Thứ 3, 21/05/2024 05:08:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 19:58, 10/06/2022 GMT+7

Lấy ý kiến xây dựng “Mô hình làng thanh niên DTTS tỉnh Bình Phước” English Edition

Xuân Túc - Trương Hiện
Thứ 6, 10/06/2022 | 19:58:30 1,057 lượt xem
BPO - Chiều nay 10-6, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh chủ trì họp, giải quyết một số nội dung liên quan đến Đề án “Mô hình làng thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước”.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể của tỉnh và huyện Lộc Ninh cùng dự.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lý Trọng Nhân trình bày nội dung đề án

Báo cáo tại cuộc họp, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Đề án “Mô hình làng thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước” dự kiến triển khai làm điểm tại huyện Lộc Ninh, từ năm 2022-2024. Trên cơ sở ý kiến các sở, ngành, đơn vị, thống nhất phương án bố trí 100 hộ dân sinh sống tập trung, với diện tích 48 ha, tương đương với 1 ấp. Đối tượng là thanh niên dân tộc thiểu số, tuổi đời từ 20 đến 30 tuổi. 

Về quỹ đất, dự kiến sẽ quy hoạch bố trí 48 ha thuộc Công ty cổ phần Cao su Sông Bé tại ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Kinh phí đầu tư dự án dự kiến trên 100 tỷ đồng, đầu tư các hạng mục như: đường giao thông, trường học, nhà văn hóa - thể thao, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch, nhà ở và hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá cao tính chất đề án, bởi sau khi hoàn thành sẽ góp phần làm dày thêm phên dậu nơi biên cương, các sở, ngành, địa phương cho rằng: Đối với nguồn đất hỗ trợ, cần phải có sự ràng buộc chặt chẽ để hạn chế tình trạng sang nhượng, cầm cố đất; riêng phương án hỗ trợ sản xuất, nên xây dựng phương án sản xuất theo hướng hợp tác xã để đảm bảo phát triển kinh tế lâu dài, bền vững. Đối với đối tượng tham gia, các đại biểu dự họp đề xuất nên mở rộng phạm vi toàn tỉnh…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho rằng, đây là đề án hết sức ý nghĩa, tuy nhiên lại mới mẻ, chưa có tiền lệ từ trước đến nay

Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho rằng: Đây là đề án hết sức ý nghĩa, tuy nhiên lại mới mẻ, chưa có tiền lệ từ trước đến nay. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần phải rà soát lại cơ sở pháp lý liên quan đến đất đai, nguồn vốn sao cho đảm bảo đúng luật, có tính khả thi cao, đảm bảo tính bền vững cho các đối tượng được ưu tiên…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đề nghị các đơn vị liên quan cần khảo sát kỹ để đề án vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa phát huy hiệu quả mô hình

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền thống nhất phương án triển khai đề án, bởi đây là chính sách nhân văn. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, đề án này không có chính sách cụ thể, do đó cần phải “liệu cơm gắp mắm” sao cho hợp lý.

Đối với một số tiêu chí như độ tuổi dành cho các đối tượng, vị trí đất, mô hình sản xuất, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đề nghị các đơn vị liên quan phải nghiên cứu, khảo sát kỹ để vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa phát huy hiệu quả mô hình.

  • Từ khóa
144164

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu