Thứ 7, 18/05/2024 00:19:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:58, 21/06/2014 GMT+7

KỶ NIỆM 89 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2014)

Những nhà báo - chiến sĩ trên vùng biển Hoàng Sa

Thứ 7, 21/06/2014 | 15:58:00 193 lượt xem

BP - Sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, đưa hàng trăm tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã làm dư luận trong nước và quốc tế dậy sóng. Gần 2 tháng qua, hằng ngày, hằng giờ cả nước hướng về Hoàng Sa và biển Đông, chờ mong tin tức. Và người đưa tin, không ai khác chính là những nhà báo đang có mặt tại điểm nóng để cập nhật từng giây, từng phút tình hình diễn biến một cách khách quan, chân thực nhất. Giữa muôn trùng khó khăn, nguy hiểm ngoài khơi xa, cũng như lực lượng cảnh sát biển (CSB), kiểm ngư và ngư dân đang ngày đêm bám biển, các nhà báo cũng là những người lính đi đầu trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền Tổ quốc.

Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa  - Ảnh: VTV

NHÀ BÁO Ở HOÀNG SA

Ngay từ đầu tháng 5-2014, các cơ quan báo chí đã chủ động cử phóng viên theo những con tàu của CSB và kiểm ngư ra vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép để phản ánh, đưa tin diễn biến tình hình. Hàng chục phóng viên trong nước và quốc tế đã có mặt kịp thời, thông tin trung thực, chuyển tải đến nhân dân trong nước và thế giới những hành động sai trái của Trung Quốc. Hầu hết phóng viên tác nghiệp tại Hoàng Sa lần này đều là những nhà báo trẻ, đầy nhiệt huyết và sẵn sàng đóng góp công sức vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Trên những con tàu chấp pháp, phóng viên đối diện với hiểm nguy để tác nghiệp, truyền tải đến nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và các quốc gia trên thế giới hiểu rõ hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc là trái với luật pháp Việt Nam, trái với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Vũ khí của nhà báo chỉ là máy ảnh, máy quay phim, cây viết để hình thành nên những tác phẩm báo chí chân thực, nóng hổi tính thời sự tại vùng biển Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Giữa biển trời của Tổ quốc, trên boong các con tàu chấp pháp của Việt Nam, nhà báo cũng như các chiến sĩ luôn bình tĩnh, can đảm, vững vàng để có những thước phim, tấm ảnh trung thực, gửi những bản tin sớm nhất về tòa soạn. Đến nay đã có hàng ngàn bài báo, bản tin, phóng sự; hàng ngàn bức ảnh của phóng viên được các cơ quan báo chí đăng tải nhằm thông tin kịp thời, chính xác về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa hàng trăm tàu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.


Các nhà báo tác nghiệp tại Hoàng Sa những ngày đầu tháng 6 - Ảnh internet

Một bài viết, một bản tin của nhà báo khi đưa về từ “điểm nóng” trên biển Đông có tác động rất lớn với dư luận trong và ngoài nước. Đó là những clip của VTV trong các bản tin thời sự hằng ngày, các bài đăng trên báo viết, báo điện tử, hay những bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam... đầy sức thuyết phục, tố cáo mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc, đồng thời cho thấy sự kiên cường khéo léo, sức kiềm chế của cán bộ, chiến sĩ CSB, kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Những thước phim cùng với giọng nói đĩnh đạc của các anh giữa biển khơi đã đem đến cho người dân đất liền niềm tin tất thắng trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển đảo.

CHUYẾN CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT

Trung ương Đoàn vừa khen thưởng 9 phóng viên trẻ tác nghiệp ở Hoàng Sa. Đây là những phóng viên “Đã có tinh thần dũng cảm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin về vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”. Vinh dự nhận khen thưởng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đợt này là 3 phóng viên của báo Thanh Niên (Hoàng Sơn, Mai Thanh Hải, Trung Hiếu), 3 phóng viên báo Tuổi Trẻ (Tấn Vũ, Viễn Sự, Thuận Thắng) và 3 phóng viên  báo Tiền Phong (Xuân Huy, Đinh Nam Cường, Nguyễn Công Khanh).

Tác nghiệp ở Hoàng Sa, phóng viên đã trực tiếp chứng kiến, ghi nhận hành động tấn công, uy hiếp, sự hung hăng, vô nhân đạo của các tàu Trung Quốc. Nhà báo Hoàng Văn Minh (Báo Lao Động) kể: “Tàu Trung Quốc số hiệu 3401 phun nước liên tục trong gần 20 phút, rồi tăng tốc đâm mạnh, làm rách vệt dài lan can mạn phải của tàu kiểm ngư Việt Nam, sau đó quay hướng bỏ đi. Phía ngoài, hai tàu khác của Trung Quốc cùng hỗ trợ, uy hiếp, nhưng tất cả chúng tôi đều không sợ”. Hàng loạt tấm hình, clip cận cảnh ghi lại hoạt động uy hiếp, ngăn cản, phun vòi rồng đe dọa và trực tiếp gây hại lên tàu chấp pháp Việt Nam đã được lưu lại. Đó là những bằng chứng không thể chối cãi về sự hung hăng của các tàu Trung Quốc. Phóng viên Việt Cường (Ban Thời sự VTV) cho biết: “Nhóm chúng tôi tác nghiệp luôn trong tình trạng nguy hiểm vì nếu muốn có hình ảnh tốt nhất phải đứng trên boong tàu, mũi tàu mà tàu Trung Quốc lại luôn ép sát tàu Việt Nam và sẵn sàng gây hấn”. Tất cả phóng viên khi đã ra tới Hoàng Sa đều mong muốn gửi về tòa soạn bản tin nóng hổi, cập nhật thời sự nhanh nhất, nhưng mọi diễn biến nơi biển cả mênh mông khác hoàn toàn với điều kiện ở đất liền. Việc truyền tải bài viết, hình ảnh, clip về tòa soạn vô cùng khó trong điều kiện không internet, sóng điện thoại vệ tinh chập chờn...

Các phóng viên sau khi trở về từ Hoàng Sa đều cho rằng, đây là chuyến công tác đặc biệt của người làm báo. Đặc biệt bởi lẽ, họ phải tác nghiệp trên boong tàu, giữa biển trời bao la và nguy hiểm luôn cận kề. Phóng viên vừa là nhà báo đồng thời là một thành viên, một chiến sĩ trên những con tàu chấp pháp của Việt Nam. Họ chứng kiến sự can trường, dũng cảm, kiên quyết bám biển, bảo vệ chủ quyền của lực lượng CSB, kiểm ngư và ngư dân. Trước sự hung hãn của các tàu Trung Quốc, ai cũng lo lắng cho sự an toàn của ngư dân và những người chấp pháp thực thi nhiệm vụ. Nhưng họ tin rằng chính nghĩa sẽ thắng và Trung Quốc phải rút vô điều kiện giàn khoan Hải Dương 981 cùng các loại tàu ra khỏi lãnh hải của Việt Nam.      

Đức Hồng

  • Từ khóa
49325

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu