Thứ 7, 04/05/2024 11:12:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 04:00, 07/04/2022 GMT+7

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HUYỆN LỘC NINH (7-4-1972 - 7-4-2022)

Lộc Ninh vững niềm tin tiếp bước

Thứ 5, 07/04/2022 | 04:00:26 528 lượt xem

* Lê Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh

BPO - Không chỉ anh hùng trong hai cuộc kháng chiến, 50 năm sau ngày giải phóng, tiếp nối truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của các thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh đã gặt hái nhiều thành công trên chặng đường phát triển và hội nhập. Lộc Ninh ngày nay đã khoác lên mình diện mạo mới, diện mạo của một trung tâm kinh tế năng động đang hình thành.

LỘC NINH GIAN LAO VÀ ANH DŨNG

Thực hiện ý đồ xâm lược Việt Nam, tháng 10-1965, Mỹ - ngụy xây mới 2 sân bay quân sự ở Lộc Ninh, Bù Đốp và mở rộng Chi khu Lộc Ninh. Năm 1970, tình hình chiến trường Lộc Ninh - Bù Đốp có những thay đổi. Trên đất Lộc Ninh, mật độ quân và phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy dày đặc. Lộc Ninh bị biến thành “hậu phương” cung cấp cho cuộc hành quân xâm lược của Mỹ - ngụy sang đất Campuchia.

Trong lúc địch ráo riết xây dựng hệ thống phòng thủ ở Lộc Ninh thì cũng là lúc Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định mở Chiến dịch Nguyễn Huệ. Đúng 5 giờ 30 phút ngày 3-4-1972, Bộ Chỉ huy chiến dịch phát lệnh nổ súng tấn công, quyết tâm giải phóng Lộc Ninh. Bộ đội chủ lực vây hãm cứ điểm Lộc Ninh, Đại đội 31 cùng du kích đánh chiếm Đồn Bảo An Làng 2, Lộc Khánh, Lộc Bình, Lộc Tấn. Nhân dân Lộc Ninh đồng loạt đứng lên tước súng phòng vệ dân sự, truy tìm, kêu gọi binh lính Mỹ đầu hàng. Đúng 17 giờ ngày 7-4-1972, Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày giải phóng, Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi đặt căn cứ của Quân ủy - Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và trụ sở làm việc của các phái đoàn quân sự 4 bên, là nơi tiếp khách quốc tế theo tinh thần của Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Và cũng chính nơi đây, tại Sân bay quân sự Lộc Ninh đã diễn ra sự kiện xúc động: đón khoảng 3.000 người con ưu tú của Tổ quốc từ các lao tù của chế độ Mỹ - ngụy trở về…

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng các thành viên đoàn công tác trồng cây lưu niệm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, huyện Lộc Ninh

Tuy nhiên, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), bước vào xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu, Lộc Ninh phải cùng cả nước đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam chống lại Pol Pot - Ieng Sary. Một lần nữa, Lộc Ninh trở thành chiến trường trọng điểm, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả với nước bạn Campuchia.        

CHUNG MỘT KHÁT VỌNG, TẦM NHÌN VÀ HÀNH ĐỘNG

Lộc Ninh bước vào giai đoạn kiến thiết và khôi phục kinh tế trong điều kiện bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân còn vô vàn khó khăn. Các hoạt động phá hoại quân sự, chiến tranh tâm lý của địch thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Lộc Ninh kiên trì, vừa đẩy mạnh các hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. 

Tròn 50 năm qua, đặc biệt sau 25 năm tái lập tỉnh, nhiều thế hệ nối tiếp nhưng chung một khát vọng, tầm nhìn: xây dựng Lộc Ninh ngày càng phát triển, đem lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Từ một huyện thuần nông, giáp biên, xa trung tâm tỉnh, giao thông đi lại khó khăn, nhưng trên cơ sở đánh giá đúng lợi thế, khơi dậy tiềm năng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, Lộc Ninh đã có sự phát triển vượt bậc so với các huyện vùng biên của tỉnh.

Lộc Ninh chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của nguồn năng lượng mặt trời và hỗ trợ tối đa doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này - Ảnh: Trương Hiện

Đặc biệt, với lợi thế có cửa khẩu quốc tế, đất đai rộng lớn và tuyến quốc lộ 13 ngang qua địa bàn, thông thương sang Campuchia và đi các nước Lào, Thái Lan, những năm qua, Lộc Ninh đã tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông, phát triển mạnh Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển. Với chiến lược đầu tư mang tính lâu dài và bền vững, Lộc Ninh đã sẵn sàng cho những bứt phá 5 năm, 10 năm tới và những năm tiếp theo.

Đó là các dự án: Khu đô thị Diamond City, quy mô 33,9 ha đang được triển khai xây dựng. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư quy mô 28.364 ha, đến nay đã thu hút 83 nhà đầu tư và đã có 38 doanh nghiệp hoạt động. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết. Dự án đường tránh quốc lộ 13 đoạn qua thị trấn Lộc Ninh. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Phan Chu Trinh… Không chỉ tạo đường băng cho Lộc Ninh cất cánh, đóng góp cho thu ngân sách huyện, đầu tư cho phát triển, các công trình, dự án còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

2021 là năm khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, quán triệt tinh thần “vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội”, Lộc Ninh đã thực hiện thắng lợi hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết, kế hoạch đề ra. Thu ngân sách 573 tỷ 408 triệu đồng, tăng 96,7 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng/người, tăng gấp 3,63 lần so với năm 1991. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đến nay, toàn huyện đã có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Ghi nhận những thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lộc Ninh vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: 3 Huân chương, 2 Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, 3 Huân chương Độc lập, 2 Huân chương Lao động và nhiều cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ. 8 tập thể được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 40 mẹ được Nhà nước tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng. 

Huyện Lộc Ninh có 14 thành phần dân tộc cùng sinh sống (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 20,88% dân số toàn huyện). An dân là nền tảng chính trị xã hội để phát triển. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ và hiệu quả. 5 năm qua, từ nguồn vốn Chương trình 135 đầu tư trên 38 tỷ đồng làm đường giao thông, hỗ trợ sản xuất; cấp gần 209 ha đất sản xuất cho các hộ dân tộc thiểu số; thực hiện 3 dự án định canh, định cư tại các xã Lộc Thịnh, Lộc Thành, Lộc Hòa. Huyện xây dựng và sửa chữa 447 căn nhà cho các hộ khó khăn với tổng trị giá 18,5 tỷ đồng, hằng năm tạo việc làm mới cho trên 4.000 lao động. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của huyện chỉ còn 1,75%.

VỮNG TIN, CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP

Trên cơ sở phân tích, nhận định những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Lộc Ninh xác định 3 chương trình đột phá chiến lược, đó là: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và hoạt động du lịch. Lộc Ninh phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của nguồn năng lượng mặt trời; hình thành và phát triển các trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã, thị trấn; chú trọng sản xuất tập trung một hoặc một vài loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao và triển khai chương trình mỗi xã, thị trấn có ít nhất một sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Lộc Ninh phấn đấu phát triển mới ít nhất 300 doanh nghiệp; mỗi xã, thị trấn có ít nhất 6 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và có 1 sản phẩm nông nghiệp được đăng ký thương hiệu. 

Là huyện có gần 110km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia, Lộc Ninh luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị. Đồng thời, Lộc Ninh xây dựng và không ngừng phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các huyện giáp biên của Campuchia trên cơ sở giao ban định kỳ, thăm hỏi, động viên giúp bạn trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại quốc phòng, ngoại giao nhân dân với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương khu vực biên giới thuộc nước bạn Campuchia đã góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới; tạo điều kiện thuận lợi để huyện phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, ổn định để phát triển.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục khuyến khích và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi heo, gà, bò sữa theo quy mô trang trại, gắn với chế biến sản phẩm. Đây là hướng phát triển mũi nhọn của huyện. Đồng thời, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời với 5 dự án nhà máy, công suất 800MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đón đầu các chương trình, dự án trọng điểm để phát triển dịch vụ và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, du lịch sinh thái, trải nghiệm, về nguồn...


Tròn 50 năm qua, điều mà các thế hệ cán bộ, đảng viên huyện Lộc Ninh thấm nhuần là việc sâu sát cơ sở, lắng nghe, đồng hành, kịp thời nắm bắt, hiểu và chia sẻ với nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Chính sự đoàn kết, thống nhất và tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên cùng sự quyết đoán, sáng tạo trong triển khai thực hiện và lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đầu tư bứt phá, Lộc Ninh nâng tầm thống nhất giữa ý Đảng - lòng dân, đồng thuận xã hội, làm nên những thành tựu ngày càng to lớn và vững chắc hơn trên mỗi chặng đường phát triển.

  • Từ khóa
139753

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu