng về thể loại, đa sắc về góc nhìn, kết quả của trại viết đã cho thấy những khát khao cống hiến của các nhà văn cũng như sức hấp dẫn đặc biệt của văn học viết về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”.

  • Từ khóa
177109

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu