Thứ 3, 21/05/2024 06:49:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:49, 30/05/2014 GMT+7

Các dự án trồng cao su của VRG thắt chặt tình hữu nghị Việt - Lào

Thứ 6, 30/05/2014 | 07:49:00 339 lượt xem
BP - Trong những ngày tháng 5, tại tỉnh Savannakhet, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Công ty cổ phần Quasa - Geruco - Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức lễ mở miệng cạo 300 ha cao su đầu tiên. Đây cũng là đơn vị thứ 2 của VRG khơi dòng nhựa trắng trên đất bạn Lào, minh chứng hiệu quả kinh tế - xã hội và thắt chặt tình hữu nghị Việt - Lào.

HIỆU QUẢ KINH TẾ

Công ty cổ phần Quasa - Geruco thành lập ngày 1-9-2006, do 6 cổ đông góp vốn: VRG và các công ty cao su trực thuộc là Dầu Tiếng, Phước Hòa, Bình Long, Quảng Trị, Tân Biên. Ngày 11-5-2007, công ty được Chính phủ Lào cấp phép đầu tư, hiện đã trồng được hơn 6.785 ha. Ngoài 300 ha đưa vào khai thác trong tháng 5, dự kiến công ty mở miệng cạo thêm 400 ha vào tháng 10-2014, nâng tổng diện tích cao su của VRG đưa vào khai thác trên đất bạn Lào hơn 9.000 ha, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho Lào.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại lễ mở miệng cạo vườn cao su Việt - Lào   - Ảnh: VRG

Dự án trồng cao su của các công ty con trực thuộc VRG được triển khai từ năm 2005, theo ký kết giữa 2 chính phủ Việt - Lào. Đến nay, VRG đã triển khai được 8 dự án, với tổng diện tích gần 30.000 ha. Năm 2012, Công ty cổ phần Cao su Việt - Lào - đơn vị đầu tiên trồng cao su tại Lào - đã đưa gần 5.500 ha vào khai thác. 2012 cũng là năm đầu tiên nhà máy chế biến mủ của công ty đi vào hoạt động, sản xuất được 4 loại sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu. Năm 2013, Công ty cổ phần Việt - Lào đã khai thác gần 10.000 tấn mủ, đạt 114% kế hoạch giao.

Năm 2007, Công ty cổ phần Dầu Tiếng Việt - Lào đầu tư vào Lào và đã trồng được 6.712 ha cao su, tổng mức đầu tư 82 triệu USD. Năm 2013, công ty đưa vào khai thác 868 ha và xây dựng nhà máy chế biến với công suất 22.000 tấn/năm. Công ty TNHH Cao su Đồng Nai - Bắc Lào cũng triển khai dự án hợp tác trồng cao su với người dân ở tỉnh Oudomxay. Ngoài ra, Công ty cổ phần Cao su thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Cao su Blikhamxay đầu tư trồng cao su ở các tỉnh Chămpasắk, Bolikhamxay, theo ký kết hợp tác giữa Trung ương Đoàn 2 nước với người dân địa phương.

Ý NGHĨA XÃ HỘI

Công ty cổ phần Quasa- Geruco là đơn vị đầu tiên đầu tư trồng cao su thành công tại khu vực khó khăn về thổ nhưỡng, khí hậu ở Trung Lào. Công ty tạo việc làm cho 700 lao động người Lào, với thu nhập bình quân hơn 1,5 triệu kíp/người/tháng. Ngoài lương, công ty còn cho công nhân trồng xen hoa màu trong vườn cao su trồng mới để cải thiện cuộc sống gia đình. Ngoài tổng vốn đầu tư trồng cao su hơn 60 triệu USD, công ty còn đầu tư hơn 2.388 tỷ kíp cho cơ sở hạ tầng và các hoạt động từ thiện xã hội.

Tại buổi lễ mở miệng cạo của Công ty cổ phần Quasa - Geruco, ông Somasavat Lengsavad, Phó thủ tướng Thường trực Lào phát biểu: “Đây là sự kiện lịch sử trên đất Savannakhet”. Ông cho rằng trong quá trình triển khai dự án, VRG và Công ty cổ phần Quasa - Geruco đã thực hiện đúng chủ trương hợp tác giữa 2 chính phủ Lào - Việt Nam. Ông khẳng định “Cao su của VRG trồng đến đâu là cơ sở hạ tầng của Lào được đầu tư xây dựng tới đó. Dự án tạo việc làm cho người dân địa phương và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Lào...”.

Đầu tư tại Lào, VRG thực hiện đúng thỏa thuận là sử dụng 90% lao động tại chỗ. Ở những dự án của VRG, các công ty đã sử dụng khoảng 10.000 lao động người Lào, chiếm 95%/tổng lao động. Mức lương bình quân của công nhân lao động trực tiếp là 200 USD/người/tháng, cao hơn mặt bằng chung tại nước bạn. Ngoài tiền lương, các công ty còn cấp thêm gạo, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết, lễ và khám sức khỏe định kỳ cho công nhân.

Ngoài trồng cao su, tại những khu vực có dự án đứng chân, các doanh nghiệp chú trọng đầu tư điện, đường, trường, trạm đồng bộ và tham gia nhiều chương trình từ thiện xã hội, phục vụ nhu cầu của người dân. Đầu tư trồng cao su ở vùng nông thôn nghèo của Lào, các doanh nghiệp của Việt Nam đã góp phần làm thay đổi tập quán du canh, du cư của người dân. Qua đó góp phần cải tạo bộ mặt nông thôn nghèo lạc hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng có dự án và thắt chặt hợp tác hữu nghị Việt - Lào.   

  P.HÀ  (Theo nguồn VRG)

  • Từ khóa
37450

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu