Thứ 4, 08/05/2024 13:47:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:39, 07/04/2024 GMT+7

KỶ NIỆM 52 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG LỘC NINH (7-4-1972 - 7-4-2024)

Vang danh 'đội quân tóc dài'

Nguyễn Tấn - Trung Quang
Chủ nhật, 07/04/2024 | 09:39:42 1,656 lượt xem
BPO - Cách đây tròn 52 năm, ngày 7-4-1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng và trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của miền Nam giành được độc lập, tự do, đồng thời trở thành nơi đặt cơ quan đầu não của cách mạng trong cuộc tổng tiến công thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Để có chiến công hiển hách này, cùng với sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương, của Bộ Chỉ huy Miền và nghệ thuật quân sự tài tình của ta còn có sự đóng góp lớn lao của quân và dân huyện Lộc Ninh anh dũng. Kỷ niệm 52 năm Ngày giải phóng huyện Lộc Ninh, chúng tôi có dịp gặp gỡ những người bà, người mẹ được mệnh danh là “đội quân tóc dài” năm xưa góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của hơn nửa thế kỷ trước.

Trong những ngày đầu tháng 4 lịch sử này, các nữ kháng chiến của huyện Lộc Ninh lại tề tựu về Nhà Giao tế, nơi trưng bày, ghi dấu những chiến tích vẻ vang của quân và dân ta trong chiến dịch Nguyễn Huệ - đường 13, giải phóng Lộc Ninh để ôn lại những ký ức một thời khói lửa oanh liệt… 

Các nữ kháng chiến huyện Lộc Ninh đi thăm chứng tích chiến dịch Nguyễn Huệ  - giải phóng Lộc Ninh tại Nhà Giao tế để ôn lại quá khứ hào hùng

Hơn nửa thế kỷ trước, ở độ tuổi thanh xuân, các cô, các mẹ đã gác lại niềm riêng để trở thành “đội quân tóc dài” đóng góp công sức cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng quê hương Lộc Ninh. Tiêu biểu trong những nữ kháng chiến đó là bà Đỗ Thị Nghĩa, hiện là Chủ tịch Hội Nữ kháng chiến huyện Lộc Ninh. Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, mới 14 tuổi bà đã làm giao liên và phụ trách công tác dân vận, địch vận và đi gầy dựng cơ sở cho cách mạng. “Nhìn cảnh nhiều người thân trong gia đình bị địch bắt bớ, rồi chúng chèn ép nhân dân, tôi không thôi căm phẫn… Và như lời chị Út Tịch (nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, quê tỉnh Trà Vinh) nói “còn cái lai quần cũng đánh” nên bản thân tôi không sợ gì kẻ thù, dẫu có lúc bị địch truy lùng, cận kề cái chết tôi vẫn không có suy nghĩ đầu hàng hay bỏ cuộc. Bởi đơn giản có hy sinh thì mình cũng hy sinh cho đất nước, cho quê hương” - bà Nghĩa bộc bạch.

Dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng bà Đỗ Thị Nghĩa, hiện là Chủ tịch Hội Nữ kháng chiến Lộc Ninh vẫn tự hào, xúc động khi nhớ lại những ngày tháng cùng quân, dân giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng Lộc Ninh ngày 7-4-1972

Một nữ kháng chiến khác là bà Nguyễn Thị Hoa kể: Tôi không trực tiếp tham gia đánh giặc, chỉ làm công tác trợ lý, văn thư, giao liên cho các cán bộ cách mạng ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động trong lòng địch thì luôn đối diện với hiểm nguy, ấy thế tôi chẳng hề lo sợ gì, bởi ý chí và sự rèn luyện của cách mạng đã cho tôi niềm tin, rồi đây cách mạng sẽ thành công, kẻ thù sẽ bị đánh bại. Ngày 7-4-1972, Lộc Ninh được giải phóng, tôi mừng như muốn khóc vì quá hạnh phúc!

Vào những năm tháng kháng chiến, thành viên “đội quân tóc dài” ở Lộc Ninh tham gia rất nhiều công việc khác nhau, như làm giao liên, binh vận, dân vận… để hỗ trợ đắc lực cho từng trận tuyến. Dù không nhiều người trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng sự đóng góp của những nữ kháng chiến này đã giúp sức quan trọng để bộ đội chủ lực địa phương và quân đội ta giành những chiến thắng vang dội trước kẻ thù.

Ông Vũ Văn Đàm, từng là chiến sĩ ở Đại đội Bộ binh 31 anh hùng kể: Bản thân tôi nếu không có những nữ kháng chiến hỗ trợ thì chắc không còn sống được như hôm nay. Trong một trận càn của địch, tôi bị thương rất nặng và chính những cô dân quân, y tá phục vụ trong hậu cứ đã tải thương tôi về tuyến sau để điều trị. Sau ngày 7-4-1972 cũng vậy, dù Lộc Ninh đã được giải phóng nhưng vẫn còn một lực lượng địch không nhỏ cố thủ ở các nơi. Những nữ kháng chiến đã làm công tác dân vận, địch vận, không ngại hiểm nguy len lỏi vào từng hang ổ địch để vận động, tuyên truyền chúng ra hàng binh. Nếu không có các nữ kháng chiến thì lực lượng chúng tôi phải đối đầu với cuộc chiến tử thủ của địch vô cùng gian nan.

Hơn 50 năm trước, những chiến sĩ Đại đội Bộ binh 31 như ông Vũ Văn Đàm luôn nhận được sự giúp sức rất lớn từ “đội quân tóc dài” trong từng trận chiến trước kẻ thù

Hôm nay, sống trong hòa bình và quê hương Lộc Ninh ngày một đổi mới, những người bà, người mẹ từng can trường năm xưa lại nỗ lực trong một tâm thế khác. Tâm thế của người phụ nữ tảo tần, xây dựng kinh tế gia đình và giáo dục con cháu sống xứng đáng với những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông, tiếp tục ra sức xây dựng quê hương Lộc Ninh ngày càng giàu đẹp. 

Lộc Ninh, mảnh đất anh hùng - vùng đất đỏ đã nhuộm thắm máu đào của những người con kiên trung dân tộc năm xưa nay đã nở hoa, những bông hoa tươi thắm khoe sắc tượng trưng cho sự hội nhập và phát triển.

  • Từ khóa
193559

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu