Thứ 4, 08/05/2024 22:14:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:49, 15/08/2023 GMT+7

CHÀO NHÉ YÊU THƯƠNG!

Con dù lớn vẫn là con của mẹ…

Đặng Hùng
Thứ 3, 15/08/2023 | 09:49:31 4,733 lượt xem
BPO - Bầu trời sầm lại rồi chuyển mưa vần vũ. Vừa vào đến ngõ, tôi thấy mẹ tất tả xuống nhà sau kéo vội mớ đồ phơi từ sớm, dù đã lớn tuổi nhưng mẹ vẫn không cho phép đôi chân mình chậm hơn những giọt mưa ngoài hiên. Bất giác sự vội vàng ấy gợi lại trong tôi ký ức về bóng dáng ngày xưa của mẹ, ngày mẹ còn rất đỗi thanh xuân, đã bao lần vất vả vì những đứa con thơ.

“Bố nó ơi! Nhanh nhanh đưa thằng Hùng đi trạm xá, nhanh lên. Con ơi là con…” - mẹ thất thanh gọi bố. Nguồn cơn là vì, đứa con trai 5 tuổi là tôi khi ấy, 2 tay đang cầm mảnh vỡ của chai thuốc rầy, thứ mà ngày đó quê tôi nhà nào cũng trữ vài chai “làm của” để diệt rầy… Đối với đứa trẻ lên 5 ngày đó làm gì đã biết nó nguy hiểm thế nào, lại tò mò nên tôi lỡ tay làm vỡ chai, thuốc bắn lên người, cái mùi xộc lên nồng nặc. Theo phản ứng của một đứa trẻ, tôi đi tìm mẹ chỉ để… nhờ giúp xử lý mùi hôi.

Mẹ đang hái rau muống dưới vườn để chuẩn bị đem ra phiên chợ sáng. Nhìn thấy tôi, ngửi mùi thuốc xộc lên, mẹ mặc kệ tay chân lấm bùn bế bổng tôi lên, vừa móc họng vừa vỗ lưng cho tôi và thất thanh gọi bố… Mẹ cuống cuồng mà không hỏi xem tôi đã uống hay chưa? Bản tính vốn là đứa ít nói nên trước tình huống này, tôi bị “đơ” và im như thóc.

Ngày ấy làm gì có xe máy và ôtô như bây giờ, tài sản giá trị nhất trong nhà là chiếc xe đạp bố mẹ vẫn dùng để tải rau ra chợ mỗi ngày. Suốt quãng đường từ nhà đến trạm xá, mẹ cứ thút thít khóc, trong khi bố ra sức đạp xe một cách nhanh nhất có thể.

Vừa tới cổng, mẹ bế tôi chạy thẳng vào trạm, nói như hét với trạm trưởng: “Chú ơi, làm ơn cứu con tôi. Nó uống thuốc rầy rồi chú ơi”. Chú trạm trưởng cũng chẳng nghĩ nhiều, tin lời mẹ và cho tôi uống ngay một loại nước gì đó mà nó khiến tôi nôn thốc nôn tháo. Đến lúc này, tôi không chịu được nữa nên mới gào to: “Con đã uống tí nào đâu, hôi vậy sao mà uống?”. Khoảnh khắc ấy, tất cả mọi người đều sững lại. Mẹ bỗng bật khóc to hơn, rồi ôm tôi thật chặt vào lòng…

Sinh ra trong gia đình có 7 anh em, mẹ là người con thứ 6 và là con gái duy nhất trong nhà nên được nuông chiều hơn cả. Lấy chồng vào những năm 1980, nhưng do hiếm muộn, chạy chữa đủ kiểu nên mãi tới năm 1990, mẹ mới mang thai tôi, đứa con trai đầu lòng với bao mong đợi, bao niềm hy vọng. Chắc cũng bởi lần đầu tiên làm mẹ nên mẹ thường hốt hoảng, luống cuống sợ tôi gặp chuyện gì chẳng lành.

Lúc tôi vừa qua 5 tuổi, mẹ sinh thêm em trai. Vậy là nhà có 2 anh em, cuộc sống thêm chật vật với bao lo toan, vất vả nhưng cũng luôn ngập tiếng cười. Tôi là anh hai, song lúc nào cũng được bố mẹ đối xử công bằng, chưa bao giờ phân biệt. Ngày còn nhỏ, anh em tôi nghịch ngợm đủ trò khiến bố mẹ phải nhức đầu. Có nhiều lần, anh em tôi nghịch dại, thế là bị bố cho trận đòn no. Lúc như thế, mẹ thương lắm nhưng phải lờ đi chỗ khác để bố dạy các con…

Đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn, cũng trải qua những trận đòn roi vì trò nghịch dại… Thời gian cứ thế trôi qua, chúng tôi lớn lên trong vòng tay chở che, yêu thương đong đầy của mẹ, sự dạy bảo nghiêm khắc của bố. Chúng tôi trưởng thành cũng là lúc bố mẹ già đi. Vậy nhưng, bố mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước đi của con; luôn là chỗ dựa, nơi về bình yên của con. Thật thấm thía những câu thơ trong bài “Con cò” của tác giả Chế Lan Viên: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”…

  • Từ khóa
175207

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu