Thứ 2, 20/05/2024 08:20:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:06, 27/06/2023 GMT+7

CHÀO NHÉ YÊU THƯƠNG!

Nắng tháng Sáu và mẹ

Mỹ Duyên
Thứ 3, 27/06/2023 | 08:06:23 4,173 lượt xem

“Tháng Sáu về nắng vàng rơi oi ả

Cánh đồng làng vội vã lúa vàng hoe

Mẹ vất vả làm việc những trưa hè

Giọt mồ hôi vương che vai áo mẹ”.

Hôm nay, vô tình đọc được những câu thơ trong bài “Nắng hạ” của tác giả Thanh Tâm, trong tôi bỗng dâng trào những kỷ niệm về mẹ - về những tháng ngày mẹ đi cấy trong cái nắng oi ả của tháng Sáu. 

Mẹ tôi là nông dân, ngày ngày đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng. Bố tôi thường xuyên công tác xa nhà nên mọi việc trong gia đình một mình mẹ quán xuyến. Từ cày bừa, gieo cấy, làm cỏ, bón phân đến thu hoạch, phơi phóng… mẹ đảm đương hết mà không một lời than trách. 

Trong những công việc của nhà nông, tôi sợ nhất là đi cấy vào vụ hè thu. Năm nào cũng thế, mùa cấy luôn diễn ra vào những ngày trời nắng nóng nhất. Nắng như thiêu đốt khiến người ta chỉ muốn… trốn ở nhà. Cực chẳng đã mới phải ra ngoài. Còn mẹ, tháng Sáu về lại chẳng hề sợ nắng, vẫn cần mẫn làm việc cho kịp thời vụ.

Mùa cấy không kéo dài, chỉ khoảng nửa tháng là xong nhưng mang theo bao nỗi nhọc nhằn, vất vả của mẹ, của những người nông dân một nắng hai sương gắn bó với ruộng đồng. Ngày đó không có máy cấy như bây giờ. Vậy nên vào mùa cấy, mọi người đều tranh thủ dậy sớm ra đồng để tránh cái nắng cháy da, cháy thịt. Ngày còn nhỏ, tôi thường chỉ nằm nghe bước chân mẹ xa dần ra ngoài đường, đâu đây còn văng vẳng tiếng chào hỏi nhau của mọi người, tiếng gà gáy đầu tiên báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Mẹ đi từ tờ mờ sáng cho đến khi chẳng nhìn rõ mặt nhau, mới thấy trở về. 

Mang cơm cho mẹ vào mùa cấy là công việc tôi thích nhất và cũng là những ký ức không thể quên khi tận mắt chứng kiến sự lam lũ, vất vả của mẹ. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ đội nón lá, đầu chít khăn ô, quần xắn ngang gối, khoác chiếc “áo tơi” để chống lại cái nắng gay gắt giữa mùa hè. Nhìn bóng dáng mẹ, tôi càng thấm thía lời thơ của tác giả Trần Đăng Khoa: “Những trưa tháng Sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”.

Cái nắng tháng Sáu là vậy, nắng cháy da, cháy thịt. Mẹ vốn gầy gò nhưng có sức dẻo dai vô cùng. Mặc cho cái nóng 400C chiếu thẳng xuống lưng, mặc cho hơi nước nóng bốc lên người, đôi bàn tay mẹ vẫn đều đặn vắt mạ cấy những hàng thẳng tắp... Thoáng thấy nếp nhăn đã hằn sâu trên khuôn mặt khắc khổ của mẹ, đôi vai gầy guộc và cả những giọt mồ hôi ướt đẫm, tôi thấy nghẹn lòng quá đỗi… Và giây phút ấy, tôi mới nhận ra rằng để làm ra hạt cơm trắng cho chúng tôi ăn mỗi ngày, bố mẹ đã hy sinh nhiều đến thế nào…

Chao ôi! Cái nắng oi ả của những ngày tháng Sáu thật kinh khủng. Nắng tháng Sáu với tôi, còn đau đáu hơn khi tình cờ nhìn vào tấm lưng trần cháy sạm, đôi bàn tay, bàn chân bị nước ăn của mẹ sau những ngày đi cấy “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vậy mà chẳng thấy mẹ than thở gì, chỉ cười bảo: “Dăm bữa ở nhà là khỏi thôi mà”. Lúc ấy, tôi chỉ ước mình lớn thật nhanh để giúp mẹ được nhiều việc. Những lúc nghe tôi nói vậy, mẹ bảo, thương mẹ chỉ cần học giỏi, thành đạt nên người, có vất vả mấy mẹ cũng chịu… 

Tôi đã lớn lên từ đó, từ mồ hôi, nước mắt và cơm gạo của mẹ mới có được cuộc sống sung túc và thành đạt như ngày hôm nay. Nói sao cho hết những niềm thương, những vất vả, nhọc nhằn mà mẹ đã trải qua. Năm tháng dần trôi, mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm. Mẹ tôi giờ đã là người thiên cổ nhưng những ký ức về mẹ, về những tháng ngày vất vả giữa tiết trời tháng Sáu sẽ luôn đi theo tôi đến hết cuộc đời này.

  • Từ khóa
171374

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu