Thứ 5, 02/05/2024 12:42:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 05:05, 07/05/2023 GMT+7

Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2023)

Thao thức Mường Phăng

Thảo Linh
Chủ nhật, 07/05/2023 | 05:05:50 1,527 lượt xem
BPO - Nhắc đến Điện Biên Phủ bất kể người Việt Nam nào cũng sẽ nghĩ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, linh hồn của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thế nên lên Điện Biên lần này, tôi vô cùng háo hức khi được thăm Khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, còn gọi là Rừng Đại tướng, Rừng Cụ Giáp - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh Việt Nam ngày ấy đã sống, làm việc, nghiên cứu phương án tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và giành thắng lợi vẻ vang.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn mình dưới tán rừng nguyên sinh. Nơi đây là đầu nguồn con suối Nặm Pá Hốc trong veo, tưới mát cho cả thung lũng Mường Phăng màu mỡ. Đường về Mường Phăng dẫu đã được thảm nhựa rộng và đẹp, nhưng cảnh trí hai bên đường vẫn giữ nguyên nét hoang sơ. Những cánh rừng phía xa xanh thẫm trong sương, dưới thung là những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn màu xanh của lúa. Và trên những triền dốc men theo con đường nhựa, những mái nhà sàn thưa thớt, thấp thoáng bóng những cô gái Thái áo cóm khăn piêu má ửng hồng như lẫn vào những liếp hoa rừng ẩn hiện trong màn mây sà thấp, tạo một cảm giác thanh bình, yên ả đến nao lòng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên Phủ năm 2004. Ảnh tư liệu

Đã gần bảy thập kỷ trôi qua, Rừng Đại tướng vẫn bạt ngàn xanh tươi như tấm lòng yêu mến, thủy chung vẹn nguyên của đồng bào các dân tộc Tây Bắc dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân năm ấy. Cả một cánh rừng rộng tới 293ha với rất nhiều loại cây gỗ quý như dổi, vàng tâm, xoan hương, xoan đào cả vòng tay ôm không xuể được tuần tra, canh gác nghiêm ngặt và chưa hề xảy ra bất cứ hiện tượng chặt phá nào. Thi thoảng, các nhóm đoàn viên, thanh niên, dân quân, phụ nữ tự nguyện vào rừng dọn lá, tỉa cành phòng cháy rừng. Trẻ em, học sinh thì vào Rừng Cụ Giáp chơi hoặc cắm trại, tổ chức các sự kiện.

Du khách mọi miền về thăm Rừng Đại tướng

Trong những đoàn người đến thăm Rừng Đại tướng, tôi nghe được đủ giọng nói từ mọi miền Tổ quốc, trong đó có những đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong ngực lấp lánh huân, huy chương. Họ vừa đi vừa hát vang những bài ca về Điện Biên như: Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa, Hò kéo pháo… Cô hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi người dân tộc Thái, giọng thuyết minh vẫn mang âm sắc bản địa, nhưng đây hẳn là chủ ý của Ban quản lý khu di tích khi chọn những cô gái người tại chỗ làm hướng dẫn viên.

Đoàn cựu thanh niên xung phong tỉnh Hải Dương về nguồn tại Khu Di tích lịch sử Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là một con đường hầm dài 320m, xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn pháo. Những bậc đá dẫn lên miệng hầm phủ một lớp rêu xanh dày như tấm thảm. Khi đất nước hòa bình, đã nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng đội của ông trở lại thăm khu Sở Chỉ huy và bà con Mường Phăng. Những khu lán thông tin, lán giao ban, nhà Đại tướng ở và cả căn hầm nơi Đại tướng từng làm việc, nghiên cứu phương án tác chiến không còn nguyên vẹn và đã được tu bổ nhiều lần trên nền cũ, nhưng vẫn tạo cho du khách cảm xúc gần gũi về người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các em thiếu nhi huyện Điện Biên thăm Rừng Đại tướng

Cô hướng dẫn viên kể: Năm 2004, trong lần về thăm Điện Biên, Đại tướng đã phát biểu trong nước mắt: Tôi lên Điện Biên Phủ, cả ngày đêm thương nhớ anh em, nhớ những nấm mồ. Đó là những chàng trai, cô gái Phù Đổng làm xong nhiệm vụ đã bay về trời. Tổ quốc, nhân dân mãi ghi công họ… Tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả! Có lẽ, chính sự khiêm nhường đã làm uy danh của Đại tướng bay xa, không chỉ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở Điện Biên, ở Việt Nam mà bạn bè quốc tế đều kính phục.

Dọc đường vào khu di tích, những phụ nữ dân tộc Thái bày bán các sản vật từ rừng. Tôi ngạc nhiên thấy mấy nhóm trẻ em khoảng 8 đến 15 tuổi đứng hai bên đường vòng tay lễ phép chào du khách. Chỉ cần nhìn qua là biết cuộc sống của bản thân cũng như gia đình các em ở mức nào. Có em đi dép và xống áo sạch sẽ, nhưng nhiều em vẫn chân đất và áo quần nhuốm màu. Hỏi sao các cháu không đi học lại vào đây thì chỉ thấy những nụ cười bẽn lẽn. Tuyệt nhiên không có bất cứ một bàn tay nào chìa ra xin tiền du khách - dẫu ai cũng hiểu việc các em có mặt nơi đây không hẳn là đi chơi! Chúng cháu chào ông bà ạ! Chúng cháu chào cô chú ạ! Những đôi mắt trong veo màu rừng núi, những tiếng chào lễ phép và cách các em có mặt nơi đây khiến ai cũng phải động lòng. Nhiều người cho các em những đồng tiền lẻ. Có người đưa tờ tiền chẵn cho một bé và nói: ông, bà, cô, chú cho cả nhóm nhé thì các bé lẳng lặng gật đầu và đồng thanh cảm ơn, không một tiếng cãi cọ.

Đi theo nhóm của tôi là bốn cậu bé. Tôi chỉ nhớ bé 12 tuổi, dáng người nhỏ thó, tóc vàng hoe tên Vi Văn Sùng, các bạn còn lại đều 13, 14 tuổi. Nhỏ nhất, nhưng Sùng lại có tài diễn thuyết và nhớ rành rọt từng chi tiết mỗi khi chúng tôi đứng trước một di tích. Khi bước qua một cây cầu nhỏ, ai cũng tưởng là cầu gỗ thì Sùng nói: Đây là cầu xi măng, không phải cầu gỗ đâu ạ. Cả những thùng rác bên đường đều là xi măng giả gỗ. Người ta làm thế để chống nạn phá rừng đó ạ! Chúng tôi cùng ồ lên, bất ngờ trước kiến thức cũng như khả năng diễn thuyết của cậu bé 12 tuổi. Sùng còn kể những tình tiết không có trong sách báo, cũng không thấy cô hướng dẫn viên nhắc tới. Đó là sau khi giải phóng Điện Biên, bà con Mường Phăng vui mừng biếu Đại tướng ba con trâu để khao quân. Đại tướng chỉ nhận hai con, còn một con biếu lại dân làng cùng mừng chiến thắng. Ngạc nhiên chưa! Ở độ tuổi còn quá nhỏ, những cô bé, cậu bé như Vi Văn Sùng chưa thể hiểu hết tầm vóc lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng hẳn trong tâm hồn các em luôn hiện hữu niềm tự hào sâu sắc về quê hương Mường Phăng, về vị Đại tướng tài ba của dân tộc. Nhờ giọng kể hồn nhiên của Sùng mà chúng tôi hiểu thêm về tình cảm mến thương mà đồng bào Mường Phăng dành cho vị tướng huyền thoại của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hỏi cháu nghe những thông tin này từ đâu? Sùng trả lời: Cháu đi theo các đoàn khách, nghe thuyết minh, nghe người lớn trong bản và cả du khách nói chuyện với nhau rồi nhớ ạ. Tôi cầm tay Sùng khen giỏi quá, bà thưởng thêm nhé. Sùng lại lễ phép cảm ơn. Rồi tôi quay qua các bạn của Sùng: Các cháu nên học bạn Sùng để giới thiệu cho du khách những thông tin quý về khu di tích lịch sử của quê hương mình nhé!

Chúng tôi rời Mường Phăng khi trời chiều xế bóng. Sở Chỉ huy, lán thông tin, lán giao ban, nhà Đại tướng, bếp Hoàng Cầm… cả những đứa trẻ Mường Phăng dễ thương lùi dần về phía sau. Quanh khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã xuất hiện một vài homestay nên khách tây, khách ta tới Mường Phăng không còn phải vội vã quay về thành phố Điện Biên Phủ để lo chỗ ăn, nghỉ nữa. Người dân Mường Phăng đang dần làm quen với việc khai thác du lịch về nguồn. Nhưng không hiểu sao ánh mắt trong trẻo, giọng kể hồn nhiên của Vi Văn Sùng cùng bộ dạng những cô bé, cậu bé dân tộc Thái ở Mường Phăng lại khiến tôi có một đêm thao thức. Chợt trong đầu vang lên mấy câu trong bài thơ “Dưới tán rừng Đại tướng ở Mường Phăng” của Lê Anh Phong:

…Thân thiện nồng nàn những ánh mắt Mường Phăng

“Rừng chiến dịch”/ “Rừng nhân dân”/ “Rừng Đại tướng”

Mường Phăng

Nghe lịch sử vọng về muôn kỳ tích!

  • Từ khóa
167111

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu