Thứ 2, 20/05/2024 04:54:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:36, 22/06/2023 GMT+7

“Đãi vàng” từ những bài dân ca S’tiêng

Đức Hòa
Thứ 5, 22/06/2023 | 10:36:37 4,374 lượt xem
BPO - Trong cuộc sống, đôi lúc suy ngẫm lại bản thân, tôi cảm thấy làm nghề gì cũng cần có chút “duyên”! Khi có duyên thì một ngày nào đó, cơ may sẽ đến từ những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã giúp ta khám phá ra nhiều điều hết sức ý nghĩa và thú vị. Với tôi, chuyện từ những bài dân ca S’tiêng là một kỷ niệm khó quên khi làm báo.

Tôi không thể quên những ngày mới chuyển công tác về làm biên tập âm nhạc thuộc Phòng Văn nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV)). Tôi được lãnh đạo phòng nêu ra những đầu chương trình phát thanh, truyền hình đang thiếu người phụ trách. Xem qua, tôi thấy công việc này rất phù hợp với ngành mà mình theo học. Sau thời gian thử việc, tôi chính thức trở thành biên tập viên của BPTV từ năm 2003.

Vào một buổi chiều tháng 3-2004, bộ phận hành chính báo có người cần gặp. Tôi liền xuống sảnh thì thấy một anh dáng vẻ nông dân, người dân tộc thiểu số. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, anh cho biết mình là người S’tiêng từ xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập đến. Trên tay cầm một xấp văn bản nhạc, anh giãi bày: Tôi có mấy bài dân ca S’tiêng sưu tầm được từ các buôn làng ở Phước Long, mấy lần chạy xe máy gần cả trăm kilômét xuống Đồng Xoài, hỏi một số cơ quan xin dàn dựng thu âm nhưng không được. Lần này có người giới thiệu tôi đến gặp anh xem sao... Tôi rất tâm huyết và yêu thích những bài dân ca S’tiêng của dân tộc mình và mong được thu âm để lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Biên tập viên Đức Hòa (trái) và nghệ sĩ Đức Dậu trong lần tác nghiệp

Tôi xem qua xấp văn bản nhạc nhuốm màu đất đỏ và nhận ra đây chính là nguồn tư liệu quý cho công việc chuyên môn, bởi dân tộc S’tiêng có nét văn hóa đặc trưng, đại diện cho quê hương Bình Phước. Tôi cảm ơn anh và hẹn sẽ thông tin cho anh về việc dàn dựng thu âm những bài dân ca này.

Ngay tối hôm đó tôi về nhà mở xấp văn bản ra xem kỹ. Trong số hơn chục bài, mỗi bài chỉ là một đoạn ngắn, nhưng lặp lại bằng tiếng S’tiêng, có dịch lời tiếng Việt. Phần giai điệu lạ và dễ cảm, khác hẳn với âm nhạc vùng Tây Nguyên.

Sau đó, tôi đề xuất thực hiện phóng sự “Tôi yêu làn điệu dân ca S’tiêng”, do anh Huỳnh Nguyên làm đạo diễn. Nhân vật chính là anh nông dân trẻ hằng ngày làm bạn với nương rẫy nhưng lại hát rất hay những bài dân ca S’tiêng do anh sưu tầm. Tác phẩm gửi dự thi giải báo chí do Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước tổ chức và đoạt giải A. Tôi thầm nghĩ cái duyên của người làm nghề là đây…

Cũng trong năm đó, cơ quan thông báo các phòng chọn đề tài tham gia liên hoan truyền hình toàn quốc. Tôi nhanh chóng dịch lời những bài dân ca S’tiêng một cách say mê. Nhưng khi đã dịch xong, việc tìm người hát cả tiếng S’tiêng và tiếng phổ thông là một chuyện nan giải. Qua thời gian dài tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra những nhân tố là người S’tiêng, M’nông có khả năng thể hiện được những bài dân ca này. Sau khi đã có bản thu âm song ngữ, tôi chuyển cho đạo diễn BPTV xây dựng kịch bản, thực hiện phim ca nhạc dân tộc “Tôi đi tìm tôi”. Tác phẩm này dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc và giành giải vàng thể loại tiếng dân tộc.

Liên tiếp những năm sau đó, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Liên hoan dân ca Việt Nam, BPTV đã chọn dân ca S’tiêng tham gia khu vực phía Nam. Tôi tiếp tục tìm kiếm những nhân tố là người S’tiêng tập trung luyện hát những bài dân ca S’tiêng trên nền các loại nhạc cụ như: đàn chapi (đinh Jut), kèn bầu (M’buôt), cồng chiêng… Sự phối hợp này tạo hiệu quả mới lạ và độc đáo. Qua mỗi lần tham gia liên hoan, sự khác biệt của dân ca S’tiêng Bình Phước được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. Vì vậy, BPTV nhiều lần có tác phẩm vào vòng chung kết, được mời ra Hà Nội biểu diễn và đoạt thành tích cao.

Những bài dân ca S’tiêng cũng được BPTV chọn là đề tài chủ đạo, tham gia liên hoan truyền hình toàn quốc hằng năm. Tính đến nay, đài đã 7 lần tham gia liên hoan thể loại phim ca nhạc tiếng dân tộc, trong đó 6 phim khai thác từ các bài dân ca S’tiêng. Kết quả rất đáng tự hào với thành tích 2 huy chương vàng và 5 huy chương bạc qua các kỳ liên hoan.

Sau bao năm gắn bó với công việc biên tập viên âm nhạc của BPTV, tôi nhận thấy chữ “duyên” chính là “sợi chỉ xanh óng ánh” giúp bản thân thành công và neo giữ với nghề. Cơ duyên đã cho tôi gặp và yêu mến những bài dân ca S’tiêng đằm thắm, nồng nàn; tiếng cồng chiêng vang vọng đầy huyền bí; tiếng đàn chapi thanh nhã, tiếng kèn bầu mộc mạc đong đưa… Tất cả âm thanh ấy cứ lắng đọng dặt dìu giúp tôi yêu nghề, yêu đời và tiếp tục cống hiến.

Biên tập viên ĐỨC HÒA, Phòng Văn nghệ - Giải trí - Quốc tế BPTV


  • Từ khóa
170900

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu