Thứ 5, 25/04/2024 21:30:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:58, 11/01/2018 GMT+7

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Nguồn TTXVN
Thứ 5, 11/01/2018 | 15:58:00 3,899 lượt xem
BPO - Hội nghị tổng kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2017 đã diễn ra tại Hà Nội, sáng 11-1.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị

Hội nghị đánh giá năm 2017, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung đánh giá kết quả thực hiện phương châm dân biết, dân làm, dân kiểm tra gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW (khóa XII), đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các phong trào thi đua, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa.

Các cơ quan, địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy chế, quy ước, hương ước phù hợp với quy định của pháp luật, tình hình thực tiễn.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và nhiều địa phương có nhiều đổi mới, nhất là trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, tổ chức hội nghị chuyên đề.

Ban chỉ đạo các cấp phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội hướng dẫn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở khá nền nếp.

Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ công chức, nhân dân có nhiều chuyển biến. Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở từng loại hình cơ sở có nhiều tiến bộ.

Công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, vì dân phục vụ công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, chế độ công vụ, công chức; tiến tới hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc tồn đọng, kéo dài...

Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng được phát huy. Bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, việc thực hiện quy chế dân chủ còn một số bất cập, hạn chế. Việc niêm yết, công khai các nội dung để dân biết theo quy định của Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về "Thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn" có lúc, có nơi còn hình thức, nhiều lĩnh vực niêm yết còn chung chung, nội dung công khai chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu cụ thể nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin.

Việc xây dựng, ban hành quy chế, quy định tại các cơ quan, đơn vị đạt số lượng khá nhưng chất lượng thực hiện quy chế, quy định chưa cao, có nơi chưa nghiêm túc. Công tác tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện quy chế dân chủ ở một số nơi còn hạn chế, phương thức tuyên truyền, vận động chưa có nhiều đổi mới...

Ban Chỉ đạo đề ra nhiệm vụ trong năm 2018, đó là tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ; đẩy mạnh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với các loại hình, bảo đảm thực chất, hiệu quả; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện cải cách hành chính, cải tiến lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Ban chỉ đạo tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp với nhân dân theo quy định; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở; tiếp tục kiện toàn, đổi mới hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo các cấp.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Trương Thị Mai nhận định năm 2017 đã có sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân. Thể chế hóa các quy định Hiến pháp năm 2013, nhiều luật, đạo luật đã được ban hành nhằm phát huy dân chủ của người dân. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, các dịch vụ công.. được cải tiến ở nhiều địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai cho rằng còn nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, cần tiếp tục được cải thiện trong tương lai thông qua phát triển kinh tế-xã hội. Vẫn còn một số vụ việc khiếu kiện kéo dài... cần có những giải pháp, chính sách hài hòa để bảo đảm đời sống, lợi ích của người dân.

Hiện tác động của mạng xã hội làm ảnh hưởng đến người dân, vì vậy cần thông tin tuyên truyền trực tiếp từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để giải đáp vướng mắc cho người dân. Quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội với người dân cần phải phát huy tốt hơn thông qua đối thoại.

Bà Trương Thị Mai lưu ý cần tăng cường cơ chế giám sát đối với trách nhiệm người đứng đầu. Bởi thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo đó, dự kiến năm 2018, Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ tổ chức ba đoàn kiểm tra do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Trần Thị Bích Thủy làm Trưởng đoàn, giám sát việc thực hiện quy chế tại Khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh biên giới phía Bắc và các bộ, ngành Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thời gian kiểm tra sẽ được thực hiện trong sáu tháng đầu năm 2018.

  • Từ khóa
19803

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu