Chủ nhật, 05/05/2024 22:36:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:26, 27/02/2024 GMT+7

KỶ NIỆM 69 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27-2-1955 - 27-2-2024)

Tận tâm với người bệnh

Phạm Quang
Thứ 3, 27/02/2024 | 08:26:01 1,782 lượt xem
BPO - Là người con của quê hương Bình Định, tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, bác sĩ Nguyễn Hữu Lộc và bác sĩ Trần Đình Dương đã chọn gắn bó với quê hương Bình Phước và hiện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng. Bằng tâm huyết cháy bỏng với nghề và tình yêu thương bệnh nhân đã giúp 2 bác sĩ trẻ chiếm trọn tình cảm của đồng nghiệp và bệnh nhân, thân nhân người bệnh ở huyện vùng cao Bù Đăng.

Gắn bó với Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng từ sự tình cờ, nhưng đến nay, sau hơn 3 năm công tác tại Khoa Ngoại tổng hợp, bác sĩ đa khoa Nguyễn Hữu Lộc quyết định sẽ gắn bó, xây dựng sự nghiệp lâu dài tại đây. Trong quá trình công tác, bác sĩ cùng đồng nghiệp đã chứng kiến, trực tiếp tham gia xử lý, điều trị nhiều ca bệnh các loại. Và có những ca cấp cứu, xử lý đến nay bác sĩ Lộc chưa thể nào quên.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Lộc thăm khám bệnh nhân đang điều trị nội trú

Bác sĩ Lộc chia sẻ: “Tôi còn nhớ rõ vụ tai nạn giao thông làm lật xe khách vào chiều 28-8-2023 trên quốc lộ 14, đoạn thuộc thôn 3, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, 23 người được đưa vào Trung tâm Y tế huyện cấp cứu gần như cùng lúc. Khi đó, lãnh đạo trung tâm gọi tất cả anh em các khoa, phòng nhanh chóng tham gia hỗ trợ. Có rất nhiều bệnh nhân nặng, nhưng tôi nhớ mãi 1 bệnh nhi bị gãy 2 xương đùi, vào trung tâm huyết áp không đo được, mạch nhanh, nhỏ. Chúng tôi cố gắng hết sức để sơ cứu ban đầu cho bé rồi chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng (TP. Hồ Chí Minh). Cháu bé đã được cứu chữa thành công. Sau đó, người thân cháu bé đã quay lại cảm ơn y, bác sĩ trung tâm đã xử trí đúng, kịp thời nên cứu được cháu bé”. 

Còn với bác sĩ Trần Đình Dương, hiện công tác tại Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, là bác sĩ nam duy nhất của khoa. Cơ duyên khiến anh quyết định chuyển lĩnh vực chuyên môn cũng rất tình cờ. Bác sĩ Dương cho biết, ban đầu anh theo học khoa nội, nhưng khi đi thực tập, anh đã rất buồn mỗi lần chứng kiến các bệnh nhân nặng rồi tử vong và luôn tìm thấy niềm vui với nghề khi được nghe những tiếng khóc chào đời của trẻ sơ sinh, tận tay giúp đỡ các ca sinh “mẹ tròn con vuông”, từ đó anh gắn bó với khoa sản.

Bác sĩ Trần Đình Dương giao ban chuyên môn cùng lãnh đạo trung tâm và đồng nghiệp trong Khoa Sản

Đang chăm sóc người nhà sau sinh tại Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, anh Nông Văn Thạch, ngụ thôn 2, xã Đường 10, huyện Bù Đăng chia sẻ: “Khi tôi đưa vợ vào Khoa Sản, bác sĩ Dương và các đồng nghiệp đã tận tình giúp đỡ gia đình rất nhiều, từ làm hồ sơ đến khám sức khỏe và công tác chuẩn bị. Tôi rất cảm kích tấm lòng của các y, bác sĩ và điều dưỡng ở đây”.

Trong quá trình công tác, bác sĩ Dương cùng đồng nghiệp đã có rất nhiều kỷ niệm khó quên. “Kỷ niệm gần nhất là hôm đó tôi vừa xuống ca trực, đang ở nhà thì nữ hộ sinh gọi lên giúp. Tôi chạy lên thì thấy bệnh nhân thai ngoài tử cung, vỡ, ngưng tim, ngưng thở. Tôi lập tức tiến hành hội chẩn và mổ cấp cứu. Bệnh nhân mất khoảng 3 lít máu. Cứu sống được bệnh nhân đó là kỷ niệm khó quên trong những năm gắn bó với nghề của tôi” - bác sĩ Dương nhớ lại.

“Bác sĩ Lộc và bác sĩ Dương về công tác tại trung tâm trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19. Khi đó, toàn huyện đang dốc sức cho công tác chống dịch. 2 bác sĩ đã xung phong đi các chốt của huyện, tham gia vào khu điều trị F0. 2 bác sĩ rất năng nổ, nhiệt tình, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, còn tham gia đầy đủ các phong trào, hoạt động của đơn vị.

Bác sĩ LƯƠNG THỊ LỆ THỦY, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng


Cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng, bác sĩ Lộc và bác sĩ Dương xác định tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương, nhất là khi Bù Đăng còn nhiều khó khăn bởi đặc thù là huyện miền núi, địa bàn rộng với dân số gần 143 ngàn người, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 40%.

  • Từ khóa
190425

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu