Thứ 4, 08/05/2024 22:25:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:14, 03/08/2023 GMT+7

CHÀO NHÉ YÊU THƯƠNG!

Tấm lòng của mẹ

Phạm Thị Yến
Thứ 5, 03/08/2023 | 09:14:49 4,246 lượt xem
BPO - “Mẹ chắc chưa mổ chân lần này được. Mấy hôm nữa, việc đồng áng, vườn tược xong mẹ lên thăm vợ chồng con và hai đứa nhỏ mấy hôm”. Đó là thông tin cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa tôi và mẹ - người đã sinh ra chồng tôi, bà nội của hai cháu.

Mẹ tôi bị bệnh khớp mãn tính. Mẹ lớn tuổi lại thêm tính tham công tiếc việc nên cứ chần chừ chữa trị, vì vậy căn bệnh hành mẹ nhiều hơn. Khi trái gió trở trời hay những lúc mẹ đi lại nhiều, khớp gối lại “đình công” khiến mẹ thêm đau nhức. Động viên mẹ đi mổ theo tư vấn của bác sĩ, mẹ cứ lần nữa và tìm cách “hoãn binh”.

Mẹ chồng tôi, người phụ nữ nông thôn chính hiệu quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nghe bố tôi kể, ngày trẻ mẹ nổi tiếng khắp làng bởi cái nết hay lam hay làm. Đến khi về làm vợ và sinh bốn người con "đủ nếp, đủ tẻ", mẹ lại càng cố gắng chắt chiu nhiều hơn để cùng bố lo cho gia đình. Ngoài làm nông nghiệp, mùa nào thức ấy, vườn của mẹ luôn tươi tốt để có những mớ rau xanh non mang ra chợ bán, mẹ còn có nghề làm mắm cáy. Mỗi khi có người quen về quê mà đúng dịp mùa cáy là mẹ sẽ gửi lên cho vợ chồng tôi chút mắm cáy tự tay làm.

Mắm mẹ ủ có “thương hiệu” nên mỗi khi mùa cáy về vào dịp tháng 5, tháng 6 hằng năm là lúc mẹ bận rộn nhất. Mẹ muốn có thêm thu nhập để vào năm học các con sẽ có quần áo mới, tập vở đến trường. Mẹ là vậy, không ngại hy sinh, vất vả để nuôi các con khôn lớn trưởng thành.

Để rồi, khi tôi làm dâu của mẹ cũng là lúc mái tóc mẹ điểm nhiều sợi bạc, đôi chân mẹ chẳng còn nhanh nhẹn như xưa để có thể đạp xe rong ruổi những chuyến hàng đem ra chợ bán. Những vết chai sần trên bàn tay mẹ ngày một lớn dần theo năm tháng. Hai lần tôi sinh con là hai lần mẹ tất tả đón xe lên chăm con dâu, chăm cháu nội nơi miền núi xa xôi. Rồi khi tôi đi làm xa cả ngày, mẹ lại chăm lo cho các cháu những cữ sữa, cữ cháo. Các cháu lớn lên đi nhà trẻ, chiều chiều mẹ đội chiếc nón mê bạc màu tập tễnh chân đau đi bộ đến trường đón cháu...

Những tưởng khi con cái trưởng thành mẹ sẽ thảnh thơi, nhưng vì thương con dâu đi dạy xa nhà, thương hai cháu nội thơ bé, mẹ còn động viên tôi: “Con cứ yên tâm công tác, các cháu để mẹ lo”. Đôi khi bắt gặp mẹ vừa xem tivi với cháu vừa xoa chân, xoa đầu gối miệng xuýt xoa khe khẽ là tôi biết chân mẹ lại đau nhức. Tôi mua cho mẹ hộp thuốc bổ khớp, mẹ liên tục nhắc nhở vì tiếc tiền: “Mẹ bệnh già, con mua thuốc làm gì cho tốn. Để tiền mà lo cho hai đứa nhỏ, lo cho sức khỏe của con…”.

Mẹ là vậy, chẳng chịu nghĩ cho mình. Mẹ không giàu có về vật chất nhưng trong tim mẹ lúc nào cũng giàu tình yêu thương, luôn dành cho con, cháu những điều ấm áp…

Nghe mẹ nói sắp lên thăm mà lòng tôi nghẹn ứ. Mẹ luôn có đủ lý do để không muốn làm phiền con, cháu bởi sức khỏe của mình. Nhưng lần này khi mẹ lên, chắc chắn vợ chồng tôi không để mẹ trì hoãn trong việc chữa bệnh khớp nữa. Tôi mong mẹ sẽ cho chúng tôi cơ hội báo hiếu bằng việc đưa mẹ đi khám và điều trị. Bởi chúng tôi luôn mong mẹ sau năm tháng vất vả là những ngày an yên, vui vầy bên con cháu, để chúng tôi được cảm nhận nhiều hơn nữa tình yêu, sự quan tâm, chia sẻ từ những lời mẹ động viên, chỉ dạy con, cháu.

  • Từ khóa
174322

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu