Thứ 4, 24/04/2024 20:10:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:06, 05/01/2015 GMT+7

CHÀO MỪNG 40 NĂM GIẢI PHÓNG PHƯỚC LONG

Về Phước Long xây chiến thắng

Thứ 2, 05/01/2015 | 16:06:00 6,034 lượt xem
BP - Năm 2015, dân tộc ta kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015). Để có được chiến thắng vĩ đại này, kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã trải qua biết bao hy sinh, gian khổ với những trận chiến đấu ngoan cường, tô thắm lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chiến thắng Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh đầu tiên ở miền Nam vào ngày 6-1-1975 là bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ chiến dịch mùa Xuân 1975.

40 năm đã đi qua, âm hưởng của chiến thắng Phước Long vẫn còn vang mãi. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước nói chung, thị xã Phước Long nói riêng mãi tự hào và đang tiếp nối truyền thống vinh quang ấy trên con đường hội nhập, phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. 

Tượng đài chiến thắng Phước Long

 
Phước Long, mảnh đất có ngọn núi Bà Rá, là nơi trước Cách mạng tháng Tám 1945 thực dân Pháp đặt nhà tù giam cầm, tra tấn dã man biết bao chiến sĩ cách mạng. Trên con đường  ĐT741 đi Phước Long, tại trung tâm xã Phú Riềng, vẫn còn đó “mả thằng Tây” là cai đồn điền ác ôn bị công nhân cao su Phú Riềng chém chết trong một cuộc biểu tình năm 1930. “Ở đâu có áp bức là ở đó có đấu tranh”, chân lý đó đã được người Bình Phước sản sinh ra Phú Riềng Đỏ - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của miền Đông Nam bộ. Đốm lửa kiên trung Phú Riềng Đỏ từ những cánh rừng cao su bùng cháy, thắp sáng và soi đường cho cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Đảng viên 65 tuổi đảng Nguyễn Huy Thài (trái) và Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ơ

 
40 năm trước, Phước Long chính là nơi mở đầu trận đánh trinh sát chiến lược, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Từ đêm 13, rạng sáng 14-12, đến ngày 26-12-1974, lần lượt các chi khu quân sự của địch ở Đức Phong, Bố Đức, Đồng Xoài... là những cứ điểm phòng ngự vòng ngoài thị xã Phước Long bị quân ta tấn công và được giải phóng. Ngày 1-1-1975, cao điểm Bà Rá, được coi là “mắt thần” của quân ngụy Sài Gòn bị bộ đội đặc công diệt gọn... Sau 25 ngày đêm tiến công đều khắp, ngày 6-1-1975 thị xã cùng toàn tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng, mở toang cánh cửa miền Đông Nam bộ nối với Tây Nguyên, xuống Sài Gòn về Tây Nam bộ... Trong chiến dịch này, quân ta tiêu diệt 500 tên địch, bắt 1.179 tên, thu 1.498 súng các loại, 190 máy thông tin, 80 xe cơ giới; bắn rơi 12 máy bay, phá hủy 10 xe cơ giới và nhiều trang thiết bị quân sự của địch... (*)

Tháng 8-2009, huyện Phước Long được chia tách thành thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập. Vết thương chiến tranh trên mảnh đất Phước Long gần như đã lành. Những bãi mìn, dây thép gai, trận địa pháo... ngày xưa và những con đường lầy lội, hố sâu do bom cày, đạn xới thuở nào đã nhường chỗ cho những con đường rải nhựa và những dãy nhà mới san sát mọc lên. Thế nhưng vẫn còn đó những chứng tích như cây khế trăm tuổi, vườn cây của nữ tướng Nguyễn Thị Định... và đặc biệt là ngọn núi Bà Rá lịch sử, sừng sững với thời gian. Vẫn còn đó trên thân cây rừng già những vết đạn loang lổ của cuộc chiến ngày xưa, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn khắc ghi, nhớ ơn những người đã ngã xuống. 

Một góc thị xã Phước Long hôm nay - Ảnh: T.V

 
Nói đến Phước Long - Bù Gia Mập là phải nghĩ đến đồng bào dân tộc Xêtiêng kiên trung, một lòng theo Đảng, giúp sức cho bộ đội ta làm nên chiến thắng Phước Long hào hùng. Người dân vùng Đắk Ơ, Bù Gia Mập, sóc Bom Bo... trong kháng chiến không chỉ tiếp tế cho bộ đội về lương thực, súng đạn, nuôi giấu cán bộ mà họ còn trực tiếp tham gia cách mạng. Vùng đất này ai cũng biết đến ông Nguyễn Huy Thài (Phan Thành Lan, thường gọi là Hai Thài), cán bộ lão thành cách mạng đã 65 năm tuổi đảng. Ông là một trong những người gắn bó sâu nặng với đồng bào Xêtiêng  ở tỉnh Phước Long năm xưa. Ông Thài cho biết, Đắk Ơ ngày nay đã là một xã trù phú với phần đông là người Xêtiêng sinh sống. Những căn nhà lợp tôn, mái ngói đỏ tươi, với hàng bằng lăng đầy hoa tím, hai bên lối đi thẳng tắp. Người Xêtiêng xưa quen sống du canh, du cư với tập quán làm rẫy, nay đã định canh, định cư để làm lúa nước hai vụ, con cháu làm công nhân cao su, tiếp cận với văn minh.
 

Tỉnh Phước Long được chế độ cũ thành lập ngày 22-10-1956, bao gồm 3 quận: Phước Bình, Bù Đốp và Phước Hòa, 17 tổng và 21 xã. Năm 1959 thêm 1 quận nữa là Đức Phong. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, tỉnh Sông Bé được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Phước Long, Bình Long và Bình Dương. Ngày 1-1-1997, tỉnh Sông Bé được chia tách làm 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Phước Long là một huyện của tỉnh Bình Phước và đến ngày 11-8-2009 trở thành 1 trong 3 thị xã của tỉnh Bình Phước.

Thị xã Phước Long là điểm du lịch nổi tiếng với di tích lịch sử - văn hóa Bà Rá. Nhiều năm qua, tỉnh Sông Bé trước kia và Bình Phước bây giờ tổ chức giải việt dã về nguồn “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” với hàng ngàn vận động viên trong và ngoài nước tham gia. Lên đỉnh núi Bà Rá giờ không phải đi bộ nữa mà bằng cáp treo để viếng chùa, chiêm ngưỡng tháp truyền hình phủ sóng vùng Đông Nam bộ. 40 năm đi qua, Phước Long đổi thay từng ngày và đang hiện hữu là một thị xã du lịch đầy tiềm năng của tỉnh Bình Phước. Câu hát trong kháng chiến “vượt qua sông Bé oai hùng, về Phước Long xây chiến thắng” trở thành khẩu hiệu hành động của người dân Phước Long trong quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, nay đã trở thành hiện thực trên mảnh đất anh hùng này.

Thế Nhàn
(*) Theo “Lịch sử Việt Nam”

  • Từ khóa
12405

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu