Chủ nhật, 28/04/2024 04:38:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

An ninh Bình Phước 09:14, 11/03/2024 GMT+7

Chủ động phòng cháy chợ truyền thống

Thu Thảo - Minh Chính
Thứ 2, 11/03/2024 | 09:14:14 1,992 lượt xem
BPO - Chợ truyền thống là nơi kinh doanh nhiều mặt hàng dễ cháy, nhất là vào cao điểm mùa khô như hiện nay. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đang được ban quản lý các chợ, lực lượng chức năng, tiểu thương trên địa bàn tỉnh hết sức quan tâm, không để xảy ra tình trạng cháy nổ, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Nâng cao ý thức tiểu thương

Với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, nhận thức của các tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống đang từng bước được nâng lên.

Chị Võ Thị Thu Hà, tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Bình Long, thị xã Bình Long chia sẻ, quần áo là mặt hàng rất dễ cháy, ngoài ra, đây chỉ là khu vực kinh doanh, mình không thể có mặt 24/24 giờ nên mọi yếu tố dẫn đến cháy nổ mình phải loại trừ. Bên cạnh đó, PCCC là công việc của cả tập thể nên mình và các tiểu thương thường xuyên nhắc nhở nhau ngắt nguồn điện khi rời khỏi ki-ốt bán hàng.

Bên cạnh sạp quần áo của chị Hà là sạp hàng giày dép của ông Lương Xuân Khương. Là hộ kinh doanh, buôn bán nhiều năm tại chợ Bình Long, vấn đề PCCC luôn được ông đặc biệt quan tâm. Ông Khương cho biết: “Tôi thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và trang bị bình chữa cháy đặt tại nơi dễ thấy, dễ lấy. Điều này không chỉ bảo vệ tài sản của gia đình mà còn góp phần phòng, chống cháy nổ cho các cửa hàng kinh doanh trong chợ”.

Thời gian qua, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, lực lượng chức năng đã thường xuyên phối hợp với ban quản lý chợ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tiểu thương về quy định an toàn PCCC, phân loại hàng hóa, các mặt hàng dễ cháy, sử dụng nguồn điện trong các ki-ốt, không được đấu nối sai quy định. Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng định kỳ huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ, các tiểu thương, hộ kinh doanh trong khu vực quản lý; chuẩn bị các phương án chữa cháy tại chỗ, đảm bảo có thể nhanh chóng xử lý các tình huống cháy nổ không may xảy ra.

Thực hiện nghiêm phương châm “phòng hơn chống”

Thực tế cho thấy, nguy cơ dẫn đến cháy nổ ở các chợ truyền thống thường rất cao, nhất là khi mọi người thiếu cẩn thận trong sử dụng các thiết bị điện. Trong quá trình buôn bán, nếu các tiểu thương chất hàng hóa ở những ki-ốt quá gần nhau hay hàng hóa lấn chiếm, gây cản trở đi lại; câu mắc, sử dụng điện không tuân thủ quy định… sẽ dễ gây ra cháy nổ khó lường. Do vậy, tiểu thương phải sẵn sàng các phương tiện chữa cháy cũng như thành thạo kỹ năng sử dụng phương tiện PCCC.

Cán bộ Công an xã Phú Riềng phát tờ rơi tuyên truyền PCCC cho hộ tiểu thương và kiểm tra thiết bị chữa cháy tại chỗ

Cán bộ Công an xã Phú Riềng hướng dẫn các hộ tiểu thương sử dụng bình chữa cháy cầm tay

Tại chợ Phú Riềng, xã Phú Riềng, Ban Quản lý chợ yêu cầu các hộ tiểu thương ký cam kết mỗi ki-ốt có 1-2 bình chữa cháy cầm tay để sẵn sàng chữa cháy khi cần thiết. Ông Nguyễn Đăng Thông, Trưởng ban Quản lý chợ Phú Riềng cho biết, nhà lồng chợ có khoảng 47 ki-ốt nhưng hiện có trên 50 bình chữa cháy cầm tay. “Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành tập huấn kỹ năng, cách sử dụng bình chữa cháy cho các hộ tiểu thương” - ông Thông cho hay.

Lực lượng Công an xã luôn đặt công tác PCCC lên hàng đầu nên hằng tuần, hằng tháng chúng tôi đều phối hợp với Ban Quản lý chợ nhắc nhở, tuyên truyền các hộ dân về công tác PCCC, đồng thời hướng dẫn các hộ tiểu thương sử dụng thiết bị chữa cháy cầm tay...

Thiếu tá ĐỖ HÙNG MẠNH
Phó trưởng Công an xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng


Ngoài chủ động hoàn thiện, kiểm tra thường xuyên hệ thống chữa cháy tại chợ, Ban Quản lý chợ còn là đơn vị nòng cốt thành lập đội PCCC cơ sở, thực hiện diễn tập phương án PCCC và chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng trực trong mọi tình huống. Đưa tay chỉ hệ thống chuông báo cháy được lắp đặt ngay trong văn phòng Ban Quản lý chợ, ông Thông cho biết, chỉ cần chuông báo cháy vang lên, chúng tôi sẽ ngay lập tức xác định được vị trí xảy ra cháy, đồng thời vận hành máy nổ và sẵn sàng bơm nước chữa cháy bất cứ khi nào. Bên cạnh văn phòng Ban Quản lý chợ là hệ thống máy nổ bơm nước, đường ống, van xả và hồ chứa nước ngầm có dung tích lên đến 80m3 nước.

Hệ thống máy bơm nước sẵn sàng vận hành khi có sự cố cháy xảy ra

Nhờ sự chủ động, kịp thời, thông tin liên lạc chặt chẽ nhiều lần đã giúp chợ Phú Riềng thành công trong công tác chữa cháy ban đầu, nhanh chóng xử lý khi có sự cố và không để xảy ra tình trạng cháy lan gây thiệt hại về tài sản.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có không ít vụ cháy chợ xảy ra và đều gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng và hanh khô như hiện nay, yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng cháy tại các chợ ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng. Đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn là nhiệm vụ của cả cộng đồng và mỗi cá nhân, đặc biệt là tiểu thương trực tiếp kinh doanh tại các sạp hàng.

  • Từ khóa
191327

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu