Thứ 4, 08/05/2024 13:13:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:23, 22/11/2019 GMT+7

Tặng cây xanh thay hoa tươi

Thứ 6, 22/11/2019 | 09:23:00 315 lượt xem
BP - Cách đây 1 tháng, cụ thể là một ngày sau 20-10 - Ngày phụ nữ Việt Nam, những bó hoa tươi rực rỡ sắc màu, chứa nặng tình cảm đã nằm ngổn ngang trên các xe chở rác, bị vứt bỏ không thương tiếc. Chứng kiến cảnh này, nhiều người cảm thấy một sự lãng phí không nhỏ. Có lẽ nhận ra mặt trái đó, dịp 20-11 năm nay, nhiều trường học, đơn vị đã có văn bản thông báo không nhận hoa, quà và tiếp khách...

Tiêu biểu ở thành phố Hồ Chí Minh, song song việc Sở GD-ĐT trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tình cảm tốt đẹp của các cơ quan, đơn vị dành cho ngành, văn bản của sở cũng yêu cầu các trường không nhận hoa, quà và tiếp khách. Điều đó tạo sự công bằng giữa các học sinh vừa khẳng định văn hóa “Nói không với phong bì” đã đi vào đời sống ở thành phố mang tên Bác.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hiệu trưởng Đàm Quang Minh và toàn bộ giảng viên Trường đại học Phú Xuân cũng kịp thời tuyên bố trước lễ, không nhận hoa dịp 20-11, mà thay vào đó trường xây dựng chủ đề “Ươm xanh”. Mong muốn của trường là được nhận những cây xanh để tỏa bóng mát ngay trong chính sân trường. Đồng thời, Ban giám hiệu trường cũng sẽ đem tặng cây xanh đến các cựu giáo viên để tỏ lòng tri ân trong dịp 20-11 năm nay.

Ngoài gây lãng phí từ tặng hoa tươi, hậu quả lớn hơn là gây ô nhiễm môi trường. Giấy kính gói hoa chỉ dùng một lần có nguồn gốc từ nhựa cellophane rất khó phân hủy và những cục xốp cắm hoa là loại chất không phân hủy được kết hợp cùng nhau gây ô nhiễm nặng cho môi trường. Phong trào “Nói không với rác thải nhựa, bảo vệ môi trường” đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng thì việc thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Phú Xuân không nhận hoa tươi dịp lễ 20-11 đã lan tỏa một thông điệp mạnh mẽ về việc tri ân ngày lễ 20-11 đúng cách, vừa trang trọng, ý nghĩa vừa giáo dục lối sống tốt đẹp cho học sinh, sinh viên, phụ huynh cũng như người dân.

Thực tế cho thấy, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường và những tiêu cực của đời sống xã hội, một bộ phận giáo viên đánh mất lòng tự trọng nghề nghiệp, xu hướng thương mại hóa giáo dục, đặt nặng đồng tiền..., đã tác động xấu đến cách ứng xử trong học đường. Nhưng khi những quy định mang mệnh lệnh hành chính ấy được các thầy cô ở thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế... vui vẻ chấp hành cho thấy một dấu hiệu tích cực, trường không phải là nơi đổi chác vật chất mà là nơi tôn vinh những giá trị giáo dục đích thực của người thầy dành cho học trò.

Đội ngũ nhà giáo mang sứ mệnh và trách nhiệm to lớn của mình trước xã hội - “trồng người”. Khi mỗi ngày, thầy cô làm một việc tốt, là tấm gương về đạo đức, lối sống, sẽ có tác động tích cực tới học sinh và môi trường giáo dục. Các em cũng sẽ tự đưa mình vào khuôn khổ của đạo làm trò: Kính yêu và tôn trọng thầy cô; tự giác phấn đấu học tập, rèn luyện vì ngày mai lập thân, lập nghiệp. Nếu lan tỏa ngày càng nhiều điều tốt đẹp, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” cũng sẽ mãi mãi giữ nguyên giá trị, mãi mãi là động lực góp phần đưa sự nghiệp “trồng người” không ngừng phát triển.

An Nhiên

  • Từ khóa
109234

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu